MỞ BÀI TỪ TÁC GIẢ VĂN HỌC

MỞ BÀI TỪ TÁC GIẢ VĂN HỌC

RUBIK VĂN CHƯƠNG
12/03/2024

Nguyễn Du

Lần về với dấu cũ bia xưa, ta có thể bắt gặp Nguyễn Du – con người của “thế kỉ nhiều tà huy mưa bụi” (Chế Lan Viên) – mang tiếng nói đau thương phẫn uất cho thân phận con người trên suốt thời gian kim cổ. Xứng đáng với cái danh xưng đại thi hào dân tộc là một tấm lòng nhân đạo đã thấm nhuần nhân sinh sâu sắc mà “Độc Tiểu Thanh kí” là một minh chứng tiêu biểu.

Nguyễn Trãi

Xứng đáng với bảy chữ mà vua Lê Thánh Tông ban cho như một ân điển; “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”, Nguyễn Trãi thật có công lao lớn trong đời lẫn trong văn. Nếu văn thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi  là ngọn lửa hừng hực lòng yêu nước, khát vọng lật đổ quân thù thì thơ “Quốc âm” lại sâu lắng, nhẹ nhàng, đọng lại một tiếng lòng thi nhân mê đắm những thắng tích, trìu mến với cỏ cây, mà “Bảo kính cảnh giới 43” là một giai phẩm.

Nam Cao

Một nhà văn nọ, đã khiến những người từng giao thiệp với mình phải chung một nhận xét, rằng anh “lạnh lùng quá, kéo mép lên mới nở một nụ cười khó nhọc… thực ra mặt anh ta lạnh nhưng lòng anh ta sôi nổi”.  Nhà văn ấy không ai khác chính là Nam Cao. Cái giọng điệu tưởng như khách quan không can dự mà bên trong lại nổi sóng cồn cào ấy, là gương mặt Nam Cao, cũng là biểu hiện cho thấy đồ thị tình cảm của cây bút hiện thực này, cái mạch ngầm của nó vẫn luôn là hàm số đồng biến đi lên đến dương vô cùng! Dành tình thương cho “phường nước mắt” có nguy cơ ráo hoang cảnh, nhà văn có “Đời thừa”/”Chí Phèo”.

Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương – bà chúa Thơ Nôm – đã đem lại cho văn học Việt Nam hai lần độc đáo: một bản lĩnh mạnh mẽ của người phụ nữ dám “ví đây đổi phận làm trai đẹp”, hai là tiếng nói của tâm tư kín thẳm trần trụi nhất, chân thật nhất của “người đàn bà” hết sức nữ tính. Vậy nên, Xuân Hương mới dám trực tiếp “Tự tình”, viết nên những vần thơ phơi trải dãi bày nỗi niềm tự đáy lòng mình – những cảm xúc gần như không hề có ích cho sự nghiệp “tu thân tề gia” của người quân tử mà xã hội phong kiến đương thời quan trọng.

Thạch Lam

Mơ hồ mà ý nhị, tinh tế là những cảm nhận của Thạch Lam khi va chạm với cuộc sống này, để cảm giác về những cơn gió đầu mùa, để thức một mùi hương hoàng lan,… để đưa người con của Cẩm Giàng trở thành một cây bút lãng mạn đặc sắc. Nói đúng hơn, Thạch Lam là người đã xoá nhoà ranh giới của thể loại và phương pháp sáng tác, không còn phân biệt thơ – văn, lãng mạng – hiện thực. Và “Hai đứa trẻ” dù viết về những con người nhỏ bé nhưng Thạch Lam không muốn cho họ thấy những mảnh rách, mảnh vá trên áo họ.

Nguyễn Tuân

Tự nhận mình là người “sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”, Nguyễn Tuân sôi nổi dấn thân vào hành trình tìm kiếm cái đẹp, đem cái tài hoa, phóng túng của mình tham gia vào dòng thơ văn “ngất ngưởng” với Nguyễn Công Trứ, Tứ Xương, Tản Đà,… Với “Chữ người tử tù”/ “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân xứng đáng là một bức tranh tuyệt tác trong văn học Việt Nam mà nếu tháo xuống thì vĩnh viễn để lại một khoảng trống không thể thay thế.

Xuân Diệu

Nhà thơ nữ lừng danh Bragriama ở Bungari khi tuyển thơ tình trên thế giới đã tâm sự: “Tôi mở đầu tuyển tập hàng trăm tác giả này bằng nhà thơ Nga Puskin và kết thúc bằng nhà thơ Xuân Diệu – Việt Nam. Xuân Diệu là nhà thơ tình lớn của phương Đông vậy”. Không chỉ là tình yêu đôi lứa mà cái nhìn luyến ái, tình tự đã tắm đẫm vào mỗi một sự vật chàng thi sĩ này trông thấy, hóa thành lời thơ khát khao giao cảm đến nồng si, vồ vập, đến “Vội vàng” – áng thi ca lạ lùng mà trần thế của văn học hiện đại Việt Nam.

Hàn Mặc Tử

Tự nhận mình là “người khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”, Hàn Mặc Tử thăng hoa trong tiếng đau thương quay quắt đầy ám ảnh. Cảm tưởng như thân xác chàng đã quằn quại, héo úa, đôi gò mà hõm lại và hốc mắt sâu hoắm, nhưng trong đáy mắt vẫn long lanh một niềm yêu vẫn sắc nét một khát khao đau đáu hướng về cuộc đời nơi thế giới ngoài kia, nơi có thôn Vĩ tinh khôi, trong trẻo “Đây thôn Vĩ Dạ” tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Hàn Mặc Tử, cũng là thi phẩm khắc trạm tên Hàn vào niên biểu thơ mới.

Kim Lân

Kim Lân – con người hóm hỉnh, đôn hậu từ trong đời đến trong văn – xứng đáng là nhà văn của nông thôn và người nông dân với cái chất lạc quan đã thấm từ bao đời: “Chớ than thận phận khó ai ơi /Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” (ca dao). Hòa chung không khí của sự vận động tích cực trong cuộc sống của con người thời văn học cách mạng, “Vợ nhặt” của Kim Lân vẫn mang màu sắc rất riêng của cây bút viết có duyên ấy.

Vũ Trọng Phụng

Có những áng văn chương khiến lòng người tươi mát, tâm hồn thanh thản, nhưng có áng văn chương “làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh” (Lưu Trọng Lư). Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là một áng văn như thế vạch trần những ăn chơi trụy lạc, đểu cáng và bịp bợm, sự trâng tráo của đồng tiền, dâm ô, bát nháo…mà “Số đỏ” đã họa lại cái bức tranh bi hài của một gia đình giàu sang lắm tiền nhiều của nhưng nghèo rơi nghèo rớt thư tình người đơn giản.

Xuân Quỳnh

Người ta bảo cảm xúc thơ phải trân thành tuyệt đối mới lay động lòng người. Nhưng có lẽ chăng trong thơ ca hiện đại Việt Nam, chưa bao giờ có một vần thơ thành thực, thành thực và thành thực như Xuân Quỳnh. Có lẽ chưa bao giờ người ta thấy thế giới tâm tư tình cảm của một người phụ nữ lại được phơi trải trực tiếp, táo bạo mà không mất đi vẻ duyên dáng, nữ tính như bài thơ “Sóng” – bông hoa lạ giữa vườn thơ chống Mĩ.

Nguyễn Minh Châu

Trong “Cuộc trở dạ quằn quại của đất nước” (Nguyễn Ngọc), Nguyễn Minh Châu là người đi tiên phong “khai hoang vỡ đất”, xông xáo đem cái ý thức đổi mới nghệ thuật của mình vào tuyên ngôn lẫn tác phẩm văn học. Nhà văn của những nghịch lí ấy đã sẵn sàng “đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, chỉ ra cái sự, đa đoan và khó lường của cuộc sống mới – cuộc sống tưởng như hạnh phúc nhưng lại tồn tại những người đàn bà bị bạo hành đau đớn mà vẫn quyết không bỏ chồng trong “Chiếc thuyền ngoài xa”/ cuộc sống tưởng như trọn vẹn nhưng Nhĩ phải đi hết mọi nơi trên Trái Đất, đi hết cuộc đời mình mới thấy bãi bồi bên kia sông của quê mình thật đẹp nơi “Bến quê”.

Lưu Quang Vũ

Trong vô vàn những danh xưng ở đời, Lưu Quang Vũ được biết đến nhiều nhất với vai trò nhà soạn kịch tài ba. Nếu trong thơ, Lưu Quang Vũ hiện lên với tiếng nói trữ tình đằm thắm, mạch triết lí thâm trầm thì đến với loại hình sân khấu, chất triết luận được người nghệ sĩ làm cho sôi nổi hơn dưới tấm áo của những vấn đề thời đại nóng hổi, mà “Hồn Trương Ba da hàng thịt” – một vở kịch xuất sắc – đã làm được điều ấy.

KHOÁ HỌC LIÊN QUAN

Khoá Meeting: Lớp học Văn 9 vào 10 [Trọn bộ]

Khóa học sẽ cung cấp trọn bộ kiến thức từ văn bản trọng tâm, văn học sử, lý luận nâng cao đến kỹ năng làm bài như tư duy, diễn đạt, kết cấu bài văn, chiến lược trong phòng thi.
3.000.000 
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp Phương pháp phân tích tác phẩm

Khóa học sẽ hướng dẫn các bạn cách phân tích, khai thác, cảm nhận tác phẩm bất kì từ cổ điển đến hiện đại, từ trong nước đến quốc tế, từ phương Đông đến phương Tây dựa trên các tiêu chí đánh giá nội dung, nghệ thuật, văn học sử, đặc trưng thể loại, phong cách tác giả, đối sánh với các tác phẩm khác.
1.300.000 
Ngày bắt đầu: 25/02/2024
Giờ học: 120 phút
Số Video: 24 buổi
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp LLVH và NLXH [Trọn bộ]

Trọn bộ HSG nền tảng gồm các chuyên đề lý luận trọng tâm, cách lập ý bài Nghị luận xã hội, nâng cao tư duy, tạo điểm nhất trong diễn đạt, tư duy,...
2.300.000 
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp Văn 12 thi THPTQG [Giai đoạn 4: Đề minh hoạ]

Khóa học sẽ cùng các bạn tổng kết kiến thức theo từng chuyên đề thơ, văn xuôi, luyện đề minh họa bám sát đề thi thật và các mẹo làm bài, kỹ năng xử lý kiến thức trong phòng thi
800.000 
Xem chi tiết

Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách đánh giá (0 đánh giá)