
CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM: “NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN”








CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM: “NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN”

Bất kỳ ai trong cuộc đời cũng đều có cho mình một người quan trọng! Với Hoàng Tử Bé, đó là bông hồng độc nhất trên cuộc đời, bông hồng cậu dành cả cuộc đời để nâng niu, trân quý, với những đứa trẻ thiếu tình thương gia đình, có lẽ là những người thầy đã mang ngọn lửa của tình yêu, và ánh sáng của tri thức đến sưởi ấm, thắp sáng những phận đời bất hạnh. Với An- tư- nai, thầy Đuy- sen- “Người thầy đầu tiên” ( Aimatov) là như thế chăng?
“Các em cứ gọi ta là thầy, các em có muốn xem trường không? Vào đây, các em đừng ngại gì cả…?” Tiếng nói ấy thật bình dị thôi, nhưng gần gũi, thân thương và có sức tác động mạnh mẽ quá đỗi. Đó là tiếng nói của thầy Đuy-sen, một Đoàn viên Thanh niên Cộng sản, với trái tim yêu thương mênh mông, với nhiệt tình say mê đã đem ánh sáng Cách mạng tháng Mười Nga đến với tuổi thơ miền núi hẻo lánh xa xôi, ánh sáng của tình thương và tri thức đến những phận đời bất hạnh.
Hình ảnh người thầy hiện lên giản dị nhưng thật đáng kính! Khi đến vùng núi quê hương của cô bé An-tư-nai, thầy Đuy-sen còn trẻ lắm. Một thầy giáo trẻ nhưng chẳng ngại việc nặng nhọc, một thầy giáo trẻ nhưng không ngại lấm lem, một mình lao động hàng tháng trời, phạt cỏ, trát lại vách, sửa cánh cửa, quét dọn cái sân…, biến cái chuồng ngựa của phú nông hoang phế đã lâu ngày thành một cái trường khiêm tốn nằm bên hẻm núi, cạnh con đường vào cái làng nhỏ của người Kir-ghi-di, vùng Trung Á nghèo nàn lạc hậu.
Đuy-sen là người thầy đầu tiên, người thầy khai tâm khai sáng cho An-tư- nai, người đã đốt cháy lên trong lòng các em ngọn lửa nhiệt tình khát vọng và khát vọng đi học. An-tư-nai – cô học trò bé nhỏ đáng thương- mồ côi mẹ, ở với chú thím, cô phải làm quần quật suốt ngày mà vẫn phải chịu đòn roi. Thế nhưng, trong những giây phút đau khổ nhất, An- tư- nai cũng “không khóc vì những đòn thím đánh” vì em đã quen rồi, em chỉ khóc vì “hiểu rằng thím tôi không đời nào chịu cho tôi đi học”. Qua đó ta càng thấy rõ: bị thất học là nỗi đau khổ, bất hạnh lớn nhất của tuổi thơ!
Bằng tình thương và lòng nhiệt thành của thầy Đuy- sen, An-tư-nai như được truyền thêm sức mạnh để vượt qua thử thách, để đến với mái trường tuổi thơ cùng các bạn. Con đường đến với mái trường, con đường đi học của An-tư-nai cũng là con đường đi tới ánh sáng cách mạng và hạnh phúc.
Bằng hồi ức, Ai-ma-tốp đã viết nên một truyện ngắn đầy chân thực, cảm động. Hình ảnh Đuy-sen – người thầy đầu tiên và hình ảnh An-tư-nai- cô bé mồ côi khát khao đi học được tác giả nói đến với tất cả sự trân trọng, ngợi ca, với niềm thương mến bao la. Ngọn lửa tình thương như toả sáng trang văn Ai-ma-tốp, mãi mãi làm ấm áp lòng người. Thầy Đuy-sen, có lẽ đã trở thành bông hồng mà An- tư- nai dành suốt đời nâng niu, kính trọng, trở thành nguồn động lực giúp cô không ngừng tiếp thu tri thức và tiến về phía trước, dẫu cuộc sống gặp nhiều bất công, và thầy Đuy- sen cũng trở thành hình mẫu cho những người dạy học hiểu rằng, sứ mệnh quan trọng nhất của một người thầy là truyền cho học trò tình yêu đối với con chữ, với tri thức!
Thông tin lớp cấp tốc THPTQG: https://forms.gle/8tN3K5cAAiGY6CXu9
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)