CHỮ “KHÔNG” TRONG THƠ MỚI – BỨC THƯ GỬI QUÁ KHỨ?

CHỮ “KHÔNG” TRONG THƠ MỚI – BỨC THƯ GỬI QUÁ KHỨ?

RUBIK VĂN CHƯƠNG
29/11/2023

Sao Thơ Mới lắm chữ “không” thế?

Sao Thơ Mới lắm chữ “không” thế? Đó là điều mình cực kì thắc mắc khi đọc các bài thơ trong Phong trào này. Cũng có thể đó là một ngẫu nhiên. Nhưng cũng có thể không…

Mình ấp ủ mãi thắc mắc này trong lòng, cho đến khi được nghe thầy Trần Nho Thìn (GS.TS Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ về khái niệm “Đối thoại” trong văn học, mình đã thoáng nghĩ đến câu trả lời cho vấn đề bấy lâu nay.

Chữ “không” như sự đối thoại với thơ cũ…

Có lẽ chăng, chữ “không” ấy là những bức thư gửi về quá khứ? Như một sự đối thoại. Đối thoại với thơ cũ để khẳng định sự lột xác tuyệt mĩ của Thơ Mới! Đọc thử đôi câu thơ rất quen thuộc trong “Tràng giang” (Huy Cận):

“Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Vốn lấy tứ trong “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

Khói hoàng hôn ở đâu cũng khiến người ta rưng rưng nhớ mảnh đất quê nhà. Nhưng chỉ một chữ “không” của Huy Cận mà thay đổi ý vị đi hẳn. Cần chi hoàng hôn để nhớ nhà, khi nỗi nhớ ấy vốn dĩ tồn tại trong tâm thức? Cần chi một cái cớ để nhớ quê, khi nỗi lòng là cái được tự do bộc bạch trong Thơ Mới? Bắt đầu từ cái ngày mà chúng ta tiếp thu văn hoá phương Tây, có lẽ thơ ca đã khao khát được cởi trói, “khát vọng nói rõ được những điều kín nhiệm u uất”? Chữ “không” ấy, phải chăng giống như một lời tuyên ngôn của Thơ Mới gửi về quá khứ rằng: tình điệu của con người chẳng cần nép mình bên những yếu tố ước lệ tượng trưng đầy khuôn phạm nữa! Tình điệu của con người sẽ tự cất lên tiếng nói của chính nó, thành thực và mạnh mẽ!

Thơ Mới chẳng cần “tức cảnh sinh tình”…

Hay là ta cùng đến với “Tống biệt hành” của Thâm Tâm với những câu thơ mở đầu đầy ấn tượng:

“Đưa người, ta không đưa qua sông,

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Lại là “không”! Câu chuyện tiễn đưa và chia ly này có phải rất gần với cảnh tiễn bạn của Lý Bạch trong “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”:

“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.”

(Bạn từ lầu Hoàng Hạc lên đường

Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng

Bóng buồm đã khuất bầu không

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời)

“Không đưa qua sông” như Lý Bạch, nhưng sao vẫn có “sóng ở trong lòng”? “Bóng chiều không thắm” như cảnh tiễn biệt của thi tiên đời Đường, nhưng sao vẫn “đầy hoàng hôn trong mắt trong”? Cái tình là đây! Cái tình ở lòng người, chứ cái tình không hoàn toàn ở cảnh. Chẳng cần “tức cảnh sinh tình”, vì tình luôn ở trái tim!

Thơ Mới mang bầu sức sống trẻ…

Và “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư hẳn là lạ nhất, khi một loạt chữ “không” xuất hiện dày đặc trong 9 câu thơ 5 chữ vỏn vẹn:

“Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh người chinh phụ

Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô.”

Ba lần, chính xác là ba lần, “em không nghe”.

Có lẽ ta bắt gặp nhiều lần, vầng trăng quen thuộc trong những vần thơ thu trung đại:

“Nước biếc trông như từng khói phủ

Song thưa để mặc bóng trăng vào”

(“Thu vịnh” – Nguyễn Khuyến)

Có lẽ ta bắt gặp nhiều lần, tiếng lòng rạo rực của những kẻ chinh phụ chờ chồng chinh chiến trở về:

“Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu

Hỏi ngày về ước nẻo uyên ca

Nay quyên đã giục oanh già

Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo”

(“Chinh phụ ngâm” – Đoàn Thị Điểm)

Có lẽ ta bắt gặp nhiều lần, mùa thu sang với lá vàng rơi rụng làm hồn người không khỏi cô liêu:

“Người lên ngựa kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”

(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Và tất thảy, thu ấy của thơ cũ, đều gắn với nỗi buồn, đều rầu rầu một nỗi khó tả. Tất nhiên Thơ Mới cũng chẳng phải vui. Nhưng mùa thu của Lưu Trọng Lư dường có cái gì trong veo hơn hẳn. Con nai thơ ngộ của chàng thi sĩ dường như đã biến cái nỗi buồn thiên cổ của loài người thành một cái gì mang không khí mới, bầu sức sống mới của sự “Trẻ”!

Nghiên,

KHOÁ HỌC LIÊN QUAN

Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách đánh giá (0 đánh giá)