
CHỨC NĂNG NHẬN THỨC CỦA VĂN HỌC








CHỨC NĂNG NHẬN THỨC CỦA VĂN HỌC


Nói về chức năng văn học thi sĩ Thạch Lam từng nhận định “Đối với tôi, văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Vậy đấy, văn học không những là một hình thức giải trí mà còn có những tác động mạnh mẽ lên con người ở nhiều khía cạnh của cuộc sống. Văn chương là hiện tượng đa chức năng nhưng chủ yếu có ba chức năng quan trọng nhất: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mĩ. Nhưng trước hết giá trị đầu tiên và vô cùng quan trọng mà văn chương nghệ thuật đem đến đó chính là khơi gợi lên trong con người ta những nhận thức đúng đắn để tránh lạc lối về cuộc đời và về chính con người. Văn học cung cấp cho con người những tri thức bách khoa về đời sống và văn học chỉ có ý nghĩa khi bắt nguồn từ hiện thực. Chính vì vậy nên cuộc sống luôn là nơi xuất phát và cũng là cái đích cuối cùng của văn chương nghệ thuật:
“Tôi đóng cửa phòng văn hì hục viết
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày.”
(Chế Lan Viên)
Cũng vì bắt nguồn từ thực tại đời sống nên Phillipe Jacollete đã từng nhận định “Tôi đã già đi từ đầu đến cuối bài thơ”. Chỉ một bài thơ nhưng cũng đủ khiến cho người ta cảm tưởng rằng mình đã sống qua một đời dài. Văn chương là thế, nó khơi nguồn, khai thác những chất liệu từ thực tại để đưa lại vào trang thơ, trăng văn. Để rồi nó khiến cho con người ta như được sống, “như già đi”, để rồi có hiểu biết, nhận thức đúng đắn về thế giới xung quanh. Nhưng khi sáng tác tác văn học, người nghệ sĩ không nên chỉ tiếp cận đời sống bằng cái nhìn từ xa- một cái nhìn phiến diện mà một người nghệ sĩ chân chính phải là một người thợ lặn lành nghề. Họ phải biết lặn sâu vào đáy của sự sống để thấy được góc tối gai góc của đời thường và những chiều kích khác nhau. Văn học không phản ánh xuôi chiều theo những chân lý có sẵn để ta buộc phải đặt câu hỏi, băn khoăn, trăn trở về việc tìm ra sự thật.
Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đặt ra nỗi trăn trở cho nhân vật anh Phùng – nhiếp ảnh gia cũng như nghệ sĩ nói chung là liệu rằng nghệ thuật phải chăng đã đạt đến độ toàn thiện của nó khi không gắn bó với hiện thực đời sống ngoài kia. Không những cung cấp những tri thức bách khoa về đời sống văn học còn biến những nhận thức đúng đắn mà nó mang lại thành tự nhận thức. Văn học giúp ta sống thêm nhiều cuộc đời, đồng thời đề cập đến những gì ta chưa biết để tạo ra khả năng thấu thị cuộc sống, tự nhận thức về mình và cuộc đời.
Thật đúng như C.S.Lewis đã nói “Khi đọc những kiệt tác văn học, tôi trở thành hàng ngàn con người khác nhau nhưng vẫn đồng thời vẫn là chính tôi”.
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)