
“THƠ LÀ MỞ RA ĐƯỢC CÁI GÌ MÀ TRƯỚC CÂU THƠ ĐÓ, TRƯỚC NHÀ THƠ ĐÓ, VẪN NHƯ LÀ BỊ PHONG KÍN” – NGUYỄN TUÂN








“THƠ LÀ MỞ RA ĐƯỢC CÁI GÌ MÀ TRƯỚC CÂU THƠ ĐÓ, TRƯỚC NHÀ THƠ ĐÓ, VẪN NHƯ LÀ BỊ PHONG KÍN” – NGUYỄN TUÂN


Bài làm
Nhà thơ Tố Hữu từng nói: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã thật tràn đầy”. Mỗi nhà thơ khi cầm bút sáng tác tức là đã sống được trọn vẹn cuộc đời của mình. Những tác phẩm thơ của ông không thể đơn thuần là tiếng vỡ òa của cảm xúc, mà nó còn phải là sự kết tinh của cả quá trình suy nghĩ, tìm tòi, chiêm nghiệm, nhắn nhủ của người cầm bút. Mà như nhà văn Nguyễn Tuân đã từng khẳng định: “Thơ là mở ra được một cái gì mà trước khi có câu thơ đó, trước khi có nhà thơ đó vẫn như bị phong kín”
Khác với văn xuôi, gồm nhiều câu từ, hình ảnh; thơ lại như một chiếc hộp dồn nén hết thảy những chữ, những khám phá, những tâm tư của nhà thơ về chính cuộc sống bình thường. Để khi người đọc mở ra một bài thơ, lại cảm giác được cái gì đó như là bung tỏa, như là tràn trề. “Mỗi tác phẩm chân chính phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung” (Leonit Leonop). Theo như nhận định của Nguyễn Tuân, thì cách mà thơ “mở ra được” chính là cả quá trình “lao động khổ hạnh” của nhà thơ, là cả thời gian trăn trở, đau khổ hay hạnh phúc của người cầm bút. Hay nói cách khác, đó chính là những cái trác tuyệt về cả hình thức lẫn nội dung trong thơ. Những điều ấy là những “phát minh”, “khám phá” riêng của từng nhà thơ, mang đậm “vân chữ” của nhà thơ đó, vì thế mà “trước khi có câu thơ đó, trước khi có nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín”. Làm thơ thì đôi lúc đó là tiếng nói đầu tiên của cảm xúc, hay có khi là “tức cảnh thành thơ”. Song, lao động nghệ thuật chân chính không chỉ đòi hỏi nơi nhà thơ một trái tim giàu lòng yêu thương, một tấm lòng bao dung mà nó còn buộc người cầm bút phải biết dấn thân, tìm tòi, đào sâu để ngàn đời sau, người ta đọc lại bài thơ đó, vẫn như được mở ra những khám phá, chiêm nghiệm mới mẻ.
Nói đến thơ tức là nói đến nghệ thuật trong thơ. Thơ dễ dàng đi vào lòng người đọc chính là nhờ nghệ thuật độc đáo của thơ. Thơ là thơ, nhưng cũng đồng thời là nhạc, là họa, là chạm khắc. Đọc bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, người ta tưởng như là đang ngắm một bức họa, đang nghe một bài ca:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Giữa khói lửa, bùi mù chiến tranh, nhà thơ lại vẩy lên đó những giọt màu rực rỡ của “hội đuốc hoa”. Những giọt màu ấy cứ loang ra, loang ra tạo nên điểm nhấn cho bài thơ. Cách sử dụng hình ảnh “hội đuốc hoa” đã là cách sử dụng nghệ thuật thật táo bạo rồi, từ “bừng” lại làm sáng lên cái nghệ thuật độc đáo ấy của Quang Dũng. Cách sử dụng nghệ thuật ấy thật đúng như nhận định của Nguyễn Tuân: “Thơ là mở ra được một cái gì”. Nếu nói đến chiến tranh, người ta thường nghĩ đến bom đạn, khói lửa, máu xương. Song, trong “Tây Tiến”, Quang Dũng lại mang được cả một bức tranh rực rỡ, một bản nhạc thật vui tươi, nồng ấm về tình đồng đội, tình quân dân.
Cũng viết về mảnh đất Tây Bắc ấy, nhưng nhà thơ Chế Lan Viên lại có những sáng tạo nghệ thuật mang đậm hơi thở Chế Lan Viên:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
(Tiếng hát con tàu)
Ngay từ nhan đề bài thơ, nhà thơ đã đưa vào hình tượng nghệ thuật độc đáo- hình ảnh “con tàu”. Con tàu ấy trong suốt bài thơ, toa tàu này nối tiếp toa tàu kia, chạy dài trong lòng người đọc, Nhà thơ sử dụng dày đặc nghệ thuật so sánh. Nghệ thuật so sánh không phải là nghệ thuật mới lạ trong thơ. Song, cách mà Chế Lan Viên so sánh mới thật là khám phá mới mẻ. Chỉ trong bốn dòng thơ, đã xuất hiện năm hình ảnh so sánh, tất cả những hình ảnh ấy đều mang đậm dấu vân chữ của nhà thơ. Bản chất của thơ chính là gợi mở. Song đối với “Tiếng hát con tàu”, Chế Lan Viên lại dẫn người đọc từ cánh cửa này đến cánh cửa khác, sự gợi mở ấy trở nên vô tận.
“Mỗi công dân có một dạng vân tay, mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ” (Lê Đạt). Đọc một bài thơ, người đọc đều như bước vào một thế giới mới- thế giới của sự sáng tạo nghệ thuật. Nếu như nói thơ dễ đi vào lòng người đọc bằng nghệ thuật, thì thơ khắc sâu vào lòng người về nội dung.
“Tây Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
(Tây Tiến- Quang Dũng)
Văn chương trước hết là cuộc đời. Giá trị của thơ nằm ở chỗ nó được bắt nguồn từ cuộc đời thường ngày, nhưng từ những điều đơn giản nhất trong cuộc đời ấy, con người ta lại yêu cuộc đời này hơn. Từ hiện thực khó khăn, khắc nghiệt của chiến tranh mà như nhà thơ Tố Hữu từng viết:
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!”
(Cá nước- Tố Hữu)
Song, trong bài thơ “Tây Tiến” của mình, Quang Dũng lại hình tượng hóa những người chiến sĩ trở nên thật oai hùng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Khó khăn, khắc nghiệt giờ đây trở nên vô nghĩa đối với những con người luôn hướng về đất nước. Bên cạnh đó, thơ không chỉ mở ra những hiện thực cuộc sống ít ai để tâm, thơ còn tác động khả năng lên tưởng của người tiếp nhận. Khi đó, người khám phá không chỉ riêng người cầm bút, mà còn là người đọc. Từ tấm lòng yêu nước của đoàn binh Tây Tiến:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”,
Người ta lại nhớ đến người trai ra đi vì đất nước của Nguyễn Đình Thi:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại,
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
(Đất nước- Nguyễn Đình Thi)
Sự hi sinh, dấn thân của những con người ấy không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Nhưng khi được ghi tạc vào thơ, thì dù ngàn năm sau, dù là những con người trong thời bình cũng không thể quên ơn những con người hi sinh trong thời loạn. Song, cái mà thơ “mở ra được” không dừng lại ở đó, không dừng lại ở những tìm kiếm trong cuộc sống đời thường, con người bình thường mà còn mở ra những triết lí cao đẹp, tâm huyết, tấm lòng của người cầm bút.
“Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”
(Tiếng hát con tàu- Chế Lan Viên)
Chính nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng khẳng định rằng: “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”. Trong “Tiếng hát con tàu”, ông đã truyền tải những triết lí sống của mình: là sự tiếp nối tinh thần qua từng thế hệ, sự hi sinh, chịu thương, chịu khó của con người Việt Nam và sự tri ân ơn nghĩa trong tâm hồn người. Thơ phải có chiều sâu, độ sâu ấy thấm mãi thấm mãi trong lòng người đọc, không thể nào quên được. Nếu như trong tác phẩm của mình, nhà thơ không thể tìm tòi một giá trị, một triết lý mới, thì tác phẩm ấy dù có thể dễ dàng đi vào lòng người đọc thì cũng dễ dàng bị lãng quên, chôn vùi.
“Trong mỗi con người đều có một cái van mà chỉ có thơ ca mới mở ra được” (Nhêcơraxop). Những “phát minh”, “khám phá” trong thơ luôn là bất tận. Người cầm bút, với sự dấn thân, lòng yêu đời, yêu người của mình, luôn chôn cất những điều mới mẻ, bất ngờ trong thơ. Để khi người đọc vừa chạm đến, thì nó sẽ bung tỏa, rực rỡ. Một tác phẩm thơ chân chính phải “mở ra được một cái gì mà trước khi có câu thơ đó, trước khi có nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín”. Thơ là phải vừa có nghệ thuật thật đắt, thật sáng tạo; song vừa phải có chiều sâu, chiều xa. Tiếp nhận được một bài thơ như thế, người ta tưởng như đi vào một thế giới mới, hay được gặp lại một con người đã bị lãng quên, để mỗi người cũng biết yêu thương để tâm hồn mỗi người đều được mở rộng, để từng đầu ngón tay cũng run lên vì hạnh phúc, hạnh phúc của sự chiêm nghiệm.
Thơ ca là món quà tuyệt vời mà con người tạo ra cho cuộc đời và cho chính bản thân mình. Nhờ văn chương, con người biết sống sâu hơn, sống đẹp hơn, biết hướng đến những chân-thiện-mỹ trong cuộc sống. “Văn chương làm cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống trở nên bất diệt” (Sally).
Thông tin lớp LLVH – NLXH: https://forms.gle/ui1UJQ3FgspTc6cX8
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)