
HỌC VĂN TỪ PHONG CÁCH BÌNH LUẬN CỦA HOÀI THANH








HỌC VĂN TỪ PHONG CÁCH BÌNH LUẬN CỦA HOÀI THANH


📚 Từ trước đến nay, hình thái tồn tại của phê bình bao giờ cũng tương ứng với hình thái tồn tại của văn học. Tuy vậy ở Việt Nam, phải đến đầu thế kỉ XX, nền phê bình văn học hiện đại mới chính thức ra đời và trở thành lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù. Nổi bật lên trong đó, ta không thể không nhắc đến Hoài Thanh – một nhà văn hóa, cũng là nhà phê bình văn học Việt Nam lớn nhất thế kỷ XX.
📚 Nhận định về phong trào Thơ mới, Hoài Thanh cho rằng: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thực” (Một thời đại trong thi ca). Thơ mới đã mở ra một thời đại mới cho thi ca Việt Nam – thời đại của khát vọng và cái tôi trực chảy bất tận, thời đại phá tan những định luật nghiêm khắc để giải phóng cá tính, đưa con người trở về với bản ngã của riêng mình.
Sau đây, Rubik xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc, những phê bình quý giá của Hoài Thanh về một số nhà thơ trong phong trào Thơ mới để qua đó, phong cách bình luận của nhà phê bình tài hoa này có thể được bộc lộ và đến gần hơn với bạn đọc.
📝 Bình luận về Thế Lữ:
Với thể thơ tự do cùng cách dùng từ rất đỗi táo bạo, phá vỡ những quy tắc Đường luật bất di bất dịch, “Nhớ rừng” đã cho Hoài Thanh cảm giác “… ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”.
Trước khung cảnh cỏ cây mây nước đượm tình luyến ái của “Tiếng sáo thiên thai”, nhà phê bình chìm đắm trong những mộng mị vẩn vơ, để rồi thấy “thơ Thế Lữ như một luồng gió lạ xui người ta biết say sưa với cái sán lạn của cuộc đời thực tế, biết cười cùng hoa nở chim kêu, biết yêu và biết yêu tình yêu. Thế Lữ đã làm giáo sư dạy khoa tình ái cho cả một thời đại”.
📝 Bình luận về Xuân Diệu:
Xuân Diệu được Hoài Thanh nhận định là “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”. Với cái say đắm tình yêu, đất trời, cái giục giã, vội vàng trong từng nhịp thở con chữ, “thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.
“Sự sống muôn hình thức mà trong những hình thức nhỏ nhặt thường ẩn náu một nguồn sống dồi dào. Không cần phải là con hổ ngự trị trên rừng xanh, không cần phải là con chim đại bàng bay một lần chín vạn dặm mới là sống. Sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi”.
📝 Bình luận về Huy Cận:
Những vần thơ Huy Cận trong tập “Lửa thiêng” ngập trong một nỗi đau đáu, buồn khổ, một nỗi hoang hoải, lặng lẽ. Hoài Thanh viết: “Cái buồn Lửa Thiêng là cái buồn tỏa ra từ hồn một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh. Nguồn thơ đã sẵn trong lòng, đời thi nhân không cần có nhiều chuyện”.
“Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não … với một ít cát bụi tầm thường, thi nhân có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc”.
“Người nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ dừng ngựa trên non, buồn đêm mưa, buồn nhớ bạn … Người đã gọi dậy cái hồn buồn của Đông Á, người đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này. Huy Cận triền miên trong cảnh xưa, trò chuyện với người xưa, luôn luôn đi về trên con đường thời gian vô tận”.
📝 Bình luận về Nguyễn Bính:
Nguyễn Bính vốn được coi là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những nét đẹp truyền thống và sự giản dị trong từng hình tượng nghệ thuật. Hoài Thanh nhận định: “Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta”.
📝 Bình luận về Lưu Trọng Lư:
Chất phiêu lãng và thơ mộng là đặc trưng rất riêng của Lưu Trọng Lư, như nhà thơ nói, “đời đẻ ra mộng và mộng dệt nên đời”. Hoài Thanh cũng khẳng định điều đó khi bình thơ của ông: “Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày trên các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào”.
“Thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”.
(nguồn: Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân)
Link đăng ký lớp ĐGNL: https://forms.gle/ghW8knKdGG3Hwmz89
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)