VÌ SAO TRONG VĂN HỌC, TÌNH YÊU LÀ ĐỀ TÀI BẤT HỦ?
VÌ SAO TRONG VĂN HỌC, TÌNH YÊU LÀ ĐỀ TÀI BẤT HỦ?
“Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?”
Có bao giờ bạn tự hỏi, vì đâu thơ ca nghệ thuật cứ lai láng những mối tình, từ cuồng nhiệt đến thâm sâu, từ day dứt đến đau lòng… Vì đâu tình yêu lại là đề tài bất hủ mà muôn đời văn chương hướng đến?
Vì tình yêu là cái đẹp!
Mà văn chương muôn đời là gì kia chứ? Nếu không phải “làm cho những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử” (Shelly)? Tình yêu chắc hẳn là thứ tình cảm mĩ lệ nhất của loài người, tình yêu ấy làm hoá giải mối hận thù gia tộc của nhà Romeo và Juliet, tình yêu ấy biến thằng gù Quasimodo ở nhà thờ Đức Bà thành hạt ngọc ẩn sau lớp vỏ sần sùi xấu xí…
Vì cuộc sống có tình!
Mà văn chương muôn đời là gì kia chứ? Nếu không phải “hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng” (Hoài Thanh)? Tình yêu làm gì giản đơn, nếu giản đơn, người ta đã chẳng cần luỵ tình rồi đau đời đến thế! Tình yêu phong phú vô cùng, là thứ người ta không thể định nghĩa: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” (Vì sao – Xuân Diệu) hay có khi chỉ là nỗi tương tư bóng hình một ai đó: “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh./Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!” (Tương tư chiều – Xuân Diệu), cũng có khi đó là thứ tình cảm dại dột để rồi ngoảnh lại chỉ biết lắc đầu hối tiếc:“Người ta khổ vì thương không phải cách/ Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người” (Dại khờ – Xuân Diệu).
Vì con người có tình!
Mà “không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi” (K.Marx). Kể cả tình yêu ấy có là lớn lao hay chỉ là sự hèn nhát, có là sự đồng điệu của hai trái tim nồng ấm hay sự giao hoà của hai thân thể dục vọng. Có gì nhân bản hơn, khi một cây bút hiện thực như Nam Cao, lại miêu tả một đêm trăng “lãng mạn”, dù chỉ đôi dòng “Những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình”, chỉ để tạo một không gian cho đôi tình nhân Chí Phèo – Thị Nở.
Vì nghệ sĩ có tình!
Như bao người, nghệ sĩ cũng có tình. Hơn bao người, chữ “tình” ấy của nghệ sĩ là sự cháy lên, hừng hực và rực lửa, nó nồng cháy và thiêu đốt con tim viết lên những vần thơ da diết. Tình ấy đã “ủ sẵn thành men và bốc lên đắm say” (Lưu Trọng Lư), sáng tạo văn học chính là say, là bay, là điên dại với những thớ của trái tim và khối tình con của mình.
Vì văn chương cần có tình!
Trong một nền kinh tế thị trường, một xã hội công nghiệp hoá, nơi người ta sống với máy móc và sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện đại, văn chương có phải càng cần có tình, viết về tình như một sự cứu cánh? Cứu cánh khỏi những mai một, khỏi những chai lì của “thế hệ bận rộn”, khỏi những im lặng của “người lớn ít nói”, khỏi sự tàn nhẫn của những kẻ máu lạnh vô tình?
Nghiên,
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)