
ĐẤT NƯỚC LÀ GÌ? CÁC CÁCH HIỂU VỀ HAI TỪ “ĐẤT NƯỚC”








ĐẤT NƯỚC LÀ GÌ? CÁC CÁCH HIỂU VỀ HAI TỪ “ĐẤT NƯỚC”

Khi nhắc đến hai tiếng “Đất nước” người ta vẫn thường hay mường tượng trong đầu ra những hình ảnh của giang sơn, núi rừng, của nước non hùng vĩ. Thế nhưng khi đi tìm câu trả lời cho “Đất nước là gì?”, những người nghệ sĩ thông qua văn chương đã chỉ ra khái niệm của đất nước với những hình tượng rất đỗi bình dị và gần gũi với nhân dân. Đối với họ, đất nước không chỉ là hình ảnh mông lung về đồi núi trập trùng, về biển cả bao la hay ruộng lúa bát ngát. Mà đất nước còn là biểu tượng cho những con người bất khuất, cần cù, chịu khó.
Từ ngàn năm về trước, Đất Nước tự bao giờ đã được hòa lẫn vào thi ca nhạc họa, Lý Thường Kiệt đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Đại Việt bấy giờ qua bài thơ Nam Quốc Sơn Hà:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Bằng hành động dũng cảm, họ hát vang bài ca “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Những người lính quả cảm ấy đã lấy cả cuộc đời mình để chứng minh cho lời bài hát ấy. Nhắc đến những con người làm nên đất nước, ta không thể không nhớ đến người đã đề cao họ bằng tất cả sự kính trọng qua thi ca, nhà thơ của Cách mạng – Tố Hữu. Nếu như ta vẫn thường bắt gặp một hồn thơ pha lẫn giữa vẻ bi tráng mà hào hùng ở các tác phẩm của ông thì trong bài thơ Việt Bắc ta lại bắt gặp một hồn thơ đầy lạc quan và lòng tin vào Đảng và tương lai đất nước:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.”
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tìm cho mình một cách tiếp nhận đầy mới mẻ khi tiếp cận với hình ảnh có vẻ rất trừu tượng và bao la. Qua tác phẩm “Đất Nước” , từ những câu thơ đầu đã cho thấy được sự lý giải của tác giả về cội nguồn của đất nước qua ẩn ý “Đất nước có tự bao giờ?”:
“Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi
Đất Nước có trong cái thời “ngày xửa ngày xưa…”
mẹ thường hay kể”
Khi ta được sinh ra, được lớn lên và hơn hết là trước khi loài người xuất hiện, đất nước đã tồn tại, để khi anh và em ngồi lại bên nhau mà tâm tình trò chuyện, đất nước đã sừng sững ở đây lắng nghe câu chuyện của chúng mình. Không chỉ thế, đất nước còn là nơi chất chứa hình ảnh về nàng tấm hiền hậu, về chàng Thạch Sanh chân chất thật thà, và cả thiên tình sử của ngưu lang và chức nữ. Đất nước đã được hình thành từ trong những câu chuyện hoài cổ của bà, của mẹ.
Về phương diện của không gian, đất nước chính là không gian sống của mỗi con người, là cái nôi của vạn vật. Khi cắt nghĩa hai chữ “Đất” và “Nước”, chúng ta có được ba câu thơ:
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.”
Dưới ngòi bút tài hoa của mình, người nghệ sĩ ấy đã biến Đất nước trở nên gần gũi hơn. Đất Nước đã hòa hợp khi anh và em kết lại thành “ta”. Nổi bật lên trong đoạn thơ là hình ảnh chiếc khăn em đánh rơi, đã gợi lên trong suy nghĩ của độc giả về bao liên tưởng đặc sắc. Bởi chiếc khăn từ lâu đã được xem là biểu tượng của tình thương và nỗi nhớ. Trong tác phẩm Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long, chiếc khăn tay một lần nữa được gợi mở với tấm lòng đơn phương của cô kỹ sư trẻ. Tình yêu của em và anh bây giờ cũng đã hòa vào Đất Nước, khiến cho khái niệm xa xôi, trừu tượng ấy trở nên thơ mộng hơn. Như Quang Dũng đã viết hộ cho tâm tình của những người lính biển:
“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người
Anh đứng gác trời khuya đảo vắng”
Khi nói đến hai chữ thiêng liêng ấy, ta không chỉ hình dung đến mỗi “rừng vàng” hay “biển bạc”, mà thứ quan trọng để tạo nên đất nước chính là con người. Nói cách khác, điều cần quan tâm ở đây là nhân cách và thái độ sống của mỗi người. Thanh Hải là một ví dụ điển hình cho sống đẹp. Cho đến khi trút đi hơi thở cuối cùng của mình, người nghệ sĩ ấy vẫn muốn dâng mùa xuân của mình cho mùa xuân của đất nước:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Thanh Hải đã làm cụ thể hóa hình ảnh “nho nhỏ” để thể hiện một tâm hồn bình dị, lặng lẽ cống hiến. Trong lời tự tình của tác giả làm chúng ta liên tưởng đến những con người trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long hay người chiến sĩ của Lê Anh Xuân trong Dáng đứng Việt Nam:
Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
Trở về với thời bình hiện tại, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, nhưng công cuộc giữ nước vẫn chưa dừng lại ở đó. Thế hệ đi trước đã gửi gắm tương lai của Tổ quốc cho chúng ta, để tiếp nối truyền thống “tre già măng mọc”, bản thân mỗi người trẻ cũng cần có những sáng kiến mới mẻ để phát triển đất nước. Chủ tịch nước Hồ Chí Minh luôn mong mỏi, luôn kỳ vọng và gửi gắm niềm tin đến thế hệ trẻ mai sau: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Có thể nói cụm từ “Đất Nước” đã được vun đắp không chỉ gói gọn trong giá trị của tự nhiên, của rừng núi non sông mà còn được tạo nên bởi giá trị của con người.
Thông tin lớp Chuyên LLVH – NLXH: https://forms.gle/ui1UJQ3FgspTc6cX8
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)