ĐỨNG VÀO DÂN TỘC – ĐỀ THI HSG Quốc gia 2022

ĐỨNG VÀO DÂN TỘC – ĐỀ THI HSG Quốc gia 2022

Rubik 2
28/11/2024

Câu 1 (8,0 điểm). Nghị luận xã hội

Bàn về vai trò của dân tộc đối với sự phát triển của mỗi con người, Xuân Diệu viết: “Không đứng vào dân tộc, như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn để phát triển cho đến tận cùng.”

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, anh/ chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến đó?

(Đề thi chọn HSGQG năm 2020 – 2021)

Bài làm

Đã nhiều lần suy ngẫm, băn khoăn trước thực trạng văn hóa dân tộc đang có nguy cơ mai một trong lòng giới trẻ, khi con người trong thời kì hội nhập đang “nhập siêu” các giá trị văn hóa, câu hỏi vì sao phải “đứng vào dân tộc” thêm một lần lại càng thêm nhức nhối…

Chúng ta đã không quá xa lạ khi văn hóa Hàn Quốc, Tây Âu hay Nhật Bản xâm nhập vào ngóc ngách trong từng suy nghĩ, hành động của mỗi người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ. Trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ thành thị cho đến nông thôn, từ lớp người trẻ đến lớp trung niên, từ trang phục hay ẩm thực, “Hàn lưu” đã phủ sóng trong đời sống của người Việt. Theo Qũy giao lưu công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, Việt Nam xếp thứ 4 theo đánh giá mức độ hâm mộ của công chúng Châu Á với làn sóng Hallyu. Văn hóa Hàn Quốc đã ngấm vào ý thức của những đứa trẻ, chúng có thể kể vanh vách tên các nhóm nhạc, thậm chí, mua đồ dùng hình thần tượng bằng mọi giá! Và hãy thử hỏi tất cả những người bạn gặp, có ai không biết đến một món ăn Hàn Quốc, một biểu tượng xứ Hàn hay một vài bộ phim điện ảnh? Rất nhiều người chuộng đồ Hàn một cách quá mức, sùng thần tượng nước bạn một cách vô lí, trong khi đó, nơi chúng ta đang sống là Việt Nam? Dân Hàn Quốc rất yêu lịch sử và truyền thống của họ, và phải chăng, ta cũng nên yêu thương và “đứng về dân tộc” mình nhiều hơn nữa? Chúng ta sùng ngoại bao nhiêu thì chúng ta cũng có quyền tự hào về dân tộc mình bấy nhiêu- một dân tộc cũng có những con người vĩ đại, một dân tộc cũng có nền ẩm thực phong phú, một dân tộc cũng có muôn vàn trang phục từ 54 dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, những người muốn xem nghệ thuật trình diễn dân tộc tỉ lệ nghịch với số lượng đông đảo bạn trẻ mong ngóng, háo hức trước đêm nhạc hội của nhóm nhạc mình thần tượng. Những nhà hát chèo bao giờ cũng vắng bóng khán giả hơn các liveshow! Và điều đó đã-như-một-lẽ-dĩ-nhiên!

Cũng có người phản bác rằng, chúng ta đã “đứng về dân tộc” khi lên tiếng bênh vực cho Việt Nam khi 20 du khách Hàn Quốc cho rằng không được tiếp đãi chu đáo, trong khi bữa cơm “nghèo nàn” tại Việt Nam “sang” hơn bữa cơm của Chính phủ Hàn tại ổ dịch Gyeongsang nhiều lần. Điều đó đâu phải là thượng tôn quá mức văn hóa và con người Hàn? Nhưng điều đó quá nhỏ nhoi, chỉ bùng lên rồi lụi tàn nhanh chóng. Chúng ta chỉ “đứng về dân tộc” khi bị chạm đến lòng tự tôn. Trong khi ấy, điều đó phải luôn thường trực…

Theo quy luật tồn tại, cây muốn phát triển phải có gốc rễ cắm sâu vào lòng đất. Bằng không, cho dù tán cây có cao, lá cây có xanh, hoa có rực rỡ đến chừng nào thì khi bão đến- những cơn bão ngoại lai xâm nhập thì e cây khó mà chống đỡ nổi trước sức càn quét ghê gớm ấy! Cũng như vậy, không đứng vào dân tộc sẽ như cây không bám vào đất, không có gốc rễ để phát triển cho đến tận cùng.

Xin bàn đến nghĩa rộng của khái niệm “dân tộc”- cộng đồng người của một quốc gia, có sự thống nhất giữa chính trị, kinh tế, lịch sử và truyền thống văn hóa.

Dân tộc là cái nôi trong sự hình thành và phát triển của mỗi con người.

Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, trước sự đổi thay của tạo hóa, con người khó có thể nhìn nhận người khác một cách toàn diện ở cả bề sâu, bề sau, bề xa. Và thậm chí, hiểu về bản thân, nhìn nhận được năng lực, trí tuệ của chính mình cũng chẳng phải điều dễ dàng gì! Thời đại của nền kinh tế tri thức và công dân toàn cầu mở ra cho con người biết bao nhiêu là cơ hội mới. Chưa bao giờ, con người đứng trước nhiều sự lựa chọn đến thế, chưa bao giờ con người có đủ công cụ như mạng xã hội, ứng dụng hỗ trợ để phát triển bản thân nhiều đến thế. Không còn xã hội mà người quân tử chỉ có một con đường duy nhất “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”; và người phụ nữ cũng không cần gánh một chữ “tòng” suốt cả cuộc đời. Song, dường như càng đa dạng, phong phú, con người lại càng băn khoăn, mơ hồ về bản thể, về năng lực, vị trí thực sự của riêng mình?

Cần “đứng về dân tộc”, vì dân tộc là cái nôi trong sự hình thành và phát triển của mỗi con người. Như một lẽ tự nhiên, bất kì ai sinh ra cũng được đón nhận tinh túy trời đất, cái hồn dân tộc, được di dưỡng tâm hồn từ những câu chuyện của bà, lời ru của mẹ từ câu hát đậm đà hồn quê đất nước. Tôi nghĩ những đứa trẻ ấy không biết “tinh thần dân tộc” là gì, nhưng có lẽ, lòng yêu nước, lòng vị tha, nhân hậu đã nuôi dưỡng con người từ đời này qua đời khác. “Đứng về dân tộc” là “đứng về” những giá trị có từ ngàn đời, là truyền thống đoàn kết, tinh thần lạc quan, là sự thông minh sáng tạo, cần cù. Chỉ khi biết, khi hiểu, khi cảm, khi thấu, khi yêu những giá trị truyền thống đó, con người mới có gốc rễ để hoàn thiện nhân cách, mới biết ý nghĩa sự sống không phải chỉ thuộc về cá nhân mình. Chưa có tình yêu vĩ đại nào lại không bắt nguồn từ tình yêu quê hương dân tộc. Và chưa từng có đất nước thịnh vượng nào lại không đứng về dân tộc của mình.

Biết và yêu truyền thống ngàn đời của dân tộc mình cũng là giữ gìn tôn nghiêm cho cả dân tộc trên trường quốc tế. Trong buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tại Paris vào năm 1964, thủy sư đề đốc người Pháp nói rằng “đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà”

Lời phát biểu đã chạm đến lòng tự trọng dân tộc của Giáo sư Trần Văn Khê. Chính vì thế, khi buổi nói chuyện bước vào phần giao lưu, Giáo sư đã đứng dậy xin phép phát biểu: “Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ông Thủy sư Đề đốc nói rằng đã ở Việt Nam hai mươi năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam?

Và để chứng minh, giáo sư đã lấy ca dao 14 âm tiết mà vẫn diễn tả được tâm hồn của con người đất Việt, bài thơ đối tài hoa 28 âm tiết của Mạc Đĩnh Chi với vua nhà Nguyên ở Trung Hoa.

“Đứng vào dân tộc” là bảo vệ danh dự cho dân tộc mình, chỉ những người am hiểu văn hóa truyền thống mới có thể cứu vãn danh dự cho đất nước, chỉ những người không lãng quên những giá trị cổ xưa mới có thể gìn giữ tôn nghiêm của dân tộc.

Dưới góc độ lịch sử, 4000 năm dựng nước là 4000 năm giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với các thế lực ngoại xâm thù địch. Con người Việt Nam đứng trước hai lựa chọn. Hoặc là nô lệ. Hoặc là độc lập. Khát vọng tự do và ý chí kiên cường không cho phép dân tộc bị chà đạp dưới gót giày của kẻ khác- dù là một cường quốc. Chúng ta thà đổ máu chứ nhất quyết không chịu làm nô lệ! Bởi lẽ, một công dân chỉ được phát triển toàn diện trong một đất nước tự do. Cá nhân sẽ không thể sống như một con người thực thụ nếu bị phụ thuộc vào kẻ khác, huống chi nói đến chuyện phát triển cho đến tận cùng? Và khi vận mệnh dân tộc bị đe dọa, mỗi cá nhân cần “đứng về dân tộc”, đấu tranh đến cùng cho độc lập, chủ quyền, cho lợi ích của nước nhà. Khi ấy, tình yêu dân tộc thiêng liêng hơn bất kì tình yêu nào khác.

Tôi nhớ đến thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn- phóng viên hàng đầu của hãng tin Reuters, tạp chí Time, tờ báo New York Herald Tribune- người có tình yêu vô cùng nồng nhiệt với đất nước và con người Mỹ. Ông đã từng chia sẻ rằng: “Tôi có hai tình yêu, một là tình yêu đối với nước Mỹ, hai là tình yêu đối với Việt Nam. Mỹ rất tài nhưng Mỹ không có quyền xâm lược Việt Nam, Mỹ không có quyền áp đặt lối sống của mình với một dân tộc khác. Mỹ không có quyền ở Việt Nam, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Đó là một lẽ phải”

Mặc dù rất yêu nước Mỹ, nhưng suy cho cùng, với tư cách là một con người được quê hương bao bọc, với tư cách là một người con của một nước nô lệ, tình yêu Tổ quốc đã đặt lên trên bất cứ lợi ích hay tình yêu nào khác. Đứng về dân tộc là hi sinh cái tôi của mình, chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể “phát triển cho đến tận cùng”.

Giữ gìn và phát triển tiếng Việt

Quy luật của tự nhiên đã định rõ vị trí, vai trò của các giống loài, sự vật, không loài nào là vô ích cho đời. Nước sinh ra để ngưng tụ trong các đám mây, đám mây đưa mưa đến với vạn vật, mưa làm cây cối sinh sôi, phát triển, cây mang đến bóng mát và tạo ra không khí trong lành. Mặt trời nóng khoảng 5500 độ C. Quả địa cầu nằm ở đúng vị trí vừa vặn đủ để đón nhận sức nóng từ mặt trời, hình thành sự sống. Trái Đất nghiêng trên trục 23 độ, vừa đủ để tạo ra 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Trái đất quay xung quanh trục của nó với vận tốc. Mỗi sự vật đều có ý nghĩa như một một mắt xích giúp cho bánh xe thời gian tiếp tục lăn về phía trước.

“Đứng vào dân tộc” là biết giữ gìn và phát triển Tiếng Việt, là yêu ngôn ngữ của chính dân tộc mình. Điều khác biệt cốt yếu giữa các quốc gia là ngôn ngữ, cùng là chữ tượng hình nhưng chữ Nhật, chữ Hàn, chữ Trung lại khác nhau, hay chữ Phạn khác với cách viết của người Thái. Bao nhiêu quốc gia sẽ có bấy nhiêu ngôn ngữ khác nhau. Điều kinh hoàng nhất là một quốc gia mất đi tiếng nói của mình. Ngôn ngữ bị xóa sổ khỏi một quốc gia cũng có nghĩa quốc gia ấy sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc, là kết tinh tinh hoa qua bao thế hệ truyền nối, là sản phẩm của tư duy, lòng yêu đất nước và tự hào dân tộc.

Đứng về dân tộc, ta có quyền tự hào về Tiếng Việt, tự hào về “Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát- Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh- Như gió nước không thể nào nắm bắt- Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh” (Lưu Quang Vũ). Nhưng trong thời kì hội nhập, khi có sự giao thoa ngôn ngữ, xu hướng cần phải làm giàu đẹp cho ngôn ngữ dân tộc tỉ lệ nghịch với xu hướng muốn học ngôn ngữ nước ngoài. Dĩ nhiên, muốn sinh tồn, ta phải biết ngôn ngữ quốc tế, nhưng muốn phát-triển-bền-vững, ta cần phải hiểu và yêu ngôn ngữ của mình nhiều hơn.

Chỉ có hai dân tộc trên thế giới bị đô hộ 1000 năm mà không mất đi tiếng nói của mình là Do Thái và Việt Nam. Nếu không tin tưởng và có tình yêu sâu sắc với dân tộc mình, nếu không kiên quyết bảo vệ dân tộc mình trước móng vuốt nhọn của giặc ngoại xâm thì hôm nay sẽ không có Việt Nam trên bản đồ thế giới! Cha ông ta nghìn đời đã sẵn sàng hi sinh xương máu của mình để bảo vệ cho ngôn ngữ ấy, cớ gì chúng ta hôm nay lại không thể làm giàu đẹp cho Tiếng Việt, thậm chí là đưa ngôn ngữ dân tộc vượt qua biên giới, đem cái hay đến với bạn bè năm châu. Một tương lai đáng mong đợi (!?)

Phát triển đến tận cùng của con người, âu cũng là phát triển trong nhận thức, trong tư tưởng, trong tâm hồn, trong tình cảm và trong hành động. Người nào càng có gốc rễ dân tộc, người nào càng “đứng về dân tộc” mình, người nào càng yêu các giá trị đất nước thì sự phát triển trong con người càng sâu, tầm vóc con người ấy càng lớn, tầm nhìn con người ấy càng rộng.

Chúng ta có một nền tảng tuyệt vời để kế thừa và phát triển đến tận cùng. Chúng ta được quyền tự hào vì có phong tục, tập quán đa dạng của 54 dân tộc trong suốt mấy nghìn năm. Chúng ta có quyền tự hào vì Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ giàu có, trong sáng và tinh túy nhất thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về nền nghệ thuật nước nhà với nghệ thuật chạm khắc mang niên đại 10000 năm TCN, hơn 50 nhạc cụ dân tộc với muôn vàn cung bậc và hàng ngàn di sản được công nhận. Chúng ta có quyền tự hào vì Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) xác lập 5 Kỷ lục thế giới về ẩm thực đặc sản của Việt Nam.

Mỗi con người, nếu tách khỏi dân tộc cũng như cây mất gốc, dù có trở thành ai, dù có tài giỏi đến thế nào cũng không thể đi đến tận cùng chiều sâu cuộc đời vì họ đã mất đi nguồn cội của mình. Một dân tộc nếu không biết bảo lưu và quảng bá dân tộc mình thì sẽ không thể tự chủ để phát triển bền vững cả về chính trị, kinh tế, xã hội.

Tôi là một phần của dân tộc, dân tộc là một phần trong tôi. Tôi hòa mình vào dân tộc yêu dấu, tôi nghe thấy dân tộc gọi tên mình…

P/S: Đề NLXH của kì thi Học sinh giỏi Quốc gia đã đặt ra vấn đề cấp thiết trong thời kì hội nhập và phát triển. Cầu nối được xây dựng nhiều hơn gấp trăm nghìn lần rào cản cũng đồng nghĩa với việc bản thân mỗi người cần tự ý thức hơn về sứ mệnh của mình. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo bởi “Câu hỏi cuối cùng cho thế giới vẫn còn đó” (Albert Eisntein)

🌻Thôn tin lớp Sirius – ôn vào ĐTQG

https://forms.gle/1LbKPZUBgME4RFcQ6

KHOÁ HỌC LIÊN QUAN

Khoá Meeting: Lớp Sirius – Ôn Đội tuyển Quốc gia

Lớp ôn vào Đội tuyển Quốc gia sẽ đồng hành với các bạn trong quá trình vận dụng tri thức đã có cũng như bồi đắp thêm kiến thức cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
2.500.000 
Ngày bắt đầu: 25/02/2024
Giờ học: 120 phút
Số Video: 24 buổi
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp Apollo – Học sinh giỏi quốc gia

Lớp ôn vào Đội tuyển Quốc gia sẽ đồng hành với các bạn trong quá trình vận dụng tri thức đã có cũng như bồi đắp thêm kiến thức cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
2.250.000 
Ngày bắt đầu: 25/02/2024
Giờ học: 120 phút
Số Video: 24 buổi
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp LLVH và NLXH [Trọn bộ]

Trọn bộ HSG nền tảng gồm các chuyên đề lý luận trọng tâm, cách lập ý bài Nghị luận xã hội, nâng cao tư duy, tạo điểm nhất trong diễn đạt, tư duy,...
2.300.000 
Xem chi tiết

Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách đánh giá (0 đánh giá)