PHÂN TÍCH KẾT THÚC “TẤM CÁM” DƯỚI GÓC ĐỘ TRUYỆN CỔ TÍCH
PHÂN TÍCH KẾT THÚC “TẤM CÁM” DƯỚI GÓC ĐỘ TRUYỆN CỔ TÍCH
Truyện cổ tích thuộc bộ phận văn học dân gian, có hoàn cảnh ra đời, đặc điểm và chức năng khác với bộ phận văn học viết. Để đánh giá đúng về “Tấm Cám”, bên cạnh việc khái quát sơ lược về “Văn học dân gian”, các bạn học sinh cũng cần phổ cập kiến thức về thể loại “cổ tích”.
“Ngon ngỏn ngòn ngon
Mẹ ăn thịt con
Có còn xin miếng” (“Tấm Cám”)
Hành động trả thù của Tấm với mẹ con nhà Cám là một trong những chủ đề nan giải khi các bạn học sinh tiếp cận tác phẩm. Một câu hỏi lớn liên quan đến vấn đề đạo đức của nhân vật Tấm, rằng “Truyện dân gian bao giờ cũng mang tính giáo dục cao, sao Tấm Cám lại đề cao tội ác?”. Hôm nay, hãy cùng Rubik Văn chương tiếp cận “Tấm Cám” từ góc độ truyện cổ tích để tự trả lời cho câu hỏi này.
Truyện cổ tích thuộc bộ phận văn học dân gian, có hoàn cảnh ra đời, đặc điểm và chức năng khác với bộ phận văn học viết
Để đánh giá đúng về “Tấm Cám”, bên cạnh việc khái quát sơ lược về “Văn học dân gian”, các bạn học sinh cũng cần phổ cập kiến thức về thể loại “cổ tích”. Bởi khác với thần thoại, sử thi hoặc truyền thuyết, cổ tích được xem là thể loại đầu tiên bước vào quỹ đạo “Văn học là nhân học” khi chức năng chủ đạo là bênh vực những con người bất hạnh, lên án những con người xấu xa, thể hiện niềm tin và khao khát hạnh phúc của nhân dân. Chức năng này chỉ đạo việc xây dựng nhân vật. Cụ thể, truyện cổ tích sử dụng “nhân vật chức năng” – loại nhân vật “mặt nạ” (có các đặc điểm về diện mạo, tính cách cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối và không có đời sống nội tâm). Loại nhân vật này đáp ứng yêu cầu thể loại khi sự tồn tại và hoạt động của nhân vật chỉ nhằm thực hiện một số chức năng nhất định trong việc phản ánh đời sống và gửi gắm quan niệm nhân sinh. Do đó, nhân vật là hình ảnh đại diện cho phẩm chất mà tác giả dân gian muốn đề cập.
Bàn riêng về cổ tích “Tấm Cám”, các nhân vật trong truyện đều là nhân vật chức năng
Dễ thấy nhất là Tấm, Cám và mụ dì ghẻ đều có những hành động đại diện cho phẩm chất của mình, chưa từng xuất hiện hành động nào của nhân vật lại trái với phẩm chất mà họ đại diện. Vấn đề chỉ xoay quanh việc: Hành động trả thù của cô Tấm vì sao vẫn là đại diện của cái Thiện? Câu trả lời là bởi: Trong một cuộc đấu tranh dai dẳng và quyết liệt, nếu cái Ác tồn tại thì Ác sẽ hủy hoại Thiện, vì đó là cái Ác. Thiện vì vậy mới buộc phải diệt trừ Ác để sống yên lành. Nếu Thiện tiếp tục nhu nhược, yếu đuối, vòng tròn luân hồi chuyển kiếp sẽ còn tiếp diễn. Còn việc băn khoăn tại sao cô Tấm không sử dụng một hình phạt văn minh hơn, thì nên hiểu đây như một ứng xử tất yếu đậm tính thời đại. Văn học dân gian ra đời trong thời kỳ sơ khai, khi tư duy còn ở một trình độ nhất định, không nên sử dụng tư duy hiện đại đã qua nghìn năm thử lửa để chụp mũ một tác phẩm dân gian là man di mọi rợ, nói như GS. Đinh Gia Khánh thì “nên thông cảm với mối căm thù chồng chất của nông dân đối với địa chủ”.
“Cót ca cót két,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra” (“Tấm Cám”)
Ngẫm kĩ những lời mà “hóa thân của Tấm” nói với Cám, sẽ thấy kết cục của mẹ con nhà này không phải chưa từng được dự báo. Biết sai nhưng vẫn làm, biết ác mà không sợ, vì lòng tham hư vinh mà sẵn sàng ra tay giết một mạng người những bốn lần thì không thể là tội nhỏ. Việc diệt trừ tận gốc cái Ác từ xưa đến nay vẫn là khao khát chung của nhân loại. Như vậy mới có cơ sở để nói rằng: “Không một cổ tích thần kì nào mà có tuổi đời trẻ hơn tuổi ông bà chúng ta, và cũng thật là kì lạ, không một cổ tích nào già nua trong ngàn vạn đôi mắt của lớp lớp những thế hệ mới. Một cuộc đời tươi sáng hơn, một xã hội hạnh phúc hơn, một thế giới yên lành hơn … Đó là mơ ước của bao thế hệ” (PGS. TS Nguyễn Tấn Phát và PGS. TS Bùi Mạnh Nhị)
Trong xã hội hiện đại, khi những xu hướng thẩm mỹ được nâng cao, việc bạn đọc có nhiều cách nghĩ mới về tác phẩm nên được xem như một “cánh én báo mùa”
“Ngày xưa, cô Tấm” của nhà văn Lê Minh Hà thuộc xu hướng giải huyền thoại là đại diện cho tâm thế đọc mới khi tiếp cận tác phẩm dân gian. Nhân vật bây giờ không phải nhân vật chức năng mà là những con người đa diện, sinh động với nội tâm phức tạp, có ưu khuyết đầy đủ. Bởi vậy, tất cả đều đáng được cảm thông. Những khả thể này có tác dụng chống trả, vượt qua rào cản của thói quen thẩm mỹ cũ để gieo những hạt giống mỹ cảm mới; khai sinh hệ giá trị mới có tính chất mở đường đồng thời hình thành bế phóng nghệ thuật cho thời đại, là con đường thúc đẩy phát triển, làm phong phú nền văn chương. Nhưng công cuộc đổi mới tư duy này xuất phát từ sự thay đổi của lịch sử xã hội, của tư duy thẩm mỹ và văn hóa thời đại, tất yếu cần đáp ứng tính logic khoa học, tính biện chứng khách quan, tính kế thừa phát triển. Nghĩa là, cách tân chứ không phá bĩnh, tự do nhưng trong khuôn khổ. “Đường biên của văn chương đang giãn mở, nhưng không có nghĩa là sẽ giãn mở đến vô biên, đến không còn là văn chương” (NPB Hoàng Đăng Khoa). Trước khi tiếp cận tác phẩm dưới góc độ cải biên, đổi mới, thiết nghĩ bạn đọc cần tiếp cận thể loại gốc cội của tác phẩm, trước hết để hiểu tường tận dụng ý tác giả, hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh văn hóa.
Đến với khóa học “Phương pháp phân tích tác phẩm”, việc phân tích một tác phẩm từ góc độ thể loại sẽ được cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết hơn. Còn chần chờ gì mà không tham khảo khóa học các bạn ơi!!
Bài viết của bạn Uyên Phương – Sư phạm Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)