CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN “LẶNG LẼ SA PA”

CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN “LẶNG LẼ SA PA”

RUBIK VĂN CHƯƠNG
26/11/2023

Nhà văn Nga L.Tônxtoi cho rằng: Tôi không thể nào phân biệt được thơ và truyện ngắn, còn Pautopxki thì lại nói: Truyện hay đến một mức nào đó thì thành thơ. “Lặng lẽ Sa Pa” là một tác phẩm như thế.

Chất thơ là gì?

Có vô vàn những khái niệm về chất thơ và mỗi khái niệm đều thể hiện một khía cạnh nhất định. Ở đây, mình có thể giải thích một cách dễ hiểu rằng một tác phẩm có chất thơ tức là có tính chất gợi cảm và gây hứng thú trong thơ. Nói một tác phẩm văn xuôi có chất thơ tức là những ý văn, câu văn, đoạn văn tạo nên sự rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người và nó có khả năng truyền những rung cảm ấy đến với người đọc. Và ở đây, tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là một tác phẩm như thế.

Chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”

Chất thơ trong nội dung

Chất trữ tình từ thiên nhiên thơ mộng:

Chất trữ tình được toát lên từ những bức tranh phong cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng của Sa Pa được miêu tả qua cái nhìn của ông họa sĩ: “cảnh trước mặt bỗng hiện lên đẹp một cách kì lạ. Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu … rung tít trong nắng … Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”; “Nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ”.
 
Tác giả Nguyễn Thành Long như đang vẽ ra trước mắt người đọc một khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu có ánh nắng lung linh, có thiên nhiên hiện lên quyến rũ, tươi tắn lạ kỳ, có cả những áng mây bảng lảng trên mặt đất nửa thực nửa mơ. Tất thảy đã quyện hòa cùng nhau khắc họa nên bức tranh Sa Pa kì ảo, tráng lệ. Bức tranh ấy khiến cho con người không thôi xao xuyến, rung động, như thể phải “nín thở” để cảm nhận, chiêm ngưỡn
g.

Chất thơ còn được thấm đượm trong lối sống của anh thanh niên:

Lối sống một mình giữa thiên nhiên lặng lẽ “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, trong rực rỡ của những loài hoa, có “món nước chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn”, có những đêm thức trên đỉnh cao nhìn gió lay lá, nhìn trời, nhìn sao,…
 
Quan trọng nhất chất thơ nằm ở lí tưởng của anh thanh niên lao động nghiêm túc, thầm lặng cống hiến, lao động vì tổ quốc, vì cuộc sống của mọi người. Sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu, nhân vật chính của truyện. Ở anh sáng lên vẻ đẹp của của tình yêu công việc, của lý tưởng sống, tình yêu cuộc sống và gắn bó với mọi người, đức tính khiêm tốn đáng quý, đáng trọng nhưng vẫn rất gần gũi, đời thường.
Chất thơ còn toát lên từ cuộc gặp gỡ tình cờ mà để lại nhiều dư vị trong lòng mỗi người, từ những người như anh kĩ sư vườn rau, là anh kĩ sư nghiên cứu bản đồ sét – thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhiệt huyết sức trẻ, với lẽ sống đẹp đáng khâm phục, đến những tình cảm, cảm xúc mới nảy nở của ông họa sĩ, cô kĩ sư đối với anh thanh niên.

Chất thơ trong hình thức nghệ thuật

Kết thúc mở gợi nhiều dư ba:

“Cô gái liếc nhìn bác già một cái rất nhanh, tự nhiên hồi hộp, nhưng vẫn im lặng”. Câu kết tác phẩm để lại trong lòng người đọc một ánh sáng ấm áp, đầy hứa hẹn, gợi ra hình ảnh một cuộc gặp lại trong tương lai.

Những câu văn du dương, giàu nhạc tính:

Cả tác phẩm có âm hưởng du dương, miên man nhờ những câu văn dài, bay bổng, giàu nhạc tính. Có thể kể đến như: “Nhà họa sĩ thì còn trở lại, nhưng cô, trong đất trời Tây Bắc bạt ngàn, trong cuộc đời mông mênh nói chung, chốc nữa, là cô sẽ đi luôn, biến mất, có cái gì tặng lại anh ta để, như anh ta nói, kỉ niệm lần gặp gỡ này”. Nhịp điệu du dương của câu văn gợi ra cái mênh mông diệu vợi của đất trời Sa Pa bảng lảng mây và lung linh nắng, cái rộng lớn của đời người, và cả cái bâng khuâng của biết bao cảm xúc không tên trong trái tim cô kĩ sư.
Với những yếu tố trên, truyện “Lặng lẽ Sa Pa” có dáng dấp như một bài thơ. “Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả.” (Nhà văn Nga K.Pau-tôp-xki). Vì lẽ đó, chất thơ bàng bạc trong cả câu chuyện đã trở thành chiếc cầu nối mềm mại đưa những vẻ đẹp của tác phẩm thấm vào hồn người êm ái và dịu dàng hơn bao giờ hết.
 
Gia Hân – Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách đánh giá (1 đánh giá)