
GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG TRONG VÒM RỪNG – CUỐN TIỂU THUYẾT XUẤT SẮC ĐẠT GIẢI PULITZER 2019








GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG TRONG VÒM RỪNG – CUỐN TIỂU THUYẾT XUẤT SẮC ĐẠT GIẢI PULITZER 2019


Tác phẩm xuất sắc đoạt giải Pulitzer năm 2019
GIÁ TRỊ NỘI DUNG:
Tầm quan trọng vĩnh cửu của cây cối:
“Sự tôn sùng cây sồi trong miếu thờ của Dodona, những khu rừng nhỏ của các tu sĩ Celts cổ đại ở Britain và Gaul, tục sùng bái hoa sakaki trong Thần đạo Nhật Bản, những cây ước nguyện treo đầy trang sức của Ấn Độ, cây bông gòn của người Maya, cây sung dâu của người Ai Cập, cây ngân quả thiêng của người Trung Hoa – tất cả những cành cây của tôn giáo đầu tiên trên thế giới.”
Từ xa xưa, các nền văn hoá sơ khai đã tiếp nhận cây cối như những biểu tượng quyền lực trong tôn giáo và thần thoại của họ. Tuy nhiên, khi thế giới càng phát triển, con người càng đánh mất kết nối và sự tôn kính với thiên nhiên. Chúng ta ngang nhiên phá huỷ các hệ sinh thái, đốn ngã cây cối bừa bãi và thay thế rừng già, những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi bằng các trang trại trồng cây ngắn ngày.
Chúng ta quên mất rằng cây cối đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với Trái đất này. Mình thật sự rất ấn tượng những đoạn miêu tả cách cây cối giao tiếp, bảo vệ lẫn nhau hay vẻ đẹp của những cây chết. Thực tế là có cả một hệ sinh thái sống và phát triển ở bên cạnh và ngay trên cây. Trong suốt cuộc đời của cây và ngay cả khi cây đã mục nát, cây vẫn hỗ trợ cuộc sống xung quanh mình. Một cuốn sách đã thay đổi cách nhìn hoàn toàn của mình về cây cối.
Trong một bài phỏng vấn, tác giả Richard Powers nói rằng ông đã đọc hơn 120 cuốn sách về cây cối và mất hơn 5 năm để viết cuốn sách này. Mình có thể thấy rõ việc tác giả thực sự hiểu về cây nhiều đến thế nào chỉ bằng những chi tiết nhỏ mà rất tinh tế như khi Mimi ngồi dưới gốc cây thông và lắng nghe những lời thì thầm của cây. Tại sao là cây thông, phải nói là mùi hương cây thông là một trong những mùi dễ chịu, ấm áp và mang lại cảm giác chữa lành nhất thế gian này.
Mối gắn kết từ ngàn xưa giữa con người và cây cối:
Hơn 2/3 nội dung cuốn sách, các nhân vật nhắc đi nhắc lại rất nhiều câu nói này: “Những sản phẩm kỳ diệu nhất của bốn tỉ năm sự sống cần giúp đỡ”. Nhưng đến cuối cùng, ở khoảng 20 trang cuối, họ lại tự nói với bản thân: “Không phải chúng; mà là chúng ta. Giúp đỡ từ mọi ngóc ngách.”
Chúng ta luôn tự coi mình là bá chủ thế giới, nhưng đến cuối cùng mới nhận ra, mình chỉ là một mảnh ghép nhỏ của vũ trụ này. Đây là cuốn sách viết về con người để nói về cuộc sống của cây, nhưng cũng chính là viết về cây để phản ánh lại câu chuyện của cả đời người. Chúng ta bảo vệ cây nhưng sự thật là bảo vệ tương lai của chính chúng ta. Tất cả những gì chúng ta lấy từ cây cối, từ những khu rừng, từ Mẹ Thiên Nhiên đều là những khoản vay mượn đang gần đến kỳ hạn để trả lại.
Và sự thật chúng ta cũng không khác cây cối là bao, nói thẳng ra, chúng ta còn nhỏ bé hơn cây cối nhiều. Cái cách con người giao tiếp, xung đột, hoà hợp cũng giống như cách cây cối sinh sống trong rừng. Và cuộc sống của con người chỉ là phần dưới của tiểu thuyết – lớp động vật sống dưới tán chính của khu vườn.
Có thể thấy ở phần Gốc rễ, tác giả viết rất chi tiết về từng con người, nhưng không mục đích đề cao con người, mà là nhấn mạnh con người đều có những phẩm chất giống cây cối. Như Richard Powers luôn nói nhân vật chính của cuốn sách này là cây cối, không phải là con người.
Sự kiện có thật:
Ở cuốn sách này, tác giả đã gài gắm rất nhiều sự kiện có thật liên quan phong trào bảo vệ rừng trên khắp thế giới.
Trong đó có phong trào Chipko hay Chipko Andolan, là một phong trào bảo tồn rừng vào những năm 1970 ở vùng Himalaya ở Ấn Độ. Ở thời kỳ này, những khu rừng hiểm trở dưới chân của dãy núi cao nhất thế giới, Himalayas, bị các công ty khai thác gỗ nhanh chóng làm cạn kiệt đến mức nguy hiểm, gây nên những trận lở đất và lũ lụt tàn phá.
Người dân địa phương đã biểu tình rầm rộ, phá huỷ các thiết bị, và đuổi các công ty đi. Nhưng đáng kể nhất, những người phụ nữ tham gia cuộc đấu tranh chống lại các công ty khai thác gỗ đã áp dụng các nguyên tắc satyagraha (bất bạo động) của Gandhian bằng cách vòng tay quanh những cái cây dự kiến bị chặt, không chịu nhúc nhích, thay phiên nhau thách thức chính quyền. Thủ tướng Indira Gandhi cuối cùng đã phải thông qua luật đảm bảo khai thác gỗ bền vững trong khu vực.
Sự chiến thắng của phong trào Chipko đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trên khắp thế giới và tạo ra một tiền lệ cho việc bắt đầu phản đối bất bạo động.
Hay là câu chuyện của Nicholas Hoel, tác giả cũng đề cập đến trận dịch đã tàn phá cây dẻ Mỹ. Đến năm 1940, bệnh nấm này thật sự đã khiến hầu hết các cây dẻ Mỹ trưởng thành bị xóa sổ. (Để bài viết không quá dài, mình xin không viết chi tiết hơn, nhưng các bạn có thể tìm đọc thêm.)
GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG:
Nghệ thuật ẩn dụ:
Là một tiểu thuyết hiện đại, nhưng Vòm rừng đã lồng ghép đã rất nhiều yếu tố sử thi như thần thoại Bắc u, thần thoại Ấn Độ, thần thoại Lã Mã, thần thoại Hy Lạp,… và các truyền thuyết trong Kinh Thánh, Phật Giáo hay các điển cố Trung Hoa…
Mình xin phép chỉ liệt kê một vài điểm như sau:
– 9 nhân vật chính trong sách tượng trưng cho 9 thế giới thuộc cây Yggdrasil khổng lồ hay còn gọi là “cây vũ trụ” trong thần thoại Bắc u
– “Danh tiếng xuất bản của cô, giống như con gái của Demeter, bò trở lại từ địa ngục.” – Trong thần thoại Hy Lạp, Persephone là con gái của nữ thần nông nghiệp Demeter và là vợ của thần Hades. 1/3 (hoặc 1/2) của một năm Persephone sẽ ở âm phủ. Khi Persephone trở về hạ giới, sự vui mừng khiến mẹ nàng tạo ra mùa xuân.
– Vị thần áo xanh Vishnu trong game của Neelays là đấng bảo hộ của vạn vật, là một trong ba vị thần tối cao trong thần thoại Ấn Độ.
– Khi Mimi Ma bị đuổi khỏi công ty do tham gia biểu tình, người đàn ông “giúp” cô đóng gói đồ đạc được so sánh như những vị thần hộ giá canh giữ trước cổng Eden sau khi Adam và Eva bị đuổi khỏi thiên đường mãi mãi.
– Cuốn Metamorphosis của Ovid (cuốn sách người cha đã tặng cho Patricia năm cô 14 tuổi) là bài thơ ghi lại lịch sử thế giới và là câu chuyện quan trọng nhất của người La Mã
…
Ngoài ra, trong 9 nhân vật thì có đến 3 nhân vật là dân nhập cư. Mình nghĩ đây là một ẩn ý của tác giả, trái đất này là của cây cối, chúng ta chỉ là người đến sau, dân nhập cư ở chốn này thôi.
Hình ảnh biểu tượng (ý này là quan điểm riêng):
Cái chết được nhắc đến rất nhiều trong cuốn sách này, cái chết của cả con người và cây cối.
Cái chết đầu tiên là cái chết của cây dẻ nhà Hoel. Hoels trồng sáu hạt dẻ nhưng chỉ duy nhất một hạt sống sót. Ngay từ đầu câu chuyện, chúng ta đã thấy rõ sự khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống.
Cha của Mimi Ma tự kết liễu đời mình khi ông cảm thấy đã đến lúc, đó là thời điểm cây dâu tằm ông trồng bị mục ruỗng.
Olivia chết vì điện giật, nhưng được hồi sinh. Sự sống sau cái chết của cô đã khiến cô nghe được tiếng nói từ các hiện thân.
Mimas – sinh vật to nhất, khỏe nhất, rộng rất, cổ nhất, thực nhất, tỉnh táo nhất, cái cây khổng lồ tượng trưng cho Cây Thế Giới bị đốn ngã dưới bàn tay của con người. Cái chết của Mimas đã dồn nén họ, như nén phiến nham thành đá ốp stale. Olivia, Nick, Douglas, Adam, Mimi từ bỏ biểu tình bất bạo động, để tham gia vào các hoạt động đốt phá. Để rồi, cuối cùng Olivia bị chết khi vụ nổ diễn ra không như họ mong muốn, những người còn lại trở thành những kẻ khủng bố sinh thái, bị truy nã khắp toàn quốc.
Cái chết cuối cùng và cũng là cái chết khiến mình trăn trở nhiều nhất cuốn sách này là khi Patricia uống tinh chất của cây độc để tử tự. Trước khi tử tự, bà đã kể câu chuyện về Tachigali versicolor hay còn gọi là cây tự tử. Một cái cây chết sẽ mở ra một lỗ trong tán rừng, và thân cây mục dần của nó làm giàu đất đai cho những cây non mới. Đó là sự hy sinh tối cao của mẹ cha.
Patricia đã luôn tự đặt cho mình câu hỏi: “Thứ tốt nhất duy nhất mà một người có thể làm cho tương lai của thế giới là gì?”
Phải chăng bà đã tìm thấy cho mình câu trả lời: “Chết cũng là sự sống”, “Chúng ta cần nhớ cách để chết”, “Đây là để không tự tử.”
Liệu mục đích thật sự của Patricia khi lựa chọn cái chết ở giữa chỗ đông người, ngay trong buổi diễn thuyết là gì? Hay bà muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng điều tốt nhất nên làm là lấy mạng sống của chính mình để mua thêm một chút thời gian cho giống loài cổ xưa nhất trên hành tinh này?
Một cuốn sách nhắc rất nhiều đến cái chết, nhưng cái chết ở đây không phải là kết thúc, cái chết là cơ hội để tái sinh và đổi mới.
#Nguồn_bài_viết: Chi Hoa
Link đăng ký lớp luyện đề thực chiến vào 10: https://forms.gle/Si9hFcRwxHN3JiBw9
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)