LỜI NÓI DỐI TRONG VĂN HỌC
LỜI NÓI DỐI TRONG VĂN HỌC
Văn học là lời nói dối đẹp đẽ nhất mà loài người tự tạo ra cho mình. Các lời nói dối trong văn học mang nhiều màu sắc khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong thế giới của nghệ thuật.
Có những lời nói dối thực đáng trách…
Có những lời nói dối thực đáng trách. Như nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu, đã từng có một lời hứa chắc nịch với người chiến sĩ nơi chiến trường:
“Tôi sẽ vẽ đồng chí một bức thật giống. Tôi sẽ trực tiếp mang theo ra. Đồng chí hãy viết cả thư nữa và ghi địa chỉ gia đình cho tôi. Tôi sẽ trực tiếp mang thư và “ảnh” đồng chí tới tận nhà”
Nhưng rồi, bức “Chân dung chiến sĩ giải phóng” ấy đã trở thành tác phẩm hội hoạ nổi tiếng được bày triển lãm, lên báo, lại chẳng được đến tay người cần nó – gia đình anh chiến sĩ – như đã hứa. Để rồi người mẹ nhớ con, nhầm tưởng người con đã hy sinh nơi chiến trường mà khóc đến mù loà…
Nhưng cũng có những lời nói dối, khiến người ta thấy xót xa…
Nhưng cũng có những lời nói dối, khiến người ta thấy xót xa thay vì trách móc.
Đó là câu nói đầy day dứt của ông Sáu trước khi trở lại chiến trường (trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng):
“Ba đi rồi ba về với con”
Và rồi sau đó là sự chia ly cuối cùng, một đi không trở lại của người cha ấy. Và rồi bé Thu, cũng vĩnh viễn không chờ được ngày ba trở về tận tay trao cây lược đã hứa cho mình…
Đó là lời nói dối mang hơi ấm của tình thương cao cả, mang theo gồng gánh của người bà – trên vị trí của một người mẹ và một người nơi hậu phương, chỉ mong người con ngoài chiến khu có thể yên lòng không vướng bận:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
(“Bếp lửa” – Bằng Việt)
Làng đã bị giặc đốt đến “cháy tàn cháy lụi”, nhà cũng chỉ còn lại “túp lều tranh”, nhưng hơn hết thì niềm tin, sự vững lòng vẫn là điểm sáng giữa những tối tăm. Lời nói dối lúc đó, âu cũng là ánh sáng.
Có những lời nói dối mang mục đích tốt, nhưng lại bị hiểu lầm và để lại hậu quả đầy nuối tiếc…
Đó là Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Khi Trương Sinh đi tòng quân, nàng ở nhà một mình chơi với con, trỏ bóng mình trên tường mà bảo là cha Đản.
Để rồi Trương Sinh giận nàng thất tiết, mối nghi oan thúc nàng đến con đường tự tận để chứng minh trinh bạch. Đến khi chàng tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ, thì “việc trót đã qua rồi”!
Có những lời nói dối đáng yêu vô cùng…
Văn học làm chúng ta nhói lòng như thế đấy. Nhưng cũng có khi, văn học làm chúng ta thấy xao xuyến, thấy lòng gợn sóng theo những cung bậc của tình yêu đôi lứa. Mang theo những lời nói dối:
“Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.
Yêu nhau cởi nhẫn cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi qua cầu đánh rơi.”
(Ca dao Việt Nam)
mối tình trở nên mang màu sắc của sự vụng trộm, giấu diếm nhưng vẫn hết mực chân thành…
Và những lời nói dối, nói ngược của người con gái trong tình yêu, cũng làm cho mối tình ấy càng thêm thách thức mà cũng đáng yêu vô cùng:
“Em bảo: Anh đi đi
Sao anh không đứng lại?
Em bảo: Anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay?”
(“Em bảo anh đi đi” – Kaputikian)
“Anh đi đi”, “Anh đừng đợi”, ấy chỉ là lời nói ra, còn điều mà em muốn thực sự đó là anh hãy đứng lại, anh đừng vội về ngay. Tại sao phải phức tạp như thế? Thực ra ấy sẽ là dễ hiểu, nếu ta nghe được ngữ điệu của những câu nói để tinh ý nhận ra…
Bạn còn biết những lời nói dối nào trong văn học nữa không?
Nghiên,
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (1 đánh giá)