
CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM ĐỜI THỪA VÀ NHÀ VĂN NAM CAO








CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM ĐỜI THỪA VÀ NHÀ VĂN NAM CAO


“Hay là thuở trước kẻ văn chương
Chen hội công danh lỡ lạc đường
Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mải chơi quên quê hương”
-Tản Đà-
Những câu thơ ấy của Tản Đà như xoáy sâu vào tâm khảm nỗi đau của kẻ văn chương – người trí thức một thời và rồi cũng nói về nó, ta thấy Nam Cao với hàng loạt các tác phẩm đã tập hợp trở thành một mảng đề tài chính trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn đại tài. Có lẽ người mê Nam Cao, đọc Nam Cao sẽ không bao giờ quên những Thứ, San bị quay cuồng bất lực trong cái vòng luẩn quẩn của cơm áo gạo tiền, hay là Điền với những triết lý thấm nhuần về văn chương và cuộc đời, nói thay Nam Cao cái chân lý, châm ngôn của ông với nghệ thuật. Và chắc chắn rồi, nổi bật trong hàng loạt những người tri thức ấy là nhà văn Hộ trong “Đời thừa” với những đau đớn, quằn quại nội tâm sau từng cơn vỡ mộng, từng lớp sóng đời quật mạnh vào giấc mơ, vào triết lí mà anh hằng đeo đuổi.
Hộ là một đại diện tiêu biểu của tầng lớp trí thức tiểu tư sản nghèo lúc bấy giờ, Hộ cũng là đại diện của chính thân phận nhà văn Nam Cao nữa, chẳng thế mà hiện thực trong tác phẩm, từ hiện thực xã hội đến hiện thực tâm lý đều thật đến không ngờ.
Đặt chân vào bức tranh “xam xám, nhờ nhờ” trong Đời thừa, người ta nhìn thấy thấp thoáng hình bóng một nhà văn chân chính, thấy sâu trong thân phận đau khổ kia là viên ngọc sáng lấp lánh những phẩm chất rất văn chương và thấy để lại buồn vì ngọc ấy cứ chìm dần, tối dần hay là bị lấp đi chẳng ai biết, chỉ biết rằng nguyên nhân chẳng đâu xa ngoài cái xã hội bóp chết giấc mơ bấy giờ.
Trước hết, Hộ có một niềm say mê mãnh liệt với văn chương, nghệ thuật thể hiện trong từng cử chỉ, từng lời bộc bạch của anh đầu câu chuyện. Ta thấy một con người mê văn tới độ, đọc sách chăm chú và tập trung, như không còn gì trên đời ngoài những con chữ và rồi có mấy ai được như Hộ, khi thấy một câu hay là vỗ đùi, tấm tắc khen ngợi, cho rằng: “dẫu ăn một món ngon đến đâu cũng không thích bằng. Niềm say mê ấy của Hộ đã trở thành một “niềm say mê lý tưởng” và anh sẵn sàng đánh đổi vì niềm say mê ấy: “đói rách không có nghĩa lý gì với người say mê lý tưởng, lòng hắn đẹp, đầu hắn mang một hoài bão lớn”. Quan niệm và khao khát ấy của nhà văn Hộ cũng chính là phương châm sáng tác nghệ thuật của Nam Cao, một nỗi mong ước, một niềm khắc khoải đầy nhân đạo từ một nhà văn yêu đời, yêu văn sâu sắc. Lòng yêu ấy, khao khát ấy cụ thể hóa trong Hộ bằng ước mơ đoạt giải Nobel văn học, có được một tác phẩm để đời được dịch ra thật nhiều thứ tiếng. Khao khát ấy nào có phải đâu một thứ háo danh vô thực tầm thường mà trên hết, ta thấy trong đó là ước mơ chính đáng của một nhà văn nghiêm túc với sự nghiệp của mình, mong muốn khẳng định tài năng bằng những vinh quang chói sáng.
Nhưng không, xã hội thời bấy giờ đã bóp chết giấc mơ của những con người như Hộ, những người tri thức có tài năng có tâm huyết nhưng bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền mà vỡ mộng, sống trong bi kịch tinh thần, đau đớn, quằn quại. Từ khi đèo bồng mẹ con Từ, Hộ phải quẩn quanh trong những nỗi lo tủn mủn về cơm áo gạo tiền, những nỗi lo mà Hộ từng rất ghét, anh phải viết những tác phẩm rẻ tiền không có một giá trị nội dung hay tư tưởng lâu dài nào, viết chỉ để kiếm sống, để giải quyết cái gánh nặng gia đình to lớn phải lo toan, “toàn những cái vô vị nhạt nhẽo gợi những thứ tình cảm rất nhẹ rất nông chẳng đem lại một thứ gì mới mẻ cho văn chương, chỉ diễn một vài ý thông thường, quấy loãng, trong một thứ văn quá ư dễ dãi”. Cứ thế Hộ đã trở thành đời thừa với xã hội bởi thứ văn anh viết ra không có lợi ích cho cái xã hội như anh hằng mong muốn, Hộ trở thành đời thừa với gia đình bởi anh không những không lo được cho những đứa con và người vợ của mình mà còn trở thành gánh nặng về tình cảm ở trong gia đình ấy và Hộ trở thành đời thừa với chính bản thân anh khi mà không thực hiện được giấc mơ mà mình hằng đeo đuổi
Bi kịch của người tri thức thời bấy giờ không chỉ là bi kịch vỡ mộng mà còn là bi kịch phản bội lại nhân tính của chính mình, bi kịch của một con người có nhân cách, có tình thương, coi tình thương là nguyên tắc sống thiêng liêng nhưng cuối cùng lại chà đạp lên tình thương một cách đầy thô bạo.
Ấy vậy mà bi kịch một lần nữa đến với Hộ, song hành với bi kịch vỡ mộng kia chính là bi kịch khi mà anh phản bội lý tưởng sống tình thương của chính mình phải dẫm đạp lên tình thương một cách đầy thô bạo. Xã hội bấy giờ bóp chết ước mơ của người tri thức và do không thực hiện được hoài bão văn chương ấy mà Hộ luôn mang một nỗi sầu nỗi hận. Dường như ước mơ và hoài bão ấy luôn trực chờ khi nào có cơ hội lại vùng lên và quất mạnh và lòng tự trọng của Hộ từ nhiều hướng, anh ta muốn giải thoát bằng rượu nhưng rượu lại thổi bùng lên nỗi đau để rồi Hộ đã đi theo con đường của những người tầm thường về trí tuệ và nhân cách. Anh ta chuốc mọi bực bội lên những người thân yêu nhất, những người mà anh ta đã từng bảo bọc và che chở, đã từng cưu mang: “tôi đổi tất, không còn một đứa nào, chỉ khổ thằng này thôi”. Có thể nói Hộ chưa đến mức trở thành quỷ dữ nhưng Hộ đã xa dần nguyên tắc sống có tình thương của chính mình. Có người nói Hộ là một kiểu “Chí Phèo về tri thức”, ấy cũng là một điều đáng suy nghĩ. Bởi dường như Hộ cũng tha hóa một phần về nhân cách của mình, rơi xuống cái Hộ đen tuyệt vọng của đau khổ với mình và gây ra đau khổ cho người khác.
Qua hai bi kịch của nhà văn Hộ được thể hiện trong “đời thừa”, ta thấy những giá trị nhân đạo to lớn mà Nam Cao muốn truyền tải. Qua truyện ngắn này, ông đã lên án, tố cáo xã hội vô nhân đạo đã tước đoạt ý nghĩa cuộc sống và hủy hoại nhân cách con người. Xã hội đồng tiền, coi rẻ người trí thức ấy đã là nguyên nhân sâu xa của những bi kịch với cuộc đời Hộ,cuộc đời Nam Cao và cuộc đời bao người trí thức lúc bấy giờ. Đúng là chúng ta không thể phủ nhận việc Hộ trở thành một kiếp đời thừa, Hộ phải bỏ rơi nhân cách, Hộ chà đạp lên tình thương một phần là do nguyên nhân cá nhân nhưng sâu xa vẫn phải nói đến hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ và câu ca cuối cùng của Từ kết thúc tác phẩm “Ai làm cho khói lên trời? Ai làm?” chính là lời hỏi lời tự vấn của Nam Cao đối với thân phận của chính mình và của người trí thức trong xã hội lúc bấy giờ.
Nhưng đặc biệt quan trọng hơn thế qua truyện ngắn, Nam Cao đã phát hiện và khẳng định cuộc đấu tranh tinh thần cũng như sự thức tỉnh lương tâm trong Hộ. Nam Cao trong những truyện ngắn của mình hay viết về nước mắt, giọt nước mắt của trong tác phẩm của ông thường là những giọt nước mắt đau khổ nhất, những giọt nước mắt của niềm hối hận và ông gọi nó là “giọt châu của loài người”, là “miếng kính làm biến hình vũ trụ”. Hổ cũng thế, Hổ đã khóc và khi biết khóc dường như người ta còn một phần nhân tính, chính tiếng khóc ấy là thứ chứng minh rằng Hộ đã được níu giữ khi đang đứng trên bờ vực sa ngã. Điều đó chứng tỏ Nam Cao luôn tin vào con người vì vậy ông luôn phát hiện ra sự vươn lên của con người trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và không chỉ có thế ông kêu gọi sự thay đổi hoàn cảnh ông mong muốn những người tri thức có điều kiện để sống, để ước mơ, để hoài bão và để thực hiện những điều mà họ mong muốn. Ngoài ra, qua sự ý thức của Hộ về ước mơ về khát vọng thì Nam Cao còn đề cập đến việc cái tôi được thức tỉnh và tầm quan trọng khi con người hành động vì ước mơ, khát vọng của bản thân mình.
Xây dựng nhân vật Hộ, Nam Cao không quan tâm đến việc khắc họa tính cách bằng những nét cá tính độc đáo gây ấn tượng đậm. Khác với những nhân vật trong “giông tố”, “số đỏ”, “tắt đèn” và cả “Chí Phèo”, ông tập trung đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật và làm nổi bật bi kịch tinh thần của người trí thức. Ở đây nổi bật sở trường miêu tả phân tích tâm lý con người của nhà văn nhất là khi miêu tả diễn biến tâm lý và cho thấy quy luật tâm lý con người. Có thể nói trong đội ngũ những tác gia văn xuôi đông đảo nhiều tài năng đương thời, chưa có ai có được ngòi bút tinh tế sâu sắc trong việc khám phá thể hiện tâm lý như Nam Cao. Sức hấp dẫn nghệ thuật của “đời thừa” và của mảng sáng tác về người tiểu tư sản của Nam Cao một phần quan trọng cũng là ở đó.
Thông tin lớp Chuyên LLVH – NLXH: https://forms.gle/ui1UJQ3FgspTc6cX8
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)