
NHỮNG KHOẢNG LẶNG VÔ NGÔN TRONG THI CA








NHỮNG KHOẢNG LẶNG VÔ NGÔN TRONG THI CA


Thơ ngâm mình trong cảm xúc của thi sĩ, là tiếng lòng không cất thành lời lại khâu dệt thành những vần thơ. Theo văn học phương Đông, người ta chuộng lối thơ phong hàm súc, cô đọng nhưng lại chứa đựng nội sâu tầng tầng lớp lớp bao tâm tư, tình cảm. Thế nên mà có những “khoảng lặng vô ngôn đấy”. Khoảng lặng ấy là khoảng lặng nghệ thuật, ấy là phần lời không nói ra mà thi nhân giấu kín. Đấy là ý hay ở thơ, khiến người tri âm mãi đắm say. Khoảng lặng nghệ thuật tạo ra bởi cách tách câu thơ, khổ thơ thành hình thức bậc thang, tạo hình, dấu chấm hay ở cách ngắt nhịp, ở hình ảnh ẩn dụ, câu hỏi tu từ,…
Nhà làm thơ chính luận – Denise Levertov đã từng khẳng định: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài. Thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc”. Cảm xúc – một vật thể vô hình bên trong chúng ta. Chúng vốn phức tạp, đa dạng, sâu sắc với những xoay chuyển phong phú thể nên cảm xúc là thứ không thể diễn đạt trọn vẹn bằng từ ngữ. Mặt khác, cảm xúc không như bức tường kiên cố mà mỏng manh như bồ công anh trước ngần gió thổi, có lúc lắng sâu bên trong trở thành những cơn sóng ngầm dạt dào nơi nội tâm. Vậy nên, nhu cầu có được một “chỗ chứa”, một nơi để dựa vào mà bày tỏ là nhu cầu cấp thiết đối với thơ ca và đặc trưng ngữ nghĩa nghệ thuật ngôn từ đã tạo cho văn chương những khoảng lặng như thế.
Bên cạnh đó, thơ ca là sự hàm súc và cô đọng. Nghệ thuật thơ cơ không cho phép cái dài dòng, dàn trải lê thê vì “Thơ là ý tại ngôn ngoại”. Ngôn ngữ thơ đòi hỏi sự hàm súc đến tuyệt đối, chỉ những gì bản chất, cần thiết và ý nghĩa mới được thể hiện. Nhưng sự hàm súc ấy của ngôn từ lại gánh trong minh trách nhiệm lớn lao: “Là thư kí trung thành của trái tim, truyền tải những cung bậc cảm xúc đa dạng phức của con người“.
Những khoảng lặng vô ngôn ấy như là người bạn trung gian gián tiếp giao tiếp với người đọc, từ đó mà tác giả như tiến gần đến độc giả hơn. Điển hình với bài thơ “Thiền” của nhà thơ Việt đương đại Nguyễn Khắc Thạch, một bài thơ rất ngắn, nếu không xuống dòng thì chỉ có hai câu nhưng ý nghĩa lại lan rộng trong từng khoảnh khắc ngân lên:
“Bên thềm hoang
Thiếu phụ
Thoát y nằm
Ngọn nến cháy
Sau vầng trăng khuyết”
Không gian ở đây là thềm hoang nhưng không còn hoang vắng nữa vì đã hiện diện một bóng hình thiếu phụ. Bất ngờ ở dòng sau: “Thoát y nằm”. Đó là thế giới vô ngôn, thế giới sinh động trần thế, toát lên vẻ đẹp của một tuyệt tác giai nhân mà thiên nhiên ban tặng con người. Nhờ có hình ảnh này mà không gian, thời gian trở nên đẹp thánh thiện, ngưng lặng. Khổ thơ thứ hai là một triết lý thiền. Tác giả ngắt câu thơ thành hai dòng để ý tưởng hiện ra, biểu hiện hai trạng thái giữa ngọn nến cháy và vầng trăng khuyết. Ngọn nến cháy không chỉ là ngọn nến mà còn là trạng thái con người. Con người ở đây là chủ thể ý thức – cái tôi trữ tình của bài thơ hay nhân vật trữ tình của bài thơ cũng thế – đang trầm ngâm nghĩa về cái vô thường của “quán tướng” hay cũng có thể là đang tự vấn về một lẽ bí ẩn nào đó. Bài thơ kiệm lời đến tối đa mà nghĩa thì tiềm ẩn, hàm súc mở ra kiểu tiếp nhận, nhiều khoảng lặng bên sau con chữ, không phải trực tiếp trên bề mặt con chữ.
Khoảng lặng nghệ thuật qua đó mà diễn đạt những ý nhị, sâu kín của cảm xúc. Cảm xúc không nói ra là bản nhạc dễ đi vào lòng người. Đồng thời thể hiện được những đặc trưng của thơ, vừa bảo đảm tính hàm súc vừa diễn đạt được tất cả những gì nhà thơ muốn gửi gắm. Một “quãng nghỉ”, như một khoảng trắng trong bức tranh thủy mặc để tầng tầng người tri âm tịnh tâm, chiêm nghiệm về tư tưởng, ý nghĩa ấy.
Mỗi bài thơ là hành trình khám phá trái tim của những trái tim đồng điệu. Sức hấp dẫn không là những điều đã nói, mà là ở những điều chưa biết, cần phải kiếm tìm. Nhờ những “khoảng lặng vô ngôn” ấy mà độc giả và thi nhân gần gũi hơn, đồng cảm hơn.
Thông tin lớp Chuyên LLVH – NLXH: https://forms.gle/ui1UJQ3FgspTc6cX8
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)