CÁCH TÂN TRONG “CẢNH NGÀY HÈ” CỦA NGUYỄN TRÃI

CÁCH TÂN TRONG “CẢNH NGÀY HÈ” CỦA NGUYỄN TRÃI

RUBIK VĂN CHƯƠNG
28/11/2023

“Cảnh ngày hè” (hay “Bảo kính cảnh giới số 43”) của Nguyễn Trãi là một tác phẩm văn học trung đại với nhiều quy phạm. Song, là một người nghệ sĩ cá tính, Ức Trai tiên sinh đã phá vỡ tính quy phạm ngay trong chính tác phẩm của mình để ghi dấu ấn cách tân, đổi mới. 

Dưới đây, mời bạn đọc cùng tham khảo 2 đoạn viết phân tích sự cách tân trong “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi.

Đoạn tham khảo số 1:

Xưa kia, thi thánh Đỗ Phủ từng tâm sự: “Thơ là công việc gia truyền của nhà ta, dùng để truyền cái tình ở trên đời”. Nhưng nếu chỉ có tình thôi, liệu “Cảnh ngày hè” có thể “lưu truyền ở đời” được hay không? Thi ca của Nguyễn Trãi không chỉ ẩn chứa cái tình mà còn mang đậm cái tài, mà cái tài ấy chẳng phải là nghệ thuật cách tân đưa thơ Nôm đến đỉnh cao?

Từ cổ chí kim, đi suốt vườn hoa thi ca, ta thường bắt gặp cái sắc hây hẩy của mùa xuân hay cái vàng, cái tàn của trời đất mùa thu, nào có mấy khi tìm được hương sắc xốn xang mùa hạ. Lựa chọn đề tài mùa hạ, ấy chẳng phải là cách tân của Nguyễn Trãi đó sao? Người xưa cho rằng “Văn chương hữu ích tu thiên hạ”, “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”, nào có mấy khi bộc bạch lòng mình trước thiên nhiên cảnh vật. Với tư cách là một nhà nho – nghệ sĩ, Nguyễn Trãi đã có quan niệm thẩm mĩ khác với tiền nhân. Người xưa ưa tĩnh thì thơ ông ưa động, người xưa ưa thanh thì ông ưa nồng, người xưa ưa cái bình lặng thì thơ ông ưa sự rạo rực. Ấy chẳng phải một hơi thở mới Nguyễn Trãi mang đến chốn làng thơ? Đã mấy khi nàng thơ chịu hạ cánh xuống những cây hoa đồng nội dân dã, bình dị với “hòe lục”, “thạch lựu hiên”, “hồng liên trì” mộc mạc chốn làng quê hay tiếng ve kêu “dắng dỏi” rộn rã. Phá luật Đường thi, một là hết sức kém cỏi, hai là rất mực tài hoa và Nguyễn Trãi đã khẳng định tài năng tột đỉnh ấy. Xen lẫn câu lục ngôn trong thể thơ thất ngôn bát cú đó là sự cách tân mới mẻ. Mở đầu và khép lại bằng câu thơ 6 chữ, dường như đã tạo ra cấu trúc tự do, cô đọng, dồn nén cảm xúc mà vẫn mang ý nghĩa như câu 7 chữ. Là người mở đường đưa thơ Nôm phát triển, sử dụng nhịp điệu linh hoạt như nhịp đời, nhịp sống kết hợp với những từ ngữ thuần việt “hóng mát”, “lao xao”, cường độ động từ mạnh “đùn đùn”, “phun tiễn” đã làm bài thơ tràn đầy sức sống, từng câu chữ cựa quậy trên trang giấy chứ không phải đứng yên. Xưa nay, thơ ca liệu có dám thể hiện điều đó? Ấy chẳng phải là sự mới mẻ đó sao? Nếu không có thi tài Nguyễn Trãi, chắc hẳn đó sẽ là tổn thất lớn lao cho nền văn học nước nhà.

Đoạn tham khảo số 2:

Người ta nói đến thơ xưa là “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”, làm thơ là để giáo huấn và giao giảng đạo đức, còn Ức Trai tiên sinh trước khi hạ bút hai câu thơ cuối trong “Bảo kính cảnh giới số 43” để tỏ rõ cái đại mộng của một bậc đại nhân, đã kịp ghi lại những xúc cảm tinh tế khi đứng trước thiên nhiên tạo vật, những xúc cảm không phải có ích cho sự nghiệp tu thân, lập thân như lòng trung quân ái quốc ưu dân mà các bậc Nho sĩ xưa coi trọng.

Huống hồ, Nguyễn Trãi lại chọn lựa một “cảnh ngày hè” đương lúc sôi nổi, vạn vật đương lúc rực rỡ chứ không phải thiên thu, sắc thu, diệp thu, êm ái và tĩnh lặng, dịu dàng và thanh thoát. Đã “hòe lục” lại còn “đùn đùn”, “thạch lựu” đã “đỏ” lại còn “phun” cho sắc đỏ thêm chói lọi, sen cuối hạ nhưng trước khi lụi tàn cũng phải “tiễn mùi hương” để chứng tỏ cái tính hạ trưởng của nó. Sắc độ đã được tô đậm đến nhường này, đâu còn mang dáng dấp bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ? Nào chợ cá, nào tiếng ve, nào những câu thơ lục ngôn đột ngột phá tan những khuôn vàng thước ngọc, đâu còn mang dáng dấp một bức khảm đúc ngôn từ trang trọng?

Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách đánh giá (1 đánh giá)