
NGƯỜI NGHỆ SĨ TÔI LUYỆN BẢN THÂN – ĐỀ THI HSGQG 2025








NGƯỜI NGHỆ SĨ TÔI LUYỆN BẢN THÂN – ĐỀ THI HSGQG 2025

Câu 2: Nghị luận văn học
Trong diễn văn đọc tại lễ bế mạc các hoạt động vinh danh giải Nobel ngày 10 tháng 12 năm 1957 ở Stockholm, A. Camus cho rằng: “Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi”
Bằng trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy bàn luận ý kiến trên.
Bài làm
Người Maya cổ có câu chuyện kể về hai vị thần Momus và Vulcain. Khi Vulcain giới thiệu cho Momus bức tượng đất sét như phiên bản cho hình hài của con người, Momus đã trách Vulcain vì sao không khoét một ô cửa nhỏ nơi trái tim. Không những thế, trong phiên bản đất sét của Vulcain tâm hồn con người còn bị bó chặt và giấu kín đi trong một lớp vỏ dày và mờ đục của máu và da thịt. Sơ xuất ấy của Vulcain đã khiến loài người chúng ta phải tìm những con đường vòng để có thể tiếp cận được tâm hồn kẻ khác thay vì có thể nhòm trực tiếp qua ở cửa nơi trái tim mỗi người. Người nghệ sĩ – kẻ duy nhất có tham vọng mở cánh cửa mà Vulcain đã chốt chặt, dường như cũng phải đi một con đường vòng nếu muốn hiểu thấu trái tim con người, đó là con đường như Albert Camus nói: “Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi”
Từ thuở Homer – người hát rong mù của nhân loại đi khắp thành bang để kể về cuộc chiến thành Troy, từ thuở các “quan hành nhân” đi khắp đất Trung Nguyên tìm những bài ca trong Kinh Thi, văn chương “đã ra đời và tồn tại ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”. Văn chương ra đời bao lâu thì chừng ấy thời gian người nghệ sĩ vật lộn với bản thân trong quá trình sinh thành nghệ thuật. Suốt cuộc đời sống và viết, người nghệ sĩ đặt mình trong nhiều lần “tôi luyện”, đó có thể là sự trau dồi khả năng quan sát, óc tưởng tượng từng phút từng giờ, có thể là sự mài sắc ngôn từ nghệ thuật qua mỗi tác phẩm nghệ thuật gửi đến bạn đọc. Albert Camus đề cập tới một sự “tôi luyện” khác trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, đó là sự “tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác”. Dẫu rằng bản chất của quá trình sáng tạo là nỗi cô đơn, nhưng nhà văn luôn biết rằng điều mình viết không chỉ dành cho riêng mình anh, anh khao khát gửi gắm, muốn nói một điều gì đó với những người xung quanh. Những người khác ấy chính là bạn đọc muôn thế hệ, bạn đọc xuyên thời gian và xuyên không gian, là một “cộng đồng không thể tách khỏi”. Trong quá trình tôi luyện bản thân không ngừng nghỉ ấy, người nghệ sĩ sẽ gặp gỡ kẻ khác ở ngã ba chung, đó là “quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua” – phạm trù thẩm mĩ văn học muôn đời đều hướng đến. Như vậy, trong giây phút huy hoàng được công nhận bởi giải Nobel Văn học, bằng trải nghiệm cầm bút rất riêng tư, Albert Camus đã đúc kết một yêu cầu với người cầm bút khi sáng tạo nghệ thuật, đó là không tách rời bản thân với người đọc, sáng tác suốt đời theo quy luật của cái đẹp, của lí tưởng thẩm mĩ chung.
Người nghệ sĩ cầm bút sáng tác, trước hết là để giải tỏa nỗi cô đơn thăm thẳm sâu kín. Quá trình sáng tạo trước hết là hoạt động mang tính cá thể, của cá nhân nghệ sĩ làm. Khi bước vào địa hạt màu nhiệm của những tác phẩm văn học, ta ít nhiều cũng bắt gặp những tâm sự dồn nén, những ẩn ức sâu kín của chủ thể sáng tạo. “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”, Picasso đã nói. Dường như, vì người nghệ sĩ “cô đơn” quá nên họ mới cầm bút. Bởi vì để ghi lên trang giấy những tác phẩm tuyệt tác, người nghệ sĩ sẽ phải bước vào thế giới mà chính cảm xúc của mình tạo thành. Trong thế giới ấy, nhà văn sẽ phải xác định mình sẽ là một cá thể đơn lẻ và tự làm việc trong môi trường mang tính cá thể hóa cao độ. Ngay từ khi “thai nghén” tác phẩm, nghệ sĩ sẽ phải vào vai người đạo diễn thực thụ khi chỉ mình anh phụ trách việc phác thảo ý tưởng, sửa chữa bản thảo cho tới khi tác phẩm hoàn thiện tới tay bạn đọc. Trần Nhân Tông khi lên chơi núi Bảo Đài cũng có khoảnh khắc cảm xúc tương tự:
“Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm”
(Đăng Bảo Đài sơn)
(Vạn sự như nước trôi theo nước
Trăm năm chỉ có lòng nói với lòng)
Giọt lệ rơi khi một mình đứng giữa trời đất bao la phải đâu là thương cảm cho đời mình, phận mình phải gánh chịu những nghịch cảnh, phong ba nào đó mà là cảm nhận sâu sắc về sự mong manh, hữu hạn của kiếp người trong vũ trụ.. Khoảnh khắc ngộ ra điều này, không biết chia sẻ cùng ai, tự nhiên mà rơi nước mắt. Ta hiểu vì sao mà văn chương là chiếc cầu nối giúp “người gần người hơn” (Nam Cao). “Người gần người” không đơn thuần chỉ là ta và kẻ khác xích lại gần hơn, mà chính bản thân chúng ta tiến đến gần hơn với phần Người bên trong.
Để giải thoát mình khỏi nỗi cô đơn thường trực, nhà văn tự đặt mình trong mối tương quan với kẻ khác. Tzevtan Todorov đã nói đại ý như sau: Con người có thể sống vắng Thượng đế, nhưng không thể thiếu được Kẻ khác. Ý niệm về “kẻ khác” vô cùng đa dạng: đó là một kẻ thuộc nhóm thiểu số, đó là một người dưới đáy xã hội, đó là một thân phận là nạn nhân của hoàn cảnh nào đó… Hay chỉ cần hiểu đơn giản, khi ta tự tách mình ra riêng lẻ, thì những người xung quanh chính là Kẻ khác. Văn học, cố nhiên, luôn trổ cánh cửa để ta nhìn ra được những thân phận, những đời sống dễ bị vô hình hóa, dễ bị làm cho câm tiếng. Nhưng quan trọng hơn, văn học không ngừng cho ta thấy mỗi cá nhân là một thế giới tinh thần phức tạp. Sự đối diện của con người với những vực thẳm nội tâm luôn là một chiều kích gai góc nhất, nhức nhối nhất nhưng rất cần được kẻ khác đồng cảm. Và đó mới chính là điều mà mỗi nhà văn quan tâm đến. Nhà văn bằng khả năng của mình biến mỗi “Kẻ khác ta” thành một thế giới của những phép màu bí ẩn. “Tôi là một con người và những gì thuộc về con người không xa lạ với tôi”. Lời tuyên bố mang tính biểu tượng của Chủ nghĩa Nhân đạo Phương Tây của nhà thơ Térence vẫn luôn là phương châm tồn tại của văn học
Thi nhân xưa và nay không xa lạ gì với Kẻ khác, thậm chí họ tìm thấy bản thân trong Kẻ khác. Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh kí cũng không ngoại lệ.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du tự nhận mình là người “mang cái án phong lưu”. Từ cuộc đời, số phận của Tiểu Thanh mà ngẫm đến mình. “Khách tự mang”- Tố Như tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh, chẳng phải hai con người tuy hai mà một, tuy xa mà không lạ hay sao. Ở đây, ta hiểu được tại sao Nguyễn Du viết về Tiểu Thanh, về một con người sống cách mình mấy trăm năm lại da diết đến thế. Vì ông viết về Tiểu Thanh cũng là viết về mình. Hoàn cảnh xã hội thì cố nhiên mỗi người một vẻ nhưng số phận những kẻ tài hoa bạc mệnh khắp gầm trời cuối đất này thì đều giống nhau. Nếu hỏi trời xanh “nan vấn”, không ai thấu, Nguyễn Du tự hỏi mình: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hà hà nhân khấp Tố Như?” Tư Mã Thiên từng nói cứ năm trăm năm trong lịch sử lại xuất hiện một con người vĩ đại, Trương Hành, nhà thiên văn học đời Hán trong bài “Đồ lâu phú” đã trò chuyện với Trang Tử người sống cách mình bốn trăm năm, như người đồng điệu. Nguyễn Du đã khóc thương Tiểu Thanh, Thúy Kiều, người con gái đất Long Thành, nay trông người mà ngẫm đến ta, cũng mong một tiếng đồng vọng thống thiết.
Trong mối tương quan giữa mình và người khác, nhà văn trước hết hướng đến những lí tưởng thẩm mĩ chung mà văn chương muôn đời thừa nhận, đó là cái Đẹp. Niềm vui trọn vẹn chỉ tới với nhà văn khi nào anh ta tin chắc rằng lương tâm mình không có gì trái ngược với lương tâm của những người xung quanh. (Saltưkov Shedrin). Nhà văn không đứng ở vị trí quan tòa cai trị, mà anh đứng cùng với những người xung quanh, đứng về phía xã hội. Nói như Albert Camus trong bài diễn văn của mình: “Nó buộc người nghệ sĩ không được tách biệt mình; nó buộc anh ta phải tuân theo chân lý khiêm nhường nhất và phổ quát nhất […] Đó là lý do tại sao những người nghệ sĩ thực thụ không coi thường bất cứ điều gì: họ có nghĩa vụ phải hiểu chứ không phải phán xét”. Nghề văn không phải là một nghề thủ công và cũng không phải là một thứ công việc. Nghề văn là sứ mệnh. Đi sâu vào một số từ, vào cội nguồn âm hưởng của chúng, ta sẽ bắt gặp nghĩa ban đầu của chúng. Từ “sứ mệnh” có chung một gốc với từ “tiếng gọi”. Vậy thì cái gì gọi nhà văn đến với cái lao động tuyệt mỹ nhưng đôi khi cay cực kia? Trước tiên là tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép nhà văn đích thực sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho đồng loại tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập chính tâm hồn nhà văn. Nếu anh không làm cho nhãn quan của con người tinh tường thêm, dù chỉ là một phút, anh không phải là nhà văn. Nhưng rồi ngoài tiếng gọi của trái tim ta, ta còn nghe rành rọt một tiếng gọi mạnh mẽ khác: tiếng gọi của thời đại ta đang sống và của nhân dân ta, của nhân loại. Chả thế mà Saltưkov Shedrin đã nói rằng nếu như văn học chỉ im tiếng trong một phút thôi, thì điều đó cũng chẳng kém gì cái chết của cả một dân tộc.
Nghệ sĩ sinh ra vốn là để tìm cái đẹp, sáng tạo và nâng đỡ cái đẹp. Nhưng cái đẹp lại muôn hình muôn vẻ, cho nên với mỗi người, vấn đề là tìm vẻ đẹp nào, tìm kiếm ở đâu. Trong văn chương, không ít người tìm cái đẹp tài tử siêu phàm hay cái đẹp chốn rừng Nho như Nguyễn Tuân, có người tìm kiếm, đề cao cái đẹp hoang dại nguyên sơ đôi khi gắn với bản năng, phi lí tính như Khái Hưng. Nhưng cũng có người vật vã từ bỏ cái đẹp của một “ánh trăng xanh huyền ảo” “làm đẹp cả những thứ tầm thường” để đến với cái đẹp của “tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” như Nam Cao. Thế giới nghệ thuật của Thạch Lam rẽ vào lối khác so với những ngòi bút cùng thời của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, ít bầu không khí ngột ngạt và cùng quẫn, thiếu cái bề bộn và dữ dội của cuộc giao tranh của cái đói và cái chết, sự tha hóa trong đời sống. Thạch Lam cũng đi tìm cái đẹp, nhưng với ông, trong đời sống, “cái đẹp vốn tiềm tàng khuất lấp” và trong văn chương, “cái đẹp là sự sống được cảm thấy”
Cái đẹp mà Thạch Lam chăm chú phát hiện chính là cái đời sống bên trong, đời sống tâm hồn – đó là tình thương, lòng trắc ẩn, sự vị tha, giữa người với người, giữa người với loài vật. Còn gì cảm động hơn tình thương của lũ trẻ con với con chim non rũ cánh trong trận giông tố (Tiếng chim kêu). Chúng yên ấm trong chăn nệm song thổn thức với tiếng chim khắc khoải ngoài mưa gió. Một con người cảm thấy “lòng mình thắt lại” khi bạn ốm (Người bạn trẻ), một người khác sám hối vì hành vi của mình làm người khác gian truân suốt đời (Một cơn giận)... Những hành động tình nghĩa ấy là nền móng lương tri con người mà nhà văn dày công vun xới. Những con người nhỏ bé, tầm thường ấy bỗng chốc vụt lớn lên trong tác phẩm của Thạch Lam vì họ sống như CON NGƯỜI viết hoa (chữ dùng của Gorki). Đọc văn Thạch Lam, ta cứ nghĩ đến câu của Romain Rolland mà Nguyễn Đình Thi từng nhắc tới trong tập bút kí “Nhận đường”, đó là “Có những nhà văn mà tác phẩm của họ làm thành Người”. Nhân ái chính là giá trị tinh thần, là văn hóa của người Việt Nam. Một con người luôn băn khoăn “muốn sống cho ra một người đất Việt”. Con người nhà cạnh sát Hồ Tây, có cây liễu, cành đổ nghiêng nghiêng xuống mặt nước, lúc gần kề cái chết còn bảo chị “đẩy em lên cao một tí để em nhìn thấy cây liễu” đã sống và viết với tinh thần nhân ái mang hồn cốt dân tộc đậm đà. Viết về những cái nhỏ nhặt, bị che khuất ấy, Thạch Lam là người có ý thức chắt chiu và bảo tồn cái đẹp có giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc. Vì thế đọc Thạch Lam ta không chỉ thấy ý nghĩa và giá trị văn chương trong sáng tác của ông mà còn tìm thấy tầng sâu văn hóa Việt Nam trong văn ông – chính điều này làm nên sự trường tồn của nghệ thuật như nhà văn viết trong tiểu luận Theo dòng: “Chỉ có những tác phẩm nào nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới bền vững mãi mãi”.
Văn chương quan tâm tới cái Đẹp để phụng sự đời sống con người, nhưng cũng chưa bao giờ ngần ngại vạch ra cái xấu, cái ác để hướng con người tới cái đẹp. Vì nhiệm vụ của người nghệ sĩ là viết về sự thật, về con người, bất kể đó là sự thật trần trụi, tàn nhẫn thế nào đi chăng nữa. “Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” (Nguyễn Huy Thiệp). Những tác phẩm văn chương “làm loạn”, gây cho người đọc tâm lí bất an, cũng chính là một cách để nhà văn cất lên tiếng nói thay cho cộng đồng của mình.
Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1987, truyện ngắn “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp như một quả pháo san phẳng tất cả những đền đài, thờ tự, chiêm bái, những đạo đức rạn vỡ, hay những gì còn sót lại của định nghĩa “làm người”. Người viết xem truyện ngắn này không chỉ là một mô tả về sự ô hợp, bát nháo của thời thế cha chồng nhìn trộm con dâu tắm, mà còn xem nó như một cây búa đã đập tan định nghĩa “làm người” của nhân loại. Nó lung lay trước những trang viết của Nguyễn Huy Thiệp. Xã hội thu nhỏ trong gia đình lão Kiền là một xã hội nứt mẻ từ trong căn nguyên của chính nó. Bố con hoạnh họe, móc mỉa nhau trong chính các bữa cơm. Anh cả thì nhốt em út vào một căn phòng cạnh nhà xí vào ngày giỗ mẹ. Em chồng thì gạ gẫm vợ của anh mình. Bố chồng thì nhìn trộm con dâu tắm. Nhân vật Tốn hỏi Khiêm:
“Tiền là gì?”
“Là vua.”
Rõ ràng và rành mạch. Con người bị truất quyền làm vua. Con người không còn là vua, con người bị đẩy ra khỏi vị trí trung tâm mà nó ảo tưởng dựng nên. Tiền là vua. Hay sâu xa hơn là sự hỗn loạn tạo ra bởi tiền, mới chính là vua. Nguyễn Huy Thiệp đặt ra một câu hỏi tuy không mới nhưng vẫn đầy hoang mang kể từ ngày loài người xuất hiện: Làm người là làm gì? Làm người có lẽ là việc duy nhất con người tự đọa đày chính nó với những ảo tưởng đạo đức, mà nói như Sinh ở cuối truyện thì làm người “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm.” Nguyễn Huy Thiệp vẫn tin vào tính người nhưng không còn mong vọng vào chính con người. Hai chữ “Thương lắm” vừa bùi ngùi, vừa xót xa.
Cuộc sống hàng ngày
nhỏ nhen
tàn bạo
Rác rười gia đình
miếng cơm
manh áo
Lê Đạt đã viết những câu thơ này năm 1956. Dường như bi kịch nhỏ nhặt, vụn vỡ là tiểu tự sự của mỗi cá nhân, nhưng cũng đồng thời là đại tự sự chung của rất nhiều người. Nhìn xuyên thấu vào bi kịch chung ấy của cộng đồng, Nguyễn Huy Thiệp đã thực hiện đúng yêu cầu với nhà văn – cất tiếng vì một cộng đồng không thể tách khỏi.
Trong quá trình tôi luyện mình, tiếng nói của nhà văn bao giờ cũng đại diện cho một cộng đồng mình thuộc về, mà nói như A. Camus, đó là cộng đồng anh không thể dứt bỏ. Đó là những tiếng nói vỡ vụn ra thành từng mảnh của những số phận yếu ớt, bé nhỏ cần nhà văn cất tiếng thay họ. Một trong những lý do cần sự cất tiếng của nhà văn thay cho cộng đồng, đó là sự tan vỡ của các đại tự sự thành những mảnh vụn cá nhân hiện sinh. Albert Camus đã tuân theo quan niệm của mình trong các sáng tác nổi tiếng của mình, từ “Huyền thoại Sisyphe” đến “Người xa lạ” đến “Dịch hạch”. Từ Sisyphus đến Meursault đến Rieux, Camus xây dựng một vũ trụ thế giới quan đầy rẫy phi lí mà con người chính là bị đẩy ra làm nạn nhân cho mọi bi kịch. Đi từ thất vọng, hư vô, phi lý, Albert Camus đã không chịu xây dựng một nhân sinh quan có tính cách tàn phá hay tiêu cực mà trái lại đã đi tới chỗ ca ngợi tình yêu thương, coi đó là những điểm tựa quý giá của cuộc sống trần gian. Albert Camus đã trở về với truyền thống nhân bản, lấy con người làm trọng tâm của mọi sự vật và hoạt động trần gian. “Hãy thách thức cái phi lí của đời người. Trong sự chống đối lại cái quyền uy tột đỉnh của thần linh, việc làm tự nó đã có một phần thưởng xứng đáng. Ta phải tưởng tượng Sisyphe là một người sung sướng”. Các nhân vật của Camus vì thế trong sự sa đọa, trong đau đớn ngộ nhận, hoang mang và phi lý, luôn luôn phản kháng. Bởi với Camus, “tôi phản kháng là tôi tồn tại”.
Trong khi Jean Paul Sartre – nhà văn theo chủ nghĩa hiện sinh nói:”Địa ngục là kẻ khác.”, Albert Camus lại tuyên bố: “Tôi có một lòng yêu người và vật rất mạnh và tôi yêu những kẻ sống hôm nay với tôi trên mảnh đất này”. Viết theo tôn chỉ như thế về con người, A.Camus chứng minh rằng tác phẩm của mình không chỉ thuộc về một thời đại nhất định là những năm 50 thế kỉ XX, cũng không chỉ thuộc cộng đồng nhất định là dân tộc Pháp nói riêng, mà văn chương của Camus đã vươn lên trở thành văn chương của cộng đồng chung – cộng đồng nhân loại, chạm tới giá trị xuyên thời gian và xuyên không gian, không thể biến mất hay bị lãng quên trong dòng chảy trôi khắc nghiệt của cuộc đời.
Nhà văn khi “tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi”, cũng đồng thời yêu cầu một sự hồi đáp không ngừng từ người đọc. Milan Kundera đã mượn lời của nhà thơ Séc Jan Skacel khi nói về trường hợp Kafka:
“Poets don’t invent poems
The poem is somewhere behind
It’s been there for a long time
The poet merely discovers it”
(Nhà thơ đâu tạo ra thơ
Bài thơ ở đâu đó phía sau
Nó đã nằm sẵn ở đó từ lâu
Nhà thơ chỉ là kẻ đi tìm ra nó)
Sự đọc phải chăng chính là sự đi tìm những điều “ẩn giấu phía sau” từ hai phía, từ cả nhà văn và người đọc. Từ phía người nghệ sĩ, Milan Kundera nói thêm rằng: “Thật vậy, nếu thay vì tìm kiếm “bài thơ” ẩn giấu “đâu đó phía sau”, nhà thơ lại dấn thân phục vụ cho một sự thật đã biết trước từ đầu… thì người đó đã từ bỏ sứ mệnh của thơ ca. Bất kể sự thật đó là cách mạng, một chính kiến, là đức tin hay là tư tưởng vô thần, là chính đáng hay không chính đáng – một nhà thơ phục vụ cho bất kỳ sự thật nào khác ngoài sự thật cần được khám phá (cũng chính là một sự ngỡ ngàng) đều là một nhà thơ giả dối.”. Từ phía người đọc, tìm ra bài thơ “ẩn giấu phía sau” chính là quá trình đồng hành cùng với nhà văn trong quá trình vun xới nhân tính, mà biết thấu cảm cùng Kẻ khác là biểu hiện hàng đầu của lương tri. Đó là sự việc coi mình như Kẻ khác như Alaa Al Aswany nói “Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay, bạn quên đi quốc tịch của nhân vật. Bạn quên đi tôn giáo của nhân vật ấy. Bạn quên đi màu da của anh ta hay cô ta. Bạn chỉ hiểu con người. Bạn hiểu đây là một con người, cũng như chính chúng ta thôi. Và vì thế đọc những tiểu thuyết vĩ đại có thể tái tạo chúng ta trở thành những con người tử tế hơn nhiều.”
Ngay lúc này, vị thế của văn chương đứng trước sự cạnh tranh của vô vàn những loại hình nghệ thuật khác mang đậm tính giải trí hơn. Song, xét cho cùng, văn học vẫn có vị thế riêng trong đời sống tinh thần nhân loại mà khó có bộ môn nghệ thuật nào có thể thay thế, chừng nào nhà văn còn cất lên tiếng nói cho những tâm tư sâu kín của con người, và chừng nào vẫn còn những người đọc “ưu tú”. “Độc giả ưu tú nhất là những độc giả trong trắng, họ đọc không phải vì lấy kiến thức, họ đọc vì yêu. Họ đọc vì thấy các câu chữ giản dị kia nói giúp cho họ những sâu kín cay đắng nồng nhiệt mà họ luôn luẩn quẩn nghĩ không sao thốt nổi thành lời. Thật hạnh phúc cho một tác giả nào chỉ có toàn độc giả như thế.” Nguyễn Việt Hà đã viết như thế trong Khải huyền muộn
Con người ta vẫn cần và vẫn đọc văn học trong ngày mai và cả ngày sau nữa.
”Tôi đã thử đánh rơi trang giấy mình xuống nước
Thơ không thể tự hơ khô trang giấy của mình
Nhưng mặt trời tình yêu, bạn ơi có thể
Làm ký ức nhoè rồi bỗng lại tươi xanh”.
(Phạm Tiến Duật)
Nguyễn Phương Uyên – Giải Nhì HSGQG 2022
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (1 đánh giá)