
“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người” (Nam Cao)








“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người” (Nam Cao)


Đoạn 1:
Những giá trị trong tác phẩm văn chương có thể vượt lên mọi bờ cõi và giới hạn. Cuộc đời lớn lao và phức tạp nên con người nhỏ bé chẳng thể nào thấu hết cái vô thủy vô chung của đất trời và cũng chẳng thể thấu thị “tháp Bayon bốn mặt” trong đời sống (Chế Lan Viên). Chính vì thế văn chương sinh ra là để phá vỡ sự hữu hạn của đời người, đưa con người chu du khắp vũ trụ, trải nghiệm nhiều hơn nhiều kiếp đời, học hỏi nhiều hơn những giá trị nhân văn cao đẹp từ khắp mọi nẻo trên trái đất. Nhờ có văn chương, con người có thể “lịch lãm hết các danh lam thắng cảnh trong thiên hạ, tinh tường hết các việc hay dở của thế gian” (Phan Kế Bính). Nhờ có văn chương mà con người dẫu chẳng sống cùng thời, chẳng ở cùng nơi, nhưng lại có thể đồng cảm và thấu hiểu cho nhau. Nhờ có văn chương mà con người được chạm đến những chân giá trị đến từ túi khôn nhân loại. Nhờ có văn chương mà ta được gây nên những tình ta chưa có, được bồi đắp những tình cảm ta sẵn có, từ đó sống nhân văn hơn, sâu sắc hơn, Người hơn.
Puskin đã từng kí thác hồn mình vào những câu thơ cao cả vô cùng:
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
Ram-da-tốp từng viết: “Trước một trí tuệ vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”. Đọc câu thơ của Puskin, tôi phải quỳ gối thán phục bởi những giá trị nhân văn cao đẹp. Làm gì có câu thơ nào đẹp hơn, trong sáng hơn, cao thượng hơn những câu thơ ấy? Có lẽ ngòi bút của Puskin đã vượt lên bờ cõi của nước Nga xa xôi đến với toàn nhân loại, vượt lên giới hạn của sự ích kỉ trong tình yêu để có thể hy sinh, mong cầu cho người mình yêu được hạnh phúc. Điều đó đã khiến Tôi yêu em không chỉ dừng lại là một khúc hát về tình yêu mà còn là một bài ca về vẻ đẹp của hồn người, trở thành một tác phẩm chung cho toàn nhân loại.
Đoạn 2:
Thời gian trôi qua làm vạn vật cũng phải “khoác những chiếc áo mới” hợp thời hơn, nghệ thuật cũng không nằm ngoài quy luật đó. Văn chương từ cổ chí kim đến hiện đại mang những thi pháp mới, hoàn toàn không giống nhau. Văn chương Việt Nam đã đi qua bao thời kì, từ thời trung đại đến Thơ mới, đến văn học kháng chiến, văn học hiện đại,…. Mỗi thời đại, phong trào, văn chương đều tuân theo quy luật kế thừa và cách tân, giao lưu và tiếp biến, đó là những biểu hiện cơ bản nhất cho sự bứt phá rào cản, giới hạn để vươn đến cái mới, cái tốt đẹp hơn.
Vượt lên mọi giới hạn và bờ cõi là một điều hiển nhiên, cũng như một thách thức đối với văn chương và văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, sự vượt thoát ấy nhất thiết phải mang đến một giá trị gì, một ý nghĩa gì cho đời sống và cho văn chương nghệ thuật. Nguyễn Huy Thiệp đã từng nói: “Văn chương là một nghiệp, không phải một nghề” Đúng như vậy, mỗi nhà văn khi đến với cái nghiệp văn đều phải mang trong mình những tư chất của một người nghệ sĩ, nó bao hàm cả cái tâm lẫn cái tài. Tác phẩm phải vượt lên trên mọi bờ cõi, giới hạn trước hết là để khẳng định cái tài, cái tầm của nhà văn , để khẳng định cá tính sáng tạo của người cầm bút. Nhưng nếu chỉ vậy, thì âu việc viết văn chỉ để thỏa mãn cho cái tôi, cái thanh thế của người viết? Không phải thế, nhà văn sáng tạo nên tác phẩm vượt thoát khỏi mọi giới hạn để đưa tác phẩm của mình lên tầm nhân loại. Để phục vụ cho mục đích cuối cùng của văn chương: Cải tạo đời sống.
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)