CÓ MỘT THẾ HỆ THÍCH BẬN RỘN

CÓ MỘT THẾ HỆ THÍCH BẬN RỘN

RUBIK VĂN CHƯƠNG
26/11/2023
Có một thế hệ thích bận rộn. Họ là những người lúc nào cũng thấy “đang chạy deadline”, lúc nào cũng than “bị deadline dí”. Tự biến cuộc sống của mình thành bận bịu, dường như họ không chỉ dần thích nghi với điều đó, mà còn từ từ cảm thấy thinh thích, cho đến không thể thiếu nó. Những con người thích ném mình vào vòng quay của công việc, vì nếu không, họ sẽ bị văng vào vòng xoáy của sự trống rỗng. Ai lại chẳng mong muốn được thảnh thơi? Nhưng “nhàn cư vi bất thiện”, rảnh rỗi quá mức đâm ra lại suy nghĩ nhiều, lại thấy trống vắng, thấy đơn độc, thấy hoang mang vô định và hoài nghi chính mình.

“AI MÀ KHÔNG BẬN SỐNG THÌ ĐANG BẬN CHẾT”

Trong ca khúc “It’s Alright, Ma” của Bob Dylan có một câu hát vô cùng nổi tiếng: “That he not busy being born is being dying” (Ai không bận sống thì đang bận chết). Bận rộn với cuộc sống của mình thì mới đúng nghĩa là đang sống.
 
Ít nhất, việc “chạy deadline” đến “sống dở chết dở” khiến em cảm thấy mình có ích, mình đang làm một việc gì đó, nhưng em ơi bận rộn có phải thước đo của sự thành công?
 
Chúng ta tự tạo ra cho mình những công việc vô hình để khiến bản thân bận rộn, cũng vì đánh đồng bận rộn với hiệu suất. Chúng ta vô hình trung có một thứ ảo tưởng rằng, mình đang bận rộn, mình đang làm việc chăm chỉ, và mình sẽ có một thành công ở một tương lai không xa. Nhưng đôi khi, bận rộn ấy chỉ là do chúng ta chưa quản lý được thời gian hợp lý, hoặc chỉ đơn giản là chúng ta không muốn bản thân trông thật rảnh rỗi như một kẻ “ăn không ngồi rồi”.

BẬN RỘN TRỐN TRÁNH CÔ ĐƠN?

Trong thời Trung cổ, một trong bảy mối tội đầu, lười biếng (sloth), có một mặt trái của nó là acedia – trạng thái bận rộn một cách liên tục, vô ý thức. Các triết gia cho rằng quá rảnh hay quá bận rộn chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Bởi vì khi rơi vào một trong hai trạng thái đấy, chúng ta đều bị chia cắt khỏi tâm hồn của mình. Chúng ta quá bận rộn với thế giới bên ngoài mà quên chăm sóc cuộc sống tinh thần bên trong.
 
Chỉ vì muốn trốn tránh những lỗ hổng sâu kín bên trong tâm hồn mình, mà chúng ta vô tình tự ép bản thân hãy bận rộn. Chỉ vì nỗi sợ phải đối diện với nỗi cô đơn và cảm xúc tiêu cực tận cùng của trái tim, mà chúng ta vô tình không còn muốn để cho bản thân được rảnh rỗi.
 
Thế hệ thích bận rộn như chúng ta, chẳng lẽ lại đáng thương như thế?
Không!
 
Hãy ngưng sống bận, để bận sống. Tạm ngưng những kết nối bên ngoài, để nối liền những đứt gãy bên trong.
 
Bởi chỉ có tinh thần mới lấp đầy được khoảng trống tinh thần. Dùng vật chất để lấp đầy nó chỉ là giải pháp tạm thời, nếu không muốn nói là tạm bợ!
Nghiên,

Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách đánh giá (2 đánh giá)