
NGUYỄN TUÂN – PHÁP SƯ NGÔN TỪ








NGUYỄN TUÂN – PHÁP SƯ NGÔN TỪ


“Thời trang là thuật của phái đẹp.
Tu từ là thuật của nhà thơ, một phái đẹp khác”
-Lê Đạt-
“Trăm lần luyện mới thành chữ, nghìn lần luyện mới thành câu” (Lã Bản Trung), hành trình tạo tác nên tác phẩm nghệ thuật của nhà văn đã là một chuỗi ngày dài khó nhọc mà việc dụng công hun đúc những con chữ trác tuyệt lại càng khó nhằn hơn nữa.Ấy vậy mà Nguyễn Tuân – một nghệ sĩ “suốt đời đi tìm cái thật và cái đẹp” lại luôn xông xáo đi “tìm thực phẩm cho tâm hồn thay thực đơn cho các giác quan” tìm “cái say của rượu tối tân hôn”. Con người ấy không bao giờ chấp nhận sự hời hợt bằng phẳng, không thích những khuôn sáo gò bó, sự lặp lại đến nhàm chán. Chính vì thế mà trong văn chương, Nguyễn Tuân luôn tìm đến sự độc đáo, mới lạ, không bao giờ đi lại những lối mòn xưa cũ. Đó có lẽ cũng là lí do vì sao ngay từ khi cầm bút, ông đã tạo cho mình một phong cách đặc sắc – phong cách của 1 “pháp sư ngôn từ” đại tài.
Sinh thời, Nguyễn Tuân rất tâm đắc với ý tưởng nghệ thuật của M.Gorki: “Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật”. Ông đã từng say sưa với nhân vật của Đốt “lúc nào cũng như là có một cơn sốt rung cả cuộc sống bên trong lên”. Ông cũng đã có lúc tri kỉ với Nguyên Hồng người “cười hô hố tung tóe cả chén rượu” (Con người Nguyên Hồng). Một người như ông, không có cái khuôn khổ vô hình nào câu thúc nỗi khát vọng thiên lương, khát vọng dùng văn chương để thưởng ngoạn thì con sông Đà ghê gớm kia – “Chúng thủy giai Đông tẩu / Đà giang độc Bắc lưu (mỗi dòng sông đều chảy về Đông, chỉ có một sông Đà theo hướng Bắc) – không thể “không xứng” với cá tính nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Nét độc đáo trước hết về ngôn từ trong văn chương Nguyễn Tuân là cách dụng từ đầy sáng tạo, kết hợp hay thêm bớt một cách mới mẻ. Từ đó tạo nên những câu từ mang ý nghĩa nội hàm sâu sắc như: chữ “sông mỏi” tả con sông Hương của một thời xa cũ: “Sáu nhịp cầu Tràng Tiền rạng dần lên như ba cặp lông mày trắng thần lãng mạn nào đang soi vào mặt sông mỏi”. “Sông” vốn vô tri, nhưng giờ cũng biết “mỏi” – thứ trạng thái của một vật thể sống động, khiến hình ảnh hiện lên không chỉ là dòng sông đọa lạc, mà còn cả cái không khí rời rạc, ám ảnh trong lòng cái xã hội thuộc địa cuối mùa hồi đó. Hay trong “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” (Người lái đò sông Đà); cái độc đáo ở đây nằm ở cụm “áng tóc trữ tình” – một sự kết hợp giữa “mái tóc” và “áng thơ”, để trong một từ “áng tóc” người ta còn thấy sông đẹp một cách yêu kiều như mái tóc người mỹ nữ trải dài giữa núi rừng xanh bạt ngàn hoang sơ.
Bên cạnh việc cấu tạo những từ độc lạ, Nguyễn Tuân còn thổi hồn mới cho lớp ngôn từ bằng cách chuyển hóa từ loại. Chẳng hạn, nhằm thể hiện thái độ miệt thị đến mức ghê tởm những kẻ sùng bái vật chất, sẵn sàng chắp tay quỳ lạy chỉ để tự biến mình thành nô lệ của đồng tiền, ông đã tôn một danh từ “tiền” lên thành tính từ trong câu: “Cái thối inh của xã hội tiền”. Hay ở một chỗ khác, nhà văn lại động từ hóa một tính từ “lạnh” để lột tả bầu không khí quạnh quẽ, vô sinh khí một cách ám ảnh: “Nhà hát đã lạnh tiếng cười, tiếng đàn, lạnh cả đến một cái tàn đèn dầu lạc.”
Dẫu dùng nhiều từ độc, từ lạ; nhưng trong những dòng văn Nguyễn Tuân cũng không thiếu lời lẽ mang khẩu khí dân dã tự nhiên, thoải mái: “A men! Giời ôi là giời! Sống làm sao được đây! […] Nổi lên một mồi lửa cho nó cháy vèo mẹ nó đi cái thứ làng An nam ngột ngạt đó. Lúc thì giọng cởi mở thân tình: “Chỗ nào cũng mò tới. Lắm lúc ăn mặc thực sang, lắm lúc như con mẹ ngộ.” Lại có khi thật nhẹ nhõm, sống động: “Đâu lại có cái kiểu nện chày chủng chẳng tiếng đực, tiếng cái tiếng mẹ tiếng con như thế.”
Đặc biệt hơn cả, Nguyễn Tuân còn tài hoa trong việc “phục chế” cái sắc thái phong vị một thời hay lĩnh vực đặc thù bằng những từ cổ một cách nhuần nhuyễn. Những chi tiết về cảnh, người của một thời vang bóng: phiến chát, thầy bát, thầy thơ lại, viên quản ngục, thiên lương, án thư, pháp trường, bộ tứ bình, bức trung đường, bái lĩnh… (Chữ người tử tù), tất cả gom góp nên mảng sắc lịch sử, cổ kính mà hết sức bi tráng. Hay khi đọc “Chùa Đàn”, ta còn biết tới những động tác đánh đàn, từ ngữ chuyên môn như “vê, lẩy, chụp, vuốt, nhấn, những tiếng thoảng, tiếng xòe”.
Ở Nguyễn Tuân, ngôn từ không còn đơn thuần là phương tiện chuyển tải tư tưởng, cảm xúc, mà “một thứ ma lực khiến văn xuôi của anh giàu hình tượng, giàu chất nhạc” (Nguyễn Đăng Mạnh). Văn sĩ họ Nguyễn ấy không chỉ ngông với đời mà còn chơi ngông với từng con chữ, không giống ai và cũng không cho ai giống mình. Dòng sông chữ nghĩa trong văn ông chảy qua cái hồn dân tộc để mà thấm đượm cái chất dân gian, rồi lại được ươm mầm bởi tài năng và sức sáng tạo của con người ấy để mãi còn “sáng lấp lánh, kêu giòn và tỏa hương” (Pauxtopxki).
Thông tin lớp cấp tốc THPTQG: https://forms.gle/8tN3K5cAAiGY6CXu9
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)