
THẾ GIỚI GƯƠNG SOI TRONG “THUỶ NGUYỆT” SOI CHIẾU NHỮNG GÌ?








THẾ GIỚI GƯƠNG SOI TRONG “THUỶ NGUYỆT” SOI CHIẾU NHỮNG GÌ?


1, Kawabata và cuộc hành hương đi tìm cái đẹp:
Kawabata Yasunari (1899 – 1972) là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và là người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học năm 1968. Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ánh nhiều phương diện của Văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.
Ông có một tuổi thơ bất hạnh, dần chứng kiến sự mất mát người thân, mất đi những điểm tựa tinh thần vững chắc. Và Kawabata chỉ còn biết tựa mình vào năng lực sáng tạo, phong kín vết thương tâm hồn của mình bằng cuộc tìm kiếm mê mải cái đẹp trong cuộc đời.
Tuổi trẻ của Kawabata dành cho văn chương, ông viết “những tác phẩm nhỏ gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay”. Phong cách của Kawabata là sự hòa quyện, pha trộn giữa Đông – Tây, truyền thống – hiện đại gắn với dấu ấn cá nhân đậm nét. Cùng với cuộc đời đầy bất hạnh, văn chương của ông đi vào “cuộc hành hương” đi tìm cái đẹp và đó cũng là hành trình đi vào nỗi sầu vạn kỉ, là cuộc kiếm tìm sự phù du và vẻ đẹp u hoài.
2, Biểu tượng “gương soi” trong “Thủy nguyệt”:
Có một sự thật hiển nhiên rằng: chúng ta thường say đắm trước vẻ đẹp trác tuyệt “Trúc biếc tươi non còn vương phấn / Sen hồng vừa chớm thoát bụi trần” hơn là những cánh đồng đã úa tàn , không còn chút sinh khí. Cuộc sống chính là hành trình mà con người nỗ lực khám phá và tìm kiếm cái đẹp. Và văn chương không nằm ngoài chặng đường trường chinh ấy. Cái đẹp len lỏi trong những trang văn như nguồn nhựa sống mạnh mẽ thổi hồn cho từng tác phẩm, kiến tạo nên tầm vóc của nhà văn.
Với Kawabata – nhà văn trứ danh của xứ sở mặt trời mọc, có thể khẳng định rằng: “Thế giới của ông là thế giới của cái đẹp”.
Tình yêu, cảm xúc trước cái đẹp là một nét văn hóa của Nhật Bản. Trước sự xâm thực của lối sống mới và văn hóa phương Tây, Kawabata đã miệt mài trên lộ trình tìm về với vẻ đẹp bản sắc dân tộc. Kawabata được cho là nhà văn “Nhật Bản nhất”. Trong sáng tác nghệ thuật, ông luôn nhất quán với quan điểm về cái đẹp của mình. Thế giới văn chương của Kawabata là thế giới của cái đẹp “thanh khiết”, “mộng huyễn”, “hoài công”. Cái đẹp theo quan niệm của Kawabata là cái tinh khiết, không bị vẩn đục của đời thường, mang lại cho ta niềm an ủi dù là mộng huyễn và hoài công. Ông là người “tôn vinh vẻ đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống của thiên nhiên và trong định mệnh con người”. Trong tác phẩm “Thủy nguyệt” (Trăng soi đáy nước) ta thấy rõ quan niệm của ông về cái đẹp. Cái đẹp trong trẻo nhưng mong manh và chóng vánh. Đó là cái đẹp của thiên nhiên huyền ảo, thơ mộng; là cái đẹp của tình yêu chung thủy giữa Kyoko và người chồng;…Để thể hiện cái đẹp trong “Thủy nguyệt”, nhà văn đã khéo léo xây dựng hình tượng chiếc gương soi xuyên suốt tác phẩm. Mà ấn tượng hơn cả là những dòng văn kể về ký ức của Kyoko với người chồng đầu qua chiếc gương soi nhỏ bé đó.
Trước hết, gương soi phản chiếu vẻ đẹp của tình đời, tình người thiết tha, thấm thía… Điểm nhìn trần thuật được Kawabata trao cho Kyoko: nhìn qua hồi ức, nhìn từ kỷ niệm. Nhịp văn thấm đượm chất trữ tình, khiến cho mạch kể mang tính chất hồi cổ. Nguồn sáng tâm hồn Kyoko được Kawabata sáng tạo phương tiện chiếu sáng độc đáo: chiếc gương soi. Gương soi từ lâu đã trở thành biểu tượng của cái ảo – thực, giả – chân, vô thường – chân như của kiếp nhân sinh mong manh, chóng vánh. Trong văn Kawabata, gương soi như một cái tứ của một bài thơ dịu dàng mà da diết về tình yêu đời, yêu cuộc sống. Gương soi trước hết là hình tượng về bức tranh thiên nhiên đời thường. Đó là hình ảnh “ vườn rau, bầu trời, áng mây, tuyết, rặng núi xa, dải rừng thưa, vầng trăng, đóa hoa hồng, những đàn chim di trú, khách bộ hành và bầy trẻ nô đùa trước sân”. Gương soi còn là hình tượng về một “thế giới bao la, trù phú” ( bầu trời ánh lên sắc bạc, không xám ngoét như chì, sắc cây in bóng trong gương cũng xanh hơn so với màu thực của nó) Thế gới bao la, rực rỡ hiện lên trong gương như xoa dịu tâm hồn người chồng và khiến cho Kyoko phải sửng sốt. Dường như nàng yêu thế giới trong gương hơn thế giới thực của nó, và nàng bị quyến rũ, đắm đuối cùng niềm đắm đuối của chồng. Do đó, gương chính là biểu tượng đẹp về tình người, tình yêu lứa đôi, tình vợ chồng.
Không những thế, gương soi còn ánh lên vẻ đẹp của sự tinh tế và một lần nữa khẳng định tình yêu của người chồng với Kyoko. Người chồng rất yêu Kyoko, anh ghi nhớ cả dấu vân tay của vợ in trên chiếc gương và lưu trong tâm sự khác biệt giữa dấu tay ngón cái và ngón trỏ của nàng. “Chỉ những người ốm liệt giường mới ghi nhớ từng dấu vân tay của vợ”. Lúc ngã bệnh, ta mới thấy thấm thía tình cảm của vợ. “Phù sinh nhược mộng” , kiếp nhân sinh vốn vô thường và ngắn ngủi, chỉ những người đối diện mới cái mỏng manh, vô thường ấy mới có đủ thời gian để suy ngẫm và trân trọng cái mong manh, ngắn ngủi của kiếp người. Nối dài tình yêu vợ, yêu đời, với anh chính là nối dài sự sống. Chiếc gương cầm tay bỗng hóa sinh thành gương sáng của tâm hồn và nhãn tuệ. Là ánh sáng của sự sống, cứu con người thoát khỏi bể khổ, ngục tối.
Và chiếc gương ấy phải chăng còn là hình tượng về bản thể của con người lâu nay bị đánh mất? Chỉ khi lau chùi, đánh bóng, chiếc gương mới có thể soi chiếu vẻ đẹp của thế giới xung quanh một cách rõ nét. Gương soi rõ cả dấu vân tay của Kyoko, từng hơi thở và cả thế giới thiên nhiên bao la ngoài kia. Chiếc gương ấy tựa như tâm hồn con người. Chỉ khi tĩnh lặng, an nhiên như mắt thu hồ, ta mới có thể cảm nhận hết tinh hoa của vũ trụ. Thủy nguyệt chỉ hiện ra nếu tâm ta đủ tĩnh, nếu gương soi đủ “sáng, sạch” . Qua đó cho thấy nhận thức về việc thưởng thức cái đẹp của Kawabata: nhìn nhận cái đẹp không chỉ bằng đôi mắt mà còn bằng chính cái tâm của mình. Như vậy mới có thể thấy được thế giới này rực rỡ, lung linh và hữu tình đến đâu.
Đoạn văn với âm hưởng nhẹ nhàng và da diết, kĩ thuật kể chuyện hiện đại không làm phai đi nét tinh tế, sự sâu sắc của tâm hồn Nhật Bản, cốt cách Đông phương…đã góp phần giúp tác phẩm được đánh giá là truyện ngắn trác tuyệt. Từ đó dẫn dắt bạn đọc khám phá thế giới cái đẹp “thanh khiết, mộng huyễn, hoài công” mà nhà văn Kawabata thường thể hiện trên trang văn của mình.
Link đăng ký lớp HSG THPT Offline: https://forms.gle/fFJNmsVHQ9C82keA6
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)