
CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG TRANG VĂN








CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG TRANG VĂN


Nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Văn học bao giờ cũng đi liền với hiện thực, thoát thai từ hiện thực. Chính những trải nghiệm, vốn sống phong phú của người cầm bút đã làm cho những tác phẩm thêm sâu sắc, chân thật và thấm thía. Đôi khi, những người cầm bút còn mượn tác phẩm để giãi bày lòng mình, để kể lại câu chuyện đời mình. Đọc văn ta như thấy cả cuộc đời văn sĩ.
Kim Lân – một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại
. Phải nói rằng, Kim Lân thuộc vào số ít nhà văn có thể minh chứng cho chân lí “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” trong nghệ thuật. Nhà văn luôn quan niệm: “Viết văn, trước tiên tôi viết cho mình, cho những mơ ước, gửi gắm của chính mình. Sau nữa, đó là những lời bộc bạch, tâm sự với bạn đọc những điều đang nhức nhối, đang thôi thúc” Chính cuộc đời đã ảnh hưởng rất nhiều đến những trang văn của ông, và những tác phẩm của Kim Lân sinh ra là để phục vụ một mục đích cao cả: đòi cho mình một nhân phẩm, một chỗ đứng trong cuộc sống nhỏ bé quẩn quanh của quê hương.
“Sinh thời thầy tôi thường mang nhiều mặc cảm”. Đó là lời tự sự về cha mình của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền – con gái của Kim Lân.
Nhà văn mặc cảm trước hết là thân phận đứa con của người vợ lẽ, sau lại vì cái danh “dân ngụ cư”. Ở thời đại ngày ấy, dân ngụ cư là một một thân phận thấp kém, thường bị coi khinh trong xã hội cộng đồng. Chính nỗi mặc cảm đã thôi thúc Kim Lân cầm bút viết. Đối với ông, viết như là một cách để chứng tỏ mình không thua gì anh em, thua gì bất kì ai. Và cũng vì lẽ đó, những trang văn của Kim Lân thấm đẫm chất hiện thực về nông thôn, về người nông dân. Đọc tác phẩm của Kim Lân, ta như thấy chính cuộc đời nhà văn trong đó.
Khi tìm hiểu những thiên tự truyện “Đứa con của người vợ lẽ”, “Đứa con người cô đầu”,.. ta dễ dàng tưởng tượng ra những khó khăn mà Kim Lân đã phải trải qua, một tuổi thơ đầy mặc cảm và tủi hờn.
Văn Kim Lân chân thật vô cùng, chính nhà văn cũng tự nhận thấy, sự “chân” trong những sáng tác của mình nhạt nhẽo và khô cứng, nhưng không vì thế mà nó mất đi giá trị. Đến với truyện ngắn “Vợ nhặt”, ta có thể khó lòng tin sự nghiệt ngã của nạn đói thảm khốc nhất của một dân tộc vốn đã lắm truân chuyên. Nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu tựa như một trận đại hồng thủy, đã cướp đi của nước Việt Nam ngót một phần mười dân số, người sống thì “nằm ngổn ngang khắp lều chợ”, “xanh xám như những bóng ma” và người chết thì “nằm còng queo bên đường”. Bữa cơm ngày đói thảm hại, thiếu thốn tới mức dân ta còn phải ăn cả cháo cám (hay còn gọi với một cái tên mĩ miều hơn là “chè khoán”). Tất cả những chi tiết kể trên không bao giờ là sự bịa đặt, mà là chính những điều nhà văn đã từng trải qua. Kim Lân không hề cảm thấy sự cách biệt giữa mình với những người dân chất phác, nghèo khổ mà ông thường thể hiện, bởi thời đó, nhà văn cũng đã từng cùng vợ từ nhà quê ra Hà Nội bán cám, đẩy xe bò, “ăn cháo cám thì tôi với nhà tôi cũng đã từng”.
Dẫu cuộc đời có nhiều chông gai trắc trở, nhưng ngọn lửa lòng của Kim Lân chưa bao giờ tắt. Ông vẫn miệt mài viết, miệt mài sáng tác. Và khi kể ra những gương mặt làm nên bản sắc văn xuôi Việt Nam mấy chục năm trở lại đây, không thể nào vắng mặt Kim Lân – “một nhà văn một lòng đi về với đất, với trời, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn” (Nguyên Hồng).
Link lớp ôn thi HSG THCS: https://forms.gle/MMC8JdtQU3dBwDGeA
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)