LIỆU CÓ GIỚI HẠN NÀO CHO TIẾP NHẬN VĂN HỌC?
LIỆU CÓ GIỚI HẠN NÀO CHO TIẾP NHẬN VĂN HỌC?
[NGHỊ LUẬN VĂN HỌC] Đề bài: Liệu có giới hạn nào cho tiếp nhận văn học?
Từ xưa đến nay, sự đời thương hải tang điền, trải qua biết bao biến thiên xã hội thì con người vẫn không ngừng khát khao thâm nhập vào thế giới nghệ thuật thi ca huyền nhiệm, rằng “chúng ta chỉ có thể hiểu được tác phẩm văn học chừng nào chúng ta tham gia vào việc sáng tạo ra nó” (Potebnja). Mà đã là sáng tạo thì có chăng tồn tại những giới hạn? Hay nói rằng:
Liệu có giới hạn nào có tiếp nhận văn học?
Mỗi một tác phẩm chân chính đều chỉ tồn tại khi có sự đọc. Khi bản thảo thơ văn của anh khép lại, chặng hành trình sáng tạo vừa kết thúc thì cũng là lúc tác phẩm bắt đầu một cuộc hành trình mới đến với độc giả để tạo nên giá trị. “Tiếp nhận văn học” được hình thành trong quá trình đó. Phô-răng-xi từng định nghĩa “phê bình hay tiếp nhận là kể về cuộc phiêu lưu của tâm hồn mình qua tác phẩm văn học” hay Chế Lan Viên coi đó là sự “đòi hỏi một cách sống, không phải chỉ để hỏi lý tưởng như với một nhà triết học, mà hỏi cách cảm xúc, cách thương, cách nhớ, cách giận, cách ghét như với một người yêu.” Nhưng dẫu có thật nhiều cách nghĩ, cách nói đã trở thành khái niệm về “tiếp nhận văn học” thì vẫn tồn tại một giới hạn nhất định cho sự hiểu về nó, rằng: tiếp nhận văn học là hoạt động thâm nhập vào tác phẩm đầy tích cực và chủ động của bạn đọc để biết, để hiểu và để sống cùng văn chương đích thực.
Liệu có giới hạn nào cho tiếp nhận văn học?
Phải biết rằng mọi sự trên đời đều có một điểm cực hạn. Tiếp nhận văn học không nằm ngoài quy luật đó, tất yếu cũng có những giới hạn nhất định. Từ thưở văn chương trung đại – thời của những ước lệ tượng trưng trị vì, những thành tựu kiên cố của những điển tích, thì sự đọc đã có một giới hạn trong những quy tắc và quy chuẩn xã hội, trong lớp nghĩa mà dường như cả nhà văn lẫn người đọc đều đã ngầm thống nhất trước đó. Không phải ngẫu nhiên mà văn học chính thống thời phong kiến lại mang tên gọi là văn chương bác học. Gọi như thế, nghĩa là người sáng tạo phải bác học và người tiếp nhận cũng rất bác học. Giới hạn tồn tại chính là quy phạm kể cả từ sáng tác đến thưởng thức. Các hệ tư tưởng chi phối vũ trụ quan, nhân sinh quan của con người, dấu ấn của các hệ tư tưởng ấy biểu hiện thành những mẫu số chung của các hình tượng nghệ thuật. Vì bởi “văn vô sơn thủy phi kỳ khí” (Văn chương không có núi sống thì không có khí lạ – Trần Bích San) mà mỗi một bối cảnh đời sống xã hội với con người và thời đại mà tác phẩm ra đời đều là một giới hạn cho tiếp nhận:
“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”
(“Cảm tưởng đọc thiên gia thi”- Hồ Chí Minh)
Giới hạn của thơ xưa là ở chỗ đọc thấy lan thì thấy bậc vương giả (vương giả chi hoa), đọc thấy sen thì thấy bậc quân tử (liên hoa chi quân tử giả dã), đọc thấy mẫu đơn thì thấy bậc quốc sắc thiên hương (quốc sắc thiên hương chi phú quý). Giới hạn văn chương là ở chỗ đọc đôi câu thơ:
“Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
(“Bảo kính cảnh giới 43”- Nguyễn Trãi)
thì không cách nào hiểu khác được rằng mô hình nhân sinh “vua Nghiêu Thuấn – dân Nghiêu Thuấn” vừa là giả định, vừa là khát khao cháy bỏng suốt đời của Nguyễn Trãi. Theo thần thoại Trung Quốc, vua Thuấn làm chiếc đàn năm dây gảy khúc “Nam phong”. “Gió Nam hòa ẩm có thể giải được sự oán hận của dân, gió Nam hợp thời có thể làm cho dân ta thêm nhiều của cải”. Nguyễn Trãi ước có chiếc đàn của vua Thuấn để biến tâm nguyện lớn nhất của đời mình thành sự thật. Thi nhân ôm hoài bão giúp dân gây dựng cuộc sống thái bình, no ấm, hạnh phúc. Đó là chủ trương nhập thế, chủ trương nhân trị chứ không phải là thái độ ẩn dật “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ”. Giới hạn của tiếp nhận là ở chỗ, dù muốn hay không muốn thì hình tượng “Ngu cầm” trong đôi câu thơ của Nguyễn Trãi không thể hiểu ra khỏi giai thoại gắn liền với nguồn gốc điển tích ấy được.
Giới hạn của thơ xưa là ở chỗ, có những dấu hiệu đăc trưng vô cùng của thời gian và không gian, như buổi chiều “khuất bóng hoàng hôn”, nhìn ra cảnh vât là gợi ra nỗi nhớ nhà da diết của tiếng lòng đang xa xứ:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng buồn lòng ai).
(“Hoàng Hạc Lâu”- Thôi Hiệu)
hay mùa hè chỉ đến khi có tiếng ve sầu vang ngân, có “hồng liên trì” nở rộ dưới đầm lầy, mùa xuân rộn ràng khi có hoa mai, hoa lê đang nở phơi phới… Tất cả những yếu tố ấy, dù là tác phẩm hay ngoài lề tác phẩm, thì cũng vô hình chung tạo ra một đèn báo tín hiệu để người đọc biết mà dừng lại bên vạch kẻ đường, không vượt quá giới hạn đến đường biên của sự suy diễn hay suy đoán chủ quan. Cũng chính giới hạn ấy không làm hạn chế khả năng của bạn đọc mà trái lại, giống như một chiếc la bàn định hướng, chỉ đường dẫn lối cho sự đọc có hiệu quả, cho vệc tiếp nhận của độc giả đáp được đến dụng ý ban đầu của thi sĩ. Đặc biệt là trong dòng chảy hiện đại hóa của văn học, khi mà tính dân chủ trong tiếp nhận của bạn đọc được đề cao, vai trò của sự đọc được quan tâm thì giới hạn đặc trưng của văn hóa, thời đại và thể loại lại càng như sợi dây nối cánh diều tưởng tượng của bạn đọc gắn chặt với mặt đất. Hồi phòng trào Thơ mới ra đời, người ta đón nhận rầm rộ, nhưng đến khi đất nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ thì Thơ mới lại trở thành cũ, vì nó làm ủy mị con người kiên cường, xông pha lửa đạn. Ngày nay, đất nước lập lại hòa bình, người ta lại tiếp nhận Thơ mới như thể nó vẫn mới. Ta vẫn biết rằng “Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với xuân” (Thế Lữ), Huy Cận thì “lượm nhặt những chút buồn vương rơi vãi để sáng tạo nên những vần thơ ảo não” (Hoài Thanh), Nguyễn Bính lại giữ lại mãi cái bản chất nhà quê…. Ấy là phong cách nghệ thuật rất riêng của mỗi người nghệ sĩ, hay có chăng là kết quả của sự tiếp nhận tác phẩm mà rút ra, hay cũng chính là giới hạn cho việc thụ cảm những bài thơ khác của cùng tác giả?
Giới hạn trên mạch thời gian hay không gian đều dễ hiểu đối với tiếp nhận. Nhưng đối với việc đón đọc các tác phẩm nước ngoài, giới hạn không chỉ nằm ở việc “nhìn ngắm mấy vạn núi non tươi đẹp”, “lịch duyêt mấy trăm vạn nhân vật cổ kim” (Trần Bích San) mà còn trên vùng ngôn ngữ không giống nhau. Tại Nam Phi, “sawubona” trong tiếng Zulu có nghĩa là “xin chào”. Đây là một từ ngữ rất đẹp vì nếu dịch chính xác thì “sawubona” có nghĩa là “tôi nhìn thấy bạn, bằng cách nhìn thấy bạn, tôi đưa bạn đến với sự hiện hữu”. Nhưng thường thì ngôn ngữ dịch trong các tác phẩm văn học, dù người dịch cố gắng hết sức thì không tài nào truyền tải hết ý vị của từ ngữ khi đặt vào văn cảnh, đặc biệt là với thơ ca vốn “là một tiếng nói ly khai chống lại sự lãng phí của từ ngữ và sự thừa thãi điên rồ của chữ in” (L.Folinghetti). Đọc “Tôi yêu em” của Puskin, ba chữ “tôi yêu em” dịch sang tiếng việt đều không còn khiến người ta quan tâm nhiều. Nguyên gốc ba từ của bài thơ là “Я вaс люблю”, động từ “Bac” (yêu) được sử dụng ở thì quá khứ. Thế nghĩa là câu chuyện của quá khứ, câu chuyện đã xảy ra, tưởng mờ chìm, tưởng bị vùi lấp tận đáy sâu nhưng nó vẫn hiện hữu. Rõ ràng, ngôn ngữ dịch đã thành hạn chế cho tiếp nhận, khiến ta bỏ qua sức sống của cuộc tình trong trái tim của nhà thơ luôn thường trực, hiện diện, không chỉ là hôm nay và ngày mai. Đó là sự thiếu thì của từ, huống chi là sự truyền đạt không đủ ý nghĩa. Đối với những chữ tượng hình, một chữ đã là một bức tranh rộng lớn, mà bạn đọc hôm nay có mấy người đọc hiểu tác phẩm từ nguyên gốc? Giới hạn này, vừa khách quan lại vừa chủ quan, vừa do chữ dịch không sát, vừa do khả năng của độc giả còn nhiều hạn chế. Nói đến khả năng đọc hiểu và cảm thụ tác phẩm văn học của bạn đọc, âu cũng là một loại giới hạn. Người ta tìm đến với văn chương nghệ thuật, là để khỏa lấp những lỗ trống còn thiếu sót trong mình, mà đã là thiếu sót thì ắt còn nhiều khó khăn khi tiếp nhận. Vì dù văn chương có cố gắng tác động vào nhận thức của con người một cách tự nhiên thì cũng không gì có thể đảm bảo chắc chắn rằng nó sẽ đên được với tất cả mọi người. Chẳng thể mà lý luận văn học lại đặt ra một khái niệm là “tầm đón nhận” hay sao?
Tất thảy những giới hạn ấy, dù là định hướng hay hạn chế, thì đều ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiếp nhận. Điều quan trọng là làm thế nào để đứng giữa những giới hạn ấy, người đọc vẫn có thể phá vỡ những giới hạn, như cách mà văn chương từng tạo nên tính quy phạm và phá vỡ tính quy phạm vậy!
Liệu có giới hạn nào cho tiếp nhận văn học?
Phải biết rằng, trước khi có sự đọc, tác phẩm nghệ thuật chỉ là một “vệt đen nằm trên tờ giấy trắng” (P.Satro). Nói thế có nghĩa là nói rằng bản thảo văn thơ khi nhà văn đặt dấu chấm hết chỉ là một văn bản ngôn từ. Mà đã là ngôn từ nghệ thuật, thì chính là những chữ biết “nảy mầm” (Becton Brech), là những chữ “lấp lánh, kêu giòn, tỏa hương” (Paustovsky). Với cấu trúc ngôn từ giàu sức gợi như vậy, văn bản văn học trở thành một “kiến trúc đầy âm vang”, là “ văn bản mở”, là “tháp Bayon” (Chế Ln Viên) nhiều mặt, căng mở hết cỡ những giới hạn cho tiếp nhận văn học, để bạn đọc thỏa sức vùng vẫy trong biển lớn mênh mông những cách hiểu, tự do khám phá, tự do sáng tạo “ số phận riêng” (L.Tonstol) cho tác phẩm. Chẳng thế mà ngày nay, người ta chuộng những câu chuyện đã vẽ ra 2, 3 cái kết để lựa chọn kết thúc vừa lòng mình hơn, và “cấu trúc mời gọi” như thể trở thành tôn chỉ sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, khi Thanh Thảo làm thơ theo cấu trúc của khối vuông rubik, khi truyện của Nguyễn Huy Thiệp không còn xa lạ với những “Open Ending” (kết thúc mở), khi Hemingway đặt ra Nguyên lý tảng băng trôi cho văn học đương đại….
Cho dù nghệ sĩ có bao nhiêu ý vị, bao nhiêu tâm huyết, tư tưởng, nhiệt tình muốn được phát ra ngoài, thì anh cũng buộc phải kìm nén và giấu nhẹm nó đi, với chủ trương lấp lửng không nói hết, thậm chí phải truyền đạt thông qua hình tượng nghệ thụât đã được chuyển hóa mang sức nén, cất tiếng nói bằng sự im lặng và khoảng trắng giữa những ngôn từ. Hình tượng không giới hạn không gian mở của chính nó, khoảng trống không giới hạn không gian mở của chính nó, huống chi là giới hạn tiếp nhận văn học? Cái chuyến tàu đi qua nơi phố huyện nhỏ nơi “Hai đứa trẻ” đang díu mắt đợi chờ nào có phải chuyến tàu bình thường, nào có phải chỉ là thứ phương tiện đi lại của con người? Ánh sáng của chuyến tàu không ngừng hắt lại không gian tối tăm lúc này, có chăng là gợi nhắc về một “ Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực”, về một thế giới sôi động đối lập với thực tại, có chăng là những ngóng vọng, ước ao rất mực tươi đẹp của tâm hồn con người? “Chiếc lá cuối cùng” của Ohenry là chiếc lá thực còn sót lại của cây thường xuân dũng cảm bám chắc vào cuống lá, mặc cho mưa tuôn bão thổi, mặc cho gió lạnh hoành hành. Hay chiếc lá là niềm tin sống của Giôn-xi, là kiệt tác tình thương của cụ Bơ-men?
Cấu trúc của văn bản không giới hạn, theo đó mà tiếp nhận không giới hạn, sự không giới hạn trong hồi đáp và đối thoại không ngừng. Tính đối thoại thường đi kèm một tinh thần hoài nghi và một giải pháp giả định hoặc chưa thể tìm ra giải pháp. Nhà văn trình bày hoàn cảnh “có vấn đề”, lý giải, gợi mở, dự đoán và trao cho bạn đọc câu hỏi của mình. Vì bởi nghệ sĩ “lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu” (Thế Lữ), mà cuộc sống thì bao giờ cũng vận đông không ngừng và có những “tồn tại vắng mặt”, diễn biến tiếp theo của đời sống không thể dừng lại những cũng không ai có thể khẳng định điều gì trước được. Bakhtin từng đề nghị: “Không thể biến con người sống thành một khách thể câm lặng, khách thể của một nhận thức vắng mặt. Ở con người bao giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hoạt động tự do của sự tự ý thức”. Chân lý thuộc về bạn đọc và nhu cầu đối thoại không giới hạn là biểu hiện căn bản của mối quan hệ nhà văn – bạn đọc. Một công chúng văn học trưởng thành sẽ không bao giờ bằng lòng với kiểu nhà văn đôc thoại, vì tìm đến với văn học không phải để được giáo huấn một cách thụ động. Người đọc mong chờ ở nhà văn những kiến giải độc đáo, những ý tưởng mới mẻ, những đề xuất đối thoại. Người ta tự đặt ra những câu hỏi trong tâm trí, những câu hỏi tại sao, như thế nào để rồi tự trả lời. Băng cách đặt ra những câu hỏi, bạn đọc hoàn thiện quá trình nhận thức không giới hạn. Người ta tự hỏi vì sao lại xuất hiện và tồn tại một “cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư), nơi lưu giữ những nỗi đau đớn của con người trên cánh đồng hoang hóa của đời mình: những nỗi đau của Út Vũ- người chồng bị bội phản mang trong lòng những hận thù không thể lý giải, nỗi đau của Nương và Điền – 2 đứa trẻ cô đơn, lay lắt. Vì người mẹ bỏ đi? Vì hình ảnh của nữ tính rời bỏ, tình yêu thương cũng đi theo, để lai những cánh đồng cạn nước, những dòng sông trơ đáy? Ta nhận ra rằng khi tâm hồn con người cạn kiệt tình yêu, đó là điểm bắt đầu của mọi bi kịch. Sau cuộc hành trình truy nguyên bản thể của các nhân vật trong “Rừng Nauy” (Murakami), ta day dứt về cái tôi bất toàn và tràn ngập nỗi hoang hoải cô đơn trong xã hội hiện đại hậu công nghiệp. Nỗi day dứt tràn sang cả hôm nay, trong một thế giới mạng, một thế giới số, công nghệ thông tin tưởng làm cho con người gần nhau hơn nhưng hóa ra chỉ là trong thế giới ảo và làm con người xa nhau hơn trong đời thực. Nhân loại sẽ ra sao khi chất keo rất thật giữa người với người đang có nguy cơ không còn khả năng kết dính?
Cái đích cuối cùng mà văn học hướng tới, chính là khiến con người hoàn thiện bản thân. “Mục đích trước hết của văn học là đánh thức dậy ý thức bất mãn của chính mình, hoài nghi chính mình và những con người thoải mãn như những trái cây khô bắt đầu sống lại đời sống non tươi bằng cách tạo ra những câu hỏi” (Nguyễn Minh Châu). Thiên chức ấy của văn học cũng chính là mục đích của tiếp nhận, mà đã là hành trình hoàn thiện nhận thức, hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện chính mình thì liệu có giới hạn nào tồn tại? Vì con người thường không bằng lòng với bản thân mà không giới hạn những bài học, những triết lý nhân sinh rút ra từ sự đọc. Kể từ thuở cái tôi cá nhân của con người được bùng nổ mãnh liệt, thì sự đọc đã rộng rinh không bờ bến, vì mỗi người đều có “lý lẽ của riêng mình”.
Liệu có giới hạn nào cho sự tiếp nhận văn học? Không có câu trả lời nào là tuyệt đối! Chỉ biết rằng, dù là đọc để biết, đọc để hiểu hay đọc để ứng xử thì hiệu quả đều phụ thuộc vào chính chủ thể tiếp nhận. Trước khi đến sự đọc, thì nhà văn cũng phải tâm huyết nhường nào với bản thảo thơ văn để tạo ra những tần sóng dao động phong phú mà bạn đọc tùy sở trường cách nghĩ riêng sẽ lấy tần số tâm hồn mình mà giao thoa.
Liệu có giới hạn nào cho tiếp nhận văn học?
Câu trả lời nằm ở mỗi người…
Nghiên,
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)