
CẢM NHẬN VỀ THƠ CỦA TRẦN DẦN








CẢM NHẬN VỀ THƠ CỦA TRẦN DẦN

Trần Dần xem chữ là bình diện thứ nhất của thơ, yếu tính của thơ kết tinh trong chữ. Trần Dần làm thơ là làm với chữ, bằng chữ, nhưng là những con chữ đã được tẩy sạch nghĩa tiêu dùng để rồi lại phục sinh chữ bằng những nghĩa mới mẻ, trinh nguyên.
Có thể thấy Trần Dần đã lấy vần làm nhân tố chủ chốt để triển khai tính liên tục của hành ngôn thơ. Ông “đập” vào vần đề từ vần mà bật ra chữ, bật ra hình ảnh gần như tự động, không hề vướng bận bởi những quy tắc tạo từ đã có, những phương thức tạo hình theo một logic khả đoán, những cách tổ chức cú pháp quen thuộc.
“Ai xui chắn chín ngã tư?
Chậm giờ chín phút
Ai xui chín ô kính ướt
Ngoài trời lá bứt
Chín cản gió lốc
Chín dây đàn – đứt
Chín bông cúc – ngứt
Chín tờ giấy – vứt
Chín nông nỗi – nhứt
Chín khúc – lay lứt
Chỉn mảnh chai – sứt
Chín ngọn đèn – thức
Chín khuy áo – tức
Chín bình hoa – nứt
Chín bức thư – lạc
Chín trang mưa nhòe”
( Chín bức thư mưa)
Người ta nói rằng Trần Dần đã thổi hồn vào từng sự vật, thổi sự sống vào từng con chữ. Nhưng cái làm cho người đọc luôn bất ngờ là cái cách tư duy ngôn ngữ táo bạo, độc đáo và mới lạ của ông đã tạo nên những ấn tượng mạnh, thậm chí thoạt đầu gây sốc. Gây sốc bởi vì nó mới quá, nó lạ quá, nó không giống “thơ cũ”. Gây sốc bởi ông chủ trương “làm chữ”, làm những chữ mới và làm mới những chữ cũ. Đấy chính là Trần Dần- một cá thể thơ.
Ngôn ngữ của Trần Dần luôn biến động và ta thấy cả sự lao tâm của ông cho từng con chữ. Thơ Trần Dần không phải một thứ thơ dễ đọc. Ông cũng không phải nhà thơ quần chúng hóa, mặc dù ông thơ hóa nhiều ngôn ngữ quần chúng. Những vấn đề cuộc sống và nghệ thuật luôn được ông soi rọi, chăm chút, xuất thần theo kiểu riêng của mình. Chính vì thế mà ông là người mở đường, người đi trước suốt nửa thế kỷ qua. Trần Dần đã phát biểu “Tôi chỉ viết cho những người bằng vai”. Tức tác giả phải tạo ra độc giả qua tác phẩm của mình. Bởi với ông “Thơ vì thơ tuyệt đối. Hễ vì bất cứ thứ gì khác, dù cao quý mấy, thơ sẽ chẳng còn là thơ”.
Thoát hẳn khỏi quan niệm làm thơ để cất lên tiếng nói của trái tim “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” của Thơ mới, Trần Dần chống lại thói quen đọc để hiểu nghĩa, cảm nghĩa của độc giả đọc thơ truyền thống. Ông đẩy hoạt động sáng tạo thơ lên một bước mới: “coi ngôn ngữ là mục đích, ngôn ngữ có giá trị tự thân. Trần Dần đã làm một cuộc cách mạng lần thứ hai sau Thơ mới. Một cuộc cách mạng mang tính hiện đại” . Trần Dần cách tân thơ “dựa vào hai nghệ thuật hàng xóm của thơ là âm nhạc và hội họa – thi nhân sử dụng các biến tấu chữ và các biến tấu âm”. Những cách tân này khiến người đọc không thể thụ động tiếp thu, được truyền cảm như khi tiếp nhận thơ lãng mạn, hay được gợi cảm từ những ẩn dụ trong thơ tượng trưng nữa. Bởi ngôn ngữ không được tạo một nghĩa nhất định nào từ tác giả mà bản thân nó là một mỏ quặng nghĩa đang chờ độc giả khai phá, đòi hỏi ở độc giả tính tích cực, không thể đọc theo thói quen “há miệng chờ sung”. Đọc tác phẩm của Trần Dần, người đọc buộc phải tham gia trò chơi chữ nghĩa “trong cuộc phiêu lưu của cái viết (écriture)” (Đỗ Lai Thúy), với một nền tảng tri thức nhất định để trở thành người chơi.
Như vậy, thơ với Trần Dần, chính là cách nhìn sự vật. Một cái nhìn lập phương, lập thể, lặn sâu vào bản chất sự vật nên thể hiện được cá tính của nhà thơ. Ông chống lại những cái nhìn bề ngoài, hời hợt, dễ dẫn đến loại mà ông gọi là thơ chính trị công thức. Đó không đơn giản chỉ là một trò chơi nhất thời; sự kiên trì của ông trong cách ứng xử nghệ thuật này có lẽ còn ẩn chứa cả một tâm niệm, một triết lý về hành động sáng tạo: cho dù có thể bị tước đoạt tất cả, cho dù ngôn ngữ với những sức nặng, không chế, áp đặt của nó muốn bắt nhà thơ phải câm lặng thì với ý chí tự do, nhà thơ vẫn có thể cất lời, đồng thời giải phóng cho chính ngôn ngữ.
Thông tin lớp Sirius – ôn thi vào đội tuyển quốc gia: https://forms.gle/7JGnemLi95VtTbPF7
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)