LẮNG NGHE SỰ THINH LẶNG- ĐỀ THI HSGQG 2025

LẮNG NGHE SỰ THINH LẶNG- ĐỀ THI HSGQG 2025

Rubik BTV
26/12/2024

CÂU 1: “Trái Đất dường như là một thực thể sống: không phải như cách người xưa nhìn nàng – một Nữ thần đa cảm, có mục đích và tầm nhìn – mà là như một cái cây. Một cái cây vốn tồn tại thầm lặng, chẳng bao giờ dịch chuyển trừ phi đung đưa theo gió, nhưng vẫn luôn trò chuyện không ngừng với ánh nắng và đất đai. Cây sử dụng ánh nắng, nước, khoáng chất dinh dưỡng để lớn lên và thay đổi. Song, tất cả sự thay đổi đó lặng lẽ tới mức, với tôi, cây sồi già trong sân trông vẫn như khi tôi nhìn thấy nó thuở ấu thơ.” (James Lovelock)

Từ văn bản trên, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận về chủ đề: Lắng nghe sự thinh lặng.

BÀI LÀM

Đã từng có một đệ tử nhỏ hỏi người thầy của mình cách giữ tâm trí không đi lang thang, và cậu bé nhận được một yêu cầu: hãy chỉ ra tiếng vỗ của một bàn tay. Tiếng vỗ của một bàn tay? Là tiếng nhạc của các cô geishas? Là tiếng nước nhỏ giọt? Tiếng thở dài của gió? Tiếng kêu của một con chim cú hay tiếng ve kêu? Tất cả đều không phải! Tiếng vỗ một bàn tay ấy chẳng phải là một thứ âm thanh nào… “Tôi chẳng còn tìm được tiếng nào nữa… vì vậy tôi đạt được âm thanh im lặng”. Người ta thường chỉ nghe những xáo động xung quanh để rồi cho rằng phải có một âm thanh nào đó thì mới có thể lắng nghe được, nhưng, có lẽ đến một lúc nào đó, khi tâm hoàn toàn tĩnh lặng, khi không còn bị phân tâm bởi những ồn ã bên ngoài, ta sẽ đạt đến một kết nối khác: kết nối khi lắng nghe sự thinh lặng.

Điều gì sẽ thu hút sự chú ý của con người trong nhịp sống vội vã hiện đại? Có lẽ thường là sự xuất hiện của một thay đổi lớn lao. Là tuyến tàu metro khởi công vài chục năm đã đến lúc đi vào hoạt động, mở ra một diện mạo mới cho thành phố. Là sự mọc lên của tòa nhà cao ốc choáng ngợp ánh nhìn. Sự xuất hiện, lan rộng, vừa tiện lợi mà cũng đầy thách thức khi làm được những điều trước đây rất khó khăn để làm của trí tuệ nhân tạo. Người ta thấy, người ta ngỡ ngàng, và trầm trồ trước những sự biến đổi “phi thường”, để rồi có lẽ nhiều khi, ta bỏ qua sự biến đổi từng ngày của một cái cây! Có bao giờ ta để ý thấy sự biến đổi trong từng hạt diệp lục của lá khi đến độ chuyển mùa, lúc sắc đỏ, sắc vàng xâm lấn dần sắc xanh? Hay ta chỉ ngỡ ngàng nhận ra mùa thu đã về khi lá đã hoàn tất việc chuyển màu? Có bao giờ ta để ý mỗi một ngày qua cây sồi trong sân vẫn lớn lên, rồi già đi, chậm rãi? Hay ta chỉ bàng hoàng nhận ra cây sồi bé tí chỉ cao ngang người khi ta còn bé giờ đã cao lớn lắm, và bóng đã tỏa rộng lắm? Bởi vì, đứng yên chỉ là tương đối, vận động mới là tuyệt đối, nên những thứ tưởng chừng lặng lẽ và cố định như một cái cây ít gây được sự chú ý đáng kể nào. Vì những đổi thay trong thinh lặng không tạo ra âm thanh! Cũng tương tự như thế, dẫu vẫn biết rằng Trái Đất này luôn quay, một ngày theo chu kì từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, một năm tuần hoàn theo vòng xuân hạ thu đông rồi lại xuân, nhưng vòng quay tĩnh lặng ấy thật khó để cạnh tranh với nhịp sống nhộn nhịp thời hiện đại. Vì ngày nào cũng là một vòng lặp như thế, đến mức quen nhàm. Vì mặt trời không phát ra tiếng, vì mùa đến không đi kèm với tiếng reo. Có lẽ, sự so sánh Trái Đất này như một cái cây là lời nhắc nhở cho những con người đang điên cuồng trong nhịp sống vồn vã, rằng vẫn đang có những biến chuyển thầm lặng đến mức nếu không cố tĩnh mà tìm, cố tìm mà nghe thì thật khó để nắm bắt. Và rằng, những giá trị bền vững, những giá trị chân thực thường xuất phát từ sự thinh lặng ấy.

“Lắng nghe” là một từ rất hay. Phải biết lắng thì mới có thể nghe, và chỉ nghe được những giá trị đích thực khi thật sự lắng, như thiền sư Minh Niệm đã từng viết trong cuốn sách Hiểu về trái tim. Lắng nghe không phải là cứ dỏng tai lên thì sẽ nghe được, khi tâm hồn còn xao động, tâm trí còn phân tâm thì cái nghe được chỉ là những thứ cuộc đời cho ta nghe, là thứ thính giác nắm bắt được. Đó chưa hẳn là điều ta muốn nghe, cần nghe, chưa hẳn là điều nghe được từ bên trong. Vậy nên, muốn nghe thì phải lắng, mà trong lắng tai, lắng lòng, lắng hồn, ta sẽ nghe được sự “thinh lặng”. Đó là trạng thái hoàn toàn tĩnh tại, không có bất cứ tiếng động nào. Trước hết là sự thiếu vắng những âm thanh bên ngoài, sau nữa, đó là trạng thái tĩnh lặng như mặt nước hồ thu trong tâm hồn, khi những vọng niệm, định kiến, lo âu,… trong lòng dường như biến mất. Mệnh đề “lắng nghe sự thinh lặng” tưởng chừng mâu thuẫn nhau, vì muốn nghe được thì điều kiện cần là phải có âm thanh, trong khi niềm thinh lặng là sự biến mất của âm thanh. Thế nhưng trong sự mâu thuẫn, ta nhận ra một chân lý, rằng đối tượng của sự lắng nghe ở đây không phải là âm thanh, mà là sự tĩnh lặng, và giá trị thật sự của việc lắng nghe cũng là ở đó: nghe được những thứ vô thanh, những điều vô hình nhưng bền vững và quý giá.

“Cái cây của đất trời vốn tồn tại thầm lặng, chẳng bao giờ dịch chuyển trừ phi đung đưa theo gió nhưng vẫn luôn trò chuyện không ngừng với ánh nắng và đất đai.” Có lẽ, giao tiếp, kết nối với kẻ khác cũng như thế, không nhất thiết phải cất tiếng nói mới có thể giao tiếp, mà sự thinh lặng đôi khi giúp ta tạo được những mối liên kết bền chặt với tha nhân. Bởi có những điều thật tâm suy nghĩ và giấu kín trong lòng không dễ để nói ra, nên nếu chỉ tin vào lời nói trên môi, đôi khi ta sẽ chỉ nhìn thấy cái hiện tượng mà đã nghĩ là bản chất, và ta chưa thể thật sự thấu hiểu, đồng cảm với đối phương. Không chỉ vậy, con người là một thế giới đầy phức tạp, bí ẩn, những điều ta tỏ ra bên ngoài chưa chắc đã là điều ta thật sự muốn, nên nếu chưa lắng để mà nghe được những vô thanh trong tâm hồn người, ta vẫn chưa thể chạm đến họ. Vì:

“Em bảo anh: “Đi đi”!

Sao anh không đứng lại?

Em bảo anh: “Đừng đợi”!

Sao anh lại vội về!

Lời nói thoảng gió bay,

Đôi mắt huyền đẫm lệ.

Sao mà anh ngốc thế!

Không nhìn vào mắt em.”

(Silva Kaputikian)

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng đôi mắt không biết nói. Nếu chỉ nghe lời ngọt nhạt đôi môi mà không nhìn thẳng vào mắt nhau trong niềm thinh lặng và sự thấu hiểu, thật khó để có thể hiểu những cảm xúc phức tạp, đầy mâu thuẫn của con người. Và rằng, “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn” (Luis Sepulveda), cái khó đó nằm ở chỗ ta cần lắng lòng để mà nghe, đặt mình vào vị trí của đối phương, để đồng cảm, sẻ chia. Điều ấy không dễ, nhưng có lẽ vì không dễ nên nó mới đáng quý trong hành trình làm người và kết nối với người của chúng ta. Bởi cái gì đạt được dễ dàng quá, người ta thường ít trân trọng hơn. Bên cạnh đó, có một sự thật là đôi khi để kết nối với người khác, để động viên với những nỗi buồn hay chia sẻ cùng những niềm vui, con người chỉ cần im lặng ngồi cạnh nhau là đủ. Bởi khi đau buồn, thứ mà đối phương cần nhiều khi không phải là những lời khuyên răn khách sáo, giáo điều, rằng “bạn hãy…” thế này hay “bạn phải…” thế khác, cái người ấy cần là một ai đó có thể im lặng lắng nghe họ tâm sự mà không có bất kì định kiến nào. Vì càng nói nhiều người ta càng khó diễn tả cho đúng những gì mình nghĩ, có khi diễn đạt sai so với những thứ thật tâm trong lòng, nên im lặng nhìn vào mắt nhau, để chậm lại, có khi là cách để tạo nên những mối liên kết bền chặt. Biết bao nhiêu vụ việc thương tâm con giết cha, mẹ chỉ vì không thể chịu nổi khi nghe những lời than phiền hay trách mắng xảy ra là một hồi chuông đáng báo động cho việc thấu hiểu giữa người với người. Đành rằng những đứa trẻ đã chịu nhiều áp lực và định kiến ngoài xã hội, điều chúng cần nếu không phải là lời dịu dàng yêu thương thì cũng là sự thấu hiểu thầm lặng, để chúng có không gian “thả lỏng” sau những áp lực nghẹt thở bên ngoài. Thế nhưng có lẽ mỗi người sẽ có cách bộc lộ sự yêu thương khác nhau, có người dễ dàng nói tiếng yêu, nhưng cũng có người chẳng thể tỏ bày mà chỉ có thể thể hiện bằng hành động. Và rằng ai biết nhiều hơn những lời than thở hay quát mắng ấy là nỗi lo, niềm xót xa khi thấy con cái ngày càng xa cách, khi sợ con mình rớt lại khi cuộc sống đang bước đi quá nhanh, khi thấy xã hội đầy rẫy hiểm nguy và sự lừa lọc mà đứa con mình còn thơ ngây quá… Vì chẳng ai đủ lặng để nhìn vào mắt nhau mà thấu hiểu nhau, vì sự hiểu lầm và chán ghét cứ chồng chất, nên đôi khi gây ra những kết cục thật trái ngang. Sự thật là, đâu nhất thiết phải cất tiếng thì con người mới hiểu nhau, khi điện thoại hay mạng xã hội chưa ra đời, người ta tâm sự và kết nối với nhau bằng những lá thư – lá thư chỉ có những vệt đen trên giấy trắng, thế mà người ta vẫn giữ được sợi dây kết nối vô hình mà bền chặt ấy. Cũng không thể phủ nhận rằng, từ khi mạng xã hội ra đời, tưởng chừng sự kết nối giữa người với người không còn bất cứ rào cản nào, nhưng một mặt có những gia đình, những con người ngày càng xa cách, sự hiểu lầm, chia ly, đổ vỡ trong các mối quan hệ cũng tăng lên. Có nhiều nguyên nhân xảy ra, nhưng sự thiếu lắng nghe và thấu hiểu có lẽ chiếm phần lớn. Vậy nên, cất tiếng không phải là điều kiện duy nhất để con người nối kết với xã hội, mà đôi khi, sự thinh lặng đầy thấu hiểu mới là chìa khóa mở ra những cánh cửa đến tâm hồn tha nhân. 

“Cây sử dụng ánh nắng, nước, khoáng chất dinh dưỡng để lớn lên và thay đổi.”. Việc lắng nghe giúp người ta kết nối với cộng đồng, nhưng sẽ thật vô nghĩa nếu ta chỉ kết nối với kẻ khác mà mất kết nối với chính mình. Lắng nghe sự thinh lặng cũng là cách con người ta tìm về và liên kết với bản thân. Bởi lẽ, “Tồn tại có trước bản chất” như phát biểu của nhà triết học hiện sinh Jean – Paul Sartre, bởi lẽ không có thượng đế để gán cho con người một định nghĩa nào đó về bản thân họ, mỗi người đều phải tự mình kiến tạo nên bản thể của mình, nên nếu không lắng nghe mình, làm sao ta có thể hiểu được mình là ai. Càng ngày, người ta càng đặt ra nhiều quy chuẩn cho con người: rằng phải đạt đến mức này mới gọi là giỏi, phải xuất sắc như kia mới gọi là thành công. Nếu không thể tách mình ra khỏi những nhãn dán ấy, nếu không tĩnh lặng mà nghe tiếng nói từ trái tim mình – những điều thật tâm bản thân muốn làm, những điều mình thật sự lựa chọn thì ta sẽ dễ dàng sống như những con rối trên sân khấu đời, chỉ sống khi người khác “giật dây”! Tĩnh lặng cũng là lúc con người tập trung vào hơi thở. Hít thở là điều ta làm mỗi ngày, đến mức ta thường ít quan tâm đến vì nó đã trở thành một phần của sự sống, nhưng chỉ khi chậm lại để lắng nghe sự thinh lặng của hơi thở, ta mới có thể dứt ra khỏi những ồn ã bên ngoài mà quay về bên trong mình. Khi đã thật sự tĩnh lặng, ta sẽ từng bước trả lời được những câu hỏi lớn trong cuộc đời, rằng ta là ai, ta muốn trở thành người như thế nào, cuộc sống thế nào là ý nghĩa. Chỉ khi không nghe bất kì một tạp âm nào từ bên ngoài và tự mình tìm kiếm câu trả lời, con người mới có thể hiểu mình, và kiến tạo nên mình.

“Chiếc mặt nạ này: vàng, xanh, đỏ…thật đủ trò

Ta đeo mãi hoá quen lại tưởng mình mặt thật,

Ta đòi hỏi người cũng phải đeo – không thể khác,

Vì ta không tin có sự trung thực bền vững ở trên đời!”

(Tình yêu và mặt nạ, Phạm Ngọc Thái)

Để đối diện với đời, đôi khi ta phải đeo những chiếc “mặt nạ” – theo nghiên cứu về hành vi con người của Carl Jung. Điều này không hẳn sai, đó là cách ta linh hoạt ứng biến giữa dòng đời vạn biến. Thế nhưng cái sai ở đây là ta quên gương mặt thật của mình, và tưởng chiếc mặt nạ giả dối kia là bản thể của mình. Ta quên trung thực với bản thân, để rồi những điều thật tâm muốn làm lại bị bỏ qua khi nghe theo những định kiến từ bên ngoài. Điều đó tạo nên một xã hội “đồng phục” – nơi mọi người chỉ nghe theo những quy chuẩn, giới hạn, định nghĩa sẵn có mà đánh mất đi bản sắc riêng vốn có. Và nếu sống mà chỉ trở thành cái bóng, bản sao của ai đó thì sự sống liệu có ý nghĩa chăng? Sống như mình mong muốn, sống để làm những điều mình muốn, có lẽ đó là cách để con người tỏa sáng theo cách riêng của mình vậy. Tách mình ra khỏi những ồn ào xung quanh để quay về với sự thinh lặng trong tâm hồn cũng là cách để ta có được sự bình yên giữa dòng đời vội vã…

Có nhiều sự đổi thay quan trọng diễn ra trong sự thinh lặng mà nếu không lắng để nghe, ta dễ dàng bỏ qua nhiều giá trị đáng trân trọng. Dường như sự đổi thay của Trái Đất là một trong số đó! Con người sinh ra và phát triển nhanh chóng khi Trái Đất đã trải qua hàng trăm triệu năm hình thành, biến đổi và trở thành một môi trường sống ổn định để vạn vật sinh sôi. Từ đó, con người tiến hóa dần và đạt được những thành tựu rực rỡ khi tận dụng những nguồn lực sẵn có từ Trái Đất, đến mức nhiều khi người ta nghĩ “rừng vàng, biển bạc” sẽ tồn tại mãi cho con người mặc sức tiêu xài. Những thay đổi của môi trường lặng lẽ đến mức chỉ khi nó gây ra những tác động lớn đến cuộc sống con người, ta mới giật mình nhận ra và tìm cách sửa chữa. Những lỗ thủng của tầng ozon có lẽ không phải chỉ vừa xuất hiện, nhưng nó không thể tự mình phát ra tiếng kêu cứu, và khi kích thước cũng chưa đủ lớn để đe dọa con người, sự thay đổi đó dễ dàng bị phớt lờ. Con người vẫn xả khói liên tục từ các nhà máy, xe cộ, hóa chất độc hại vẫn được xả ra môi trường mỗi ngày, cho đến một ngày người ta nhận ra những lỗ thủng to hơn, và bức xạ mặt trời từ đó xuyên qua có thể để lại những hậu quả đáng gờm, con người mới lo lắng đề xuất những biện pháp hạn chế sự ô nhiễm. Covid 19 – đại dịch toàn cầu khiến con người phải ngưng lại nhiều hoạt động và yên tĩnh cách li – là một lần cho thấy khi tĩnh lặng lắng nghe, ta sẽ nhận ra những điều tích cực trong cả khi tình thế đang có nhiều điều tiêu cực: lỗ thủng tầng ozon hồi phục nhanh hơn dự kiến 15 năm, môi trường nhiều nơi bớt ô nhiễm hơn so với cùng kì năm trước, không khí bớt bụi mịn hơn,… Vậy là trong sự tĩnh lặng, mọi thứ vẫn đang thay đổi, và chỉ khi tĩnh lặng, ta mới nhận ra để rồi trân trọng từng điều nhỏ bé đó. Cũng tương tự như vậy, sự thinh lặng cho ta quý trọng thời gian. Thời gian là vàng, ai cũng biết điều đó! Nhưng để thật sự quý trọng thời gian thì chưa hẳn ai cũng làm được. Chỉ khi chậm lại một chút và dứt mình ra khỏi guồng quay vội vã của cuộc sống, người ta mới nhận ra thời gian một ngày, một năm trôi qua quá nhanh với quá nhiều sự đổi thay, và nếu không nắm bắt từng đổi thay nhỏ bé ấy thì những điều quý giá như kỉ niệm, tuổi trẻ,… cũng sẽ chóng qua chẳng bao giờ trở lại được. Biết trân trọng những điều nhỏ bé, ta mới thật sự sống trọn vẹn từng giây phút. “Cây sồi già trong sân trông vẫn như khi tôi nhìn thấy nó thuở ấu thơ”, nhưng nếu cứ nghĩ như thế mà bỏ qua những sự thay đổi lặng lẽ ấy mà không biết trân trọng, có lẽ ta sẽ không quan tâm ngày cây sồi ấy chết đi hay bị ai đó đốn hạ, và ta sẽ giật mình thảng thốt muốn níu lại nhưng không thể nếu một ngày nào đó nhận ra sự thiếu vắng của cây sồi. Vậy nên, để sống thật sự trọn vẹn, ta cần biết chậm lại mà lắng nghe mà trân trọng mọi thứ khi còn có thể. 

Dĩ nhiên, yên lặng không đồng nghĩa với vô tâm. Trong những mối quan hệ, im lặng nhìn nhau không có nghĩa là bỏ qua sự chia sẻ. Đối nhân xử thế, dứt mình ra khỏi vòng xoáy của cuộc sống không có nghĩa là vô cảm nhìn cái ác hoành hành mà khoanh tay. Đôi khi im lặng là đồng tình, là thỏa hiệp. Việc lắng nghe cũng không thể chỉ dừng lại ở hành động nghe. Điều cốt yếu sau đó là nghe để làm gì! Nếu nghe chỉ để nghe, để biết thì sự nghe vẫn chưa đạt đến giá trị thật sự của nó. Nghe cần, để sau đó là hành động, là sự thay đổi thái độ, để tạo ra một kết quả khác so với trước khi nghe. 

Lắng nghe tưởng chừng là khả năng bẩm sinh của con người, nhưng để thực hành cho trọn vẹn còn là một triết lý sống. Ta chỉ có thể lắng nghe khi nhận thức rằng điều duy nhất không bao giờ thay đổi là sự thay đổi, để rồi biết trân trọng, biết gìn giữ. Ta không gìn giữ để ngăn cản sự biến chuyển, ta gìn giữ để khi một điều gì đó biến mất, ta không hối tiếc mà thỏa lòng vì đã chứng kiến mọi khoảnh khắc trôi qua. Để tĩnh lặng, ta cũng cần chấp nhận những cái giá phải trả khi dứt mình ra khỏi những ồn ào của cuộc sống. Điều này không đơn giản, vì khi ta tách mình ra khỏi đám đông, ta sẽ bỏ qua nhiều thứ, sẽ nhận lại nhiều định kiến. Song, điều quan trọng là ta chỉ sống một lần trên đời, cứ mãi lắng tai nghe âm thanh từ người khác thì đến bao giờ ta mới thật sự sống cho mình, và vì mình?

Im lặng là một trí tuệ, biết lắng nghe sự thinh lặng là một cách sống. Một cách sống cho ta sự an yên, thảnh thơi và trọn vẹn trong từng giây phút.

KHOÁ HỌC LIÊN QUAN

Khoá Meeting: Lớp Apollo – Học sinh giỏi quốc gia

Lớp ôn vào Đội tuyển Quốc gia sẽ đồng hành với các bạn trong quá trình vận dụng tri thức đã có cũng như bồi đắp thêm kiến thức cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
2.250.000 
Ngày bắt đầu: 25/02/2024
Giờ học: 120 phút
Số Video: 24 buổi
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp Sirius – Ôn Đội tuyển Quốc gia

Lớp ôn vào Đội tuyển Quốc gia sẽ đồng hành với các bạn trong quá trình vận dụng tri thức đã có cũng như bồi đắp thêm kiến thức cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
2.500.000 
Ngày bắt đầu: 25/02/2024
Giờ học: 120 phút
Số Video: 24 buổi
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp Đọc hiểu và Nghị luận xã hội

Khóa học sẽ hướng dẫn các bạn cách làm các dạng bài đọc hiểu đa dạng ngữ liệu, cách viết đoạn nghị luận xã hội 200 chữ, bài nghị luận xã hội 600 chữ theo chuẩn chương trình mới.
1.400.000 
Ngày bắt đầu: 25/02/2024
Giờ học: 120 phút
Số Video: 24 buổi
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp học Văn 9 vào 10 [Giai đoạn 3: Nghị luận xã hội]

Khóa học sẽ cung cấp cho các bạn cách làm các dạng đề nghị luận xã hội, cách lập ý, diễn đạt, vận dụng dẫn chứng, tư duy phản biện cùng luyện tập nâng cao kỹ năng.
800.000 
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp Nghị luận xã hội Dành cho THPT

Khóa học sẽ cung cấp trọn bộ cách làm bài nghị luận xã hội bao gồm cách xác định vấn đề, lập luận có logic đến vận dụng dẫn chứng linh hoạt, thời sự, xây dựng giọng điệu riêng tạo ấn tượng.
1.000.000 
Ngày bắt đầu: 17/01/2024
Giờ học: 120 phút/ 1 buổi
Số Video: 16 buổi
Xem chi tiết

Tuyệt kỹ Chinh phục Đọc hiểu và NLXH

Tài liệu "Tuyệt kỹ chinh phục Đọc hiểu và Nghị luận xã hội" được trình bày rất chi tiết về những kiến thức cơ bản, các dạng và cách trả lời câu hỏi hợp lí, giúp các em có thể dễ dàng hình dung tư duy và biết xây dựng cho mình lối hành văn theo nguồn tư liệu đã cung cấp, từ đó có thể nâng cao kĩ năng và tự tin chinh phục đạt điểm tuyệt đối mọi dạng đề.
99.000 
Xem chi tiết

Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách đánh giá (0 đánh giá)