
LIỆU CÓ GIỚI HẠN NÀO CHO TIẾP NHẬN VĂN HỌC








LIỆU CÓ GIỚI HẠN NÀO CHO TIẾP NHẬN VĂN HỌC

Bài làm tham khảo
Lang thang vào cõi mây trời của văn chương, tôi đã từng yêu, từng giận, từng tin tưởng mà cũng từng hoài nghi về con người và cuộc đời .Câu chuyện về Narzciss, chàng trai đã chết vì mải mê ngắm nhìn nhan sắc của mình trong nước khiến ta lo âu về cái giá mà con người phải trả để nhận ra bản thân. Nhưng nhà văn Oscar Wild đã viết cái kết khác cho câu chuyện này. Mặt nước, nơi Narzciss ngắm mình trong đó, đã khóc thương cho chàng, vì nhờ chàng soi mình mà mặt nước thấy được sắc đẹp của bản thân hiện rõ trong đôi mắt Narzciss. Những lằn ranh trong văn chương, trong những cảm nhận nơi tâm hồn, liệu có tồn tại chăng?
Khi đọc một quyển sách, tâm hồn tôi đã có dịp giao hòa vào trang giấy mà rung lên những cung bậc xúc cảm, để sống giữa muôn vàn giá trị của văn chương. Sự tiếp nhận, tôi nghĩ mỗi chúng ta sẽ có những quan điểm khác nhau về nó. Song sau cùng, tiếp nhận hướng con người đến việc thưởng thức nghệ thuật, cảm nghệ thuật một cách riêng biệt. Khi các nhà văn hô hào rằng mỗi tác phẩm là một “cấu trúc mở”, tôi băn khoăn cái mở ấy có bị khuôn hẹp trong một sự đóng kín nào khác, nơi những đường biên mà sự tiếp nhận không thể đi xa hơn?
Giới hạn của kiến trúc là ta chỉ có thể cảm nhận nó qua những vật liệu được chạm khắc, gọt đẽo. Giới hạn của hội họa là những đường nét và màu sắc, điều trước hết làm nên sự tiếp nhận thị giác của mỗi người. Âm nhạc, giới hạn của nó là âm thanh, làm sao có thể gọi là thưởng thức âm nhạc mà không có một tiếng động nào dội vào tâm trí. Và tôi nghĩ, văn chương cũng không phải là ngoại lệ.
Cuộc đời mệnh mông là thế, song chẳng thể thoát khỏi những hữu hạn vô thường. Văn chương, đứa con được sinh ra từ bầu sữa nóng của hiện thực, cũng giống như mẹ mình, văn chương hiện hữu những ranh giới nhất định, Sao có thể nói văn học là vô giới hạn khi còn bao sáng tác của các nhà văn nhà thơ đời trước bị thất lạc, thiêu đốt? Chính kinh nghiệm cảm thụ của mỗi người cũng gây nên những giới hạn trong tiếp nhận. Người đọc thông thường sẽ khó có được cái nhìn chuyên môn sâu sắc bằng các nhà phê bình nghiên cứu vốn đã dày dặn kinh nghiệm. Hoặc ta có thể tiếp nhận chăng khi nhà văn đột ngột qua đời trong lúc sáng tác, khiến tác phẩm mãi là một dấu lửng? Vì thế, sự tiếp nhận văn chương ở một góc độ nào đó vẫn vô hình tồn tại những đường biên mà có lẽ cũng chính là thách thức để mỗi người đọc phát huy tối đa năng lực cảm thụ của mình.
Nhưng giới hạn không có nghĩa là dừng lại….
Một mảnh giấy tàn còn sót lại bên song cửa sổ cũng đã đủ để Nguyễn Du khóc thương cho nàng Tiểu Thanh, tự nhận mình là kẻ “đồng bệnh tương lân”. Giới hạn về thời gian khiến Nguyễn Du không thể tận rai nghe mắt thấy, nhưng văn chương khong chấp nhận dừng lại đó. Bởi tiếp nhận trong văn học là đối thoại, giao cảm vượt lên trên mọi thời đại, không gian để hòa chung trong một dòng xúc cảm, để những trái tim lại đến gần trái tim. VÌ thế mà Chế Lan Viên vô tư nói: “Tôi viết cho một người nào trong thế kỉ mai sau”. Nhà văn – người nâng niu bầu cảm xúc, khao khát mang cái tình riêng phơi bày lên trang giấy, để con chữ anh sống giữa muôn đời. Trong khoảnh khắc người cầm bút mở cửa lòng mình, người đọc vốn cũng là một lãng khách chứa nhiều tâm sự, vì thế mà hai tâm hồn gặp gỡ, hữu duyên nên tri âm. Bạch Cư Dị trước tiếng đàn thê lương của người ca nữ mà nghẹn ngào “Cùng một lứa bên trời lận đận/ Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau”. Chỉ trong văn chương, ranh giới không tồn tại giữa nam và nữ, không có sự phân biệt, chỉ có niềm thương cảm xót xa. Những vần thơ, áng văn có lẽ do vậy mà trở nên quảng đại và lớn lao, bất chấp mọi hữu hạn để vươn vào cái vô hạn.
Trần Nhuận Minh xúc động trước làn mây trắng bàng bạc trong câu thơ Thôi Hiệu, không nén được niềm khao khát tri âm:
“Trần Nhuận Minh tri âm cùng Thôi Hiệu
Sau một ngàn hai trăm năm, Thôi Hiệu làm sao hình dung được
Có một nhà thơ từ tận cùng phương nam
đến ngắm làn mây bay qua thơ ông
mà thương cảm bàng hoàng”
Đã bao thế kỉ trôi qua, những vần thơ Thôi Hiệu vẫn không ngừng len lỏi giữa nhân gian, vô tình giăng mắc vào lòng Trần Nhuận Minh cái khắc khoải da diết, vương vấn khó phai. Khi tinh hoa văn hóa không còn được người đời coi trọng như xưa, riêng Trần Nhuận Minh, kẻ nặng tình đứng từ xa mà trầm trồ đắm say, nâng niu áng mây khẽ thoáng qua thơ người – Thôi Hiệu. Tựa tiếng đàn của chàng Orpheus, tiếng đàn đã khiến cả thế gian phải lặng đi, làm tan chảy những trái tim sắt đá, văn chương vốn cũng mang thứ thanh âm diệu kì đến thế. Để lại trên văn đàn Thơ mới những ánh trăng, hồn và máu, thơ ca Hàn điệu khúc nhạc của cõi mơ, ám ảnh lòng người vô tận. Chế Lan Viên, cùng là ngòi bút trong giới văn nghệ sĩ, đã phải khẳng định với mai sau: “Cái còn lại của thời kì này, chút gì đáng kể là Hàn Mặc Tử”. Sự cách biệt về thời gian, ngay cả cách biệt về phong cách sáng tác, những giới hạn ấy trở nên mờ nhòe trong mắt ta, không phải vì nó không tồn tại. Bởi trước người tri âm, tất cả đều là vô nghĩa!
Không chỉ riêng không gian, thời gian, văn chương còn vượt lên cả lằn rạnh giữa các quốc gia, giữa những nền văn hóa. Thơ Haiku, một trong những di sản văn chương của Nhật Bản đã trở thành giá trị tinh thần được cả thế giới tiếp nhận tôn vinh. Việt Nam có ngôn ngữ của Việt Nam, Nhật Bản có ngôn ngữ của Nhật Bản, nhưng văn chương lại là ngôn ngữ chung của toàn nhân loại. Không một tâm hồn nào bị khước từ trước nàng “Thơ” ấy, vì lẽ nàng luôn lặng im để cho bao người chiêm ngưỡng, mặc cho họ giải đáp cái dáng vẻ kiêu kì của nàng tùy ý. Bởi thơ với đặc trưng là sức gợi, là những khoảng lặng khiến con người ta phải trầm tư. Chính “vùng ánh sáng động đậy” quanh thơ ấy, mà độc giả dù nơi phương trời nào, màu da nào, cũng đều có thể trao gởi ý nghĩ, trái tim đến nàng.
Nhà thơ Ryokan từng viết:
“Tên trộm đi rồi
Còn bên cửa sổ
Một vầng trăng soi”
Không cầu kì với những ngôn từ hoa mỹ hay hình ảnh rực rỡ, thơ haiku êm ả trôi vào lòng ta cái trầm tĩnh u hoài. Với dung lượng ngắn, bài thơ gợi trong ta những khoảng trống, nơi nằm ngoài giới hạn của ngôn từ. Cái mất mát hiện hữu, nhưng liệu có thể gọi là mất đi chăng khi còn lại giữa lặng im hư vô ấy, ánh sáng của vầng trăng? Vật chất đã bị lấy đi, nhưng lòng người dường như chẳng mất mát vì đã có vầng trăng trên bầu trời đêm lấp lánh. Tưởng như bi thương nhưng hóa ra lại là hạnh phúc, hạnh phúc khi thả hồn mình theo gió trăng phiêu du, thơ haiku vỡ òa trong tâm thức mỗi người những cảm thức lạ lùng mà diệu kì biết bao.
Song, một giới hạn trong việc tiếp nhận các tác phẩm văn học nước ngoài ấy, ấy là bản dịch. Vì từ ngữ vốn mang bản chất phức tạp, có từ đồng nghĩa, từ đồng âm dẫn đến chỉ cần chọn sai từ cũng có thể làm lệch đi ý niệm của tác giả. Do đó, mỗi độc giả cần có sự sàng lọc kĩ càng, đối chiếu các bản dịch với nhau, với nhận định của nhà nghiên cứu, phê bình để có thể tiếp cận tác phẩm nước ngoài một cách xác đáng nhất.
Nếu cái không gian của thơ nằm ở sức gợi thì ở văn xuôi, sự tiếp nhận của độc giả được rộng mở tối đa trong các tác phẩm không có kết hoặc kết thức không rõ ràng. Truyện ngắn “Đốt nhà kho” của Haruki Murakami như ngọn lửa bùng cháy khơi gợi sự tò mò của người đọc, rằng rốt cuộc đâu là cái nhà kho đã bị ai đốt đi? Không một sự lí giải nào vì chính nhà văn đã biến mất, đã “chết” trong tác phẩm để lại bạn đọc giữa trang giấy tự đối diện với những suy nghĩ của mình? Phải chăng có gái chính là “nhà kho” ấy, một nhà kho đã chờ đợi bấy lâu để được đốt đi? Kawasata cũng thường nhấc ngòi bút của mình leen một cách hững hờ như thế trong truyện ngắn “Thủy Nguyệt”, Kyoko với những lời độc thoại là cái kết của tác phẩm. Vì sao cô lại nói rằng đứa trẻ mình mang trong bụng giống người chồng cũ? Là vì tình yêu với người chồng cũ quá lớn khiến cô khao khát đến ngộ nhận hay đó là mặc cảm tội lỗi bởi mối quan hệ bất chính giữa cô và anh trai của chồng cũ? Tôi nghĩ giây phút nhà văn đặt dấu chấm cho tác phẩm của mình, ấy là lúc anh ta trao quyền sáng tạo của bản thân cho nhận loại quyết định.
Nhà triết học Sartre khẳng định mỗi tác phẩm văn học là “một tiếng gọi”. Tôi cho rằng định nghĩa ấy mới thật toàn vẹn và xác đáng. Vì “tiếng gọi” là sự gợi mở để độc giả đến với tác phẩm và đối thoại, đó có thể là sự động tình hay phản đối, cảm thông hay lên án. Bởi nếu độc giả chỉ dừng lại trong dòng ý niệm của người sáng tác, đó mới thực sự là giới hạn của tiếp nhận. Văn chương là một diễn đàn nơi con người được quyền tự do ngôn luận, không giới hạn nằm ở chỗ độc giả có quyền đối lập với ý kiến của nhà văn, thoát khỏi những tư tưởng được đưa ra để trình bày quan điểm của riêng mình. Mỗi người đọc là một “cái tôi”, theo góc nhìn triết học, cái tôi là những đặc tính phân biệt giữa tôi và người khác. Do đó, những cuộc đối thoại trong văn chương thường sôi nổi, là cuộc tranh luận giữa cái tôi, cái tôi “sáng tác” và cái tôi “tiếp nhận”.
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã “thai nghén” một nàng Thúy Vân phúc hậu “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Điều đó dự báo cuộc đời Thúy Vân sẽ là tháng ngày bình yên vì trời xanh không ganh ghét đố kỵ. Nhưng Trương Nam Hương lại không nghi đời Thúy Vân sung sướng, hạnh phúc hơn Kiều, vì chính nàng cũng không có quyền làm chủ vận mệnh mình, là kẻ thế thân trong mối tình giữa chị mình và Kim Trọng “ Lấy người yêu chị làm chồng/ Đời em thể thất một vòng oan khiên”. Ai cũng khóc thương cho Kiều, vậy ai sẽ rủ lòng thương xót cho số phận của Vân? Trương Nam Hương đã chắp bút đòi lại công bằng cho Thúy Vân, nhà thơ đã chỉ ra nỗi ngang trái, bi kịch khi phải lấy người mình không yêu “Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim!”. Những lời thơ khiến lòng ta chênh chao mà lặng nghĩ: trong xã hội ấy, đâu chỉ bôn ba mới được gọi là đáng thương, kẻ yên lặng nép mình trong buồng khuê, cũng đớn đau lắm thay!
Như tôi đã nói, kinh nghiệm cảm thụ và trình độ tiếp nhận là một giới hạn đáng lưu ý trong quá trình thưởng thức. Càng sở hữu ít kinh nghiệm, ta càng khó mà đạt được kết quả tiếp nhận tốt nhất, cũng như trên con đường tiếp nhận với tư tưởng của các nhà văn. Bản thân tôi đã từng trải qua cảm giác thay đổi đó. Lần đầu tiên đọc “Người trong bao” của Sekhov, tôi nghĩ rằng nhà văn đang lên án những kẻ sống thu hẹp mình với thế giới bên ngoài như Belikov. Nhưng trải qua quá trình trau dồi kinh nghiệm cảm thụ, “Người trong bao” vỡ ra trong tôi những góc nhìn mới. Trước hết, liệu chỉ có mình Belikov là người trong bao hay tất cả những người sống trong thành phố đó đều là những Belikov? Những kẻ tưởng như đứng đắn ấy đã vô tâm giết chết đi một mạng người đem lại chuyện đó ra mua vui mà lương tâm không hề cắn rứt. Hay chính chúng ta, độc giả, cũng là những con người sống trong cái bao định kiến, vội vàng lẩn vào đám đông mà không nhìn nhận khách quan. Belikov có thực sự đúng như những lời đồn thổi? Văn chương tồn tại những giới hạn, nhưng giới hạn ấy có vượt qua được hay không còn phụ thuộc vào chúng ta- độc giả.
Và quá trình tiếp nhận ấy không chỉ diễn ra giữa nhà văn và độc giả, giữa độc giả và tác phẩm mà còn ở những phương diện nhà văn đối thoại với nhà văn. Điều này thể hiện qua sự kế thừa và cách tân của các ngòi bút thế hệ sau đối với nhà văn thê hệ trước hoặc giữa những người trong cùng thế hệ. Nhà văn Maraguerite đã kế thừa ý tưởng từ tác phẩm “Truyện mười ngày” của Boccacio để sáng tác “Truyện bảy ngày”. Tác phẩm có sự tiến bộ hơn so với truyện của Boccacio vì đã phản ánh chân thực, toàn vẹn hơn bức tranh đời sống của tầng lớp quý tộc. Trong trường phái văn học hậu hiện đại, các nhà văn thường dùng thủ pháp “nhai” (parody) nhằm châm biếm, chỉ ra những điểm chưa hoàn thiện của các nhà văn trước. Cách tiếp nhận này giúp các nhà văn tự hoàn thiện cho nhau vốn kiến thức chung, đồng thời cũng giúp cho người đọc có những góc nhìn mới, phá vỡ những giới hạn của văn chương. Có thể thấy thủ pháp đặc biệt này trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, ngòi bút tiêu biểu cho nên văn học hậu hiện đại ở nước ta.
Vì vậy, với câu hỏi: liệu có giới hạn nào cho tiếp nhận văn học, tôi xin trả lời rằng văn học có những lẩn ranh riêng, nhưng chính đọc giả sẽ là người cầm thuốc phá vỡ giới hạn đó, để văn học mãi mãi bất tử, nằm ngoài quy luật băng hoại của thiên nhiên. Với tình yêu mến, đắm say văn chương một cách chân thành, mãnh liệt, tôi tin là mỗi chúng ta sẽ có những cách tiếp nhận độc đáo. Để khi vạn vật hóa tro tàn, thời gian thoi đưa bỗng ngừng trôi, cái còn lại mãi và sẽ vĩnh viễn tồn tại trên thế gian này – “Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh”. Làm được điều này đòi hỏi người đọc phải không ngừng trau dồi vốn kiến thức của mình, đọc nhiều để cảm thụ trở nên sâu sắc và tinh tế hơn. Có như vậy, ta mới có thể tự tin đặt bước chân của mình vào những cuộc đối thoại, để bày tỏ thái độ đồng tình hay không tán thành với người sáng tác.
Và ngày nay, khi giới hạn của loài người là sự đứt gãy kết nối xã hội, là những chiếc khẩu trang che giấu khuôn mặt thật của mỗi người, những giới hạn do virus Covid gây ra. Liệu chúng ta có gặp phải những cản trở trong quá trình tiếp nhận?
Khi phần lớn thời gian chúng ta phải đối diện với những thiết bị, những máy móc khô khan, điều đó có ảnh hưởng đến sự kết nối của con người và văn chương?
Con người có thể giấu mình trong những lớp khẩu trang, nhưng không thể giấu đi con người thật của mình trước trang sách.
Những thiết bị hiện đại quả thật rất hữu ích cho cuộc sống, nhưng chỉ cần một cái công tắc, tất cả sẽ ngừng hoạt động.
Sau tất cả, chỉ có trang sách là điều duy nhất không thay đổi, nó vẫn ở đấy, cạnh bên tách cà phê thơm lừng chờ đợi ta quay về.
Và vì thế mà tôi tin rằng:
“Đời sống tiếp nhận của văn chương
không bao giờ dừng lại.”
Bài viết của bạn Nguyễn Nguyên Thu Hà, lớp 12 Văn trường Trung học Thực hành – ĐHSP, học sinh lớp Ôn thi HSG Quốc gia 2021 của Rubik.
Tham khảo lớp Bản đồ dẫn chứng: https://forms.gle/RkppJcYDf56jgvWbA
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)