
NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT TRONG VĂN CHƯƠNG








NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT TRONG VĂN CHƯƠNG


Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” (M. Gorki)
Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng gắn liền với một chất liệu cụ thể. Nếu hội hoạ dùng đường nét, màu sắc, bố cục để sáng tạo, điêu khắc dùng hình khối, vật liệu, âm nhạc dùng cao độ, nhịp điệu để thể hiện,… thì với văn học, ngôn ngữ chính là yếu tố tiên quyết làm nên sự khác biệt của văn học với các loại hình nghệ thuật khác.
Ngôn ngữ tinh luyện, chính xác
Xuất phát từ một trong những thuộc tính tất yếu của văn học: phản ánh hiện thực đời sống một cách chân thật, ngôn ngữ văn chương phải biểu hiện đúng điều mà nhà văn muốn nói, miêu tả đúng cái mà nhà văn cần tái hiện. Tính chất này yêu cầu sự chọn lựa và chắt lọc ngôn từ một cách tinh vi và cẩn trọng của người nghệ sĩ. Chẳng thế mà Giả Đảo thời Đường – người được mệnh danh là “thi nô” – đã phải thốt lên:
“Lưỡng cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu”
(Ba năm làm được hai câu
Ngâm lên một tiếng lệ châu hai hàng)
Có câu chuyện kể lại rằng, những năm tháng cuối đời, nhà thơ Nguyễn Bính làm việc ở Ty Văn hóa Nam Hà. Một đêm, ông trằn trọc không ngủ nổi chỉ vì một chữ còn khuyết trong câu thơ nọ: “Hạt mạ mầm mạ gieo xuống đất, bén rễ rồi trỗi dậy, nhỏm dậy, vươn dậy, nhú thẳng cái thân non bé xíu. Hiện tượng ấy gọi là gì nhỉ?”. Cứ thế, nhà thơ suy nghĩ lung lắm. Không biết bao lần ông vùng dậy hút thuốc lào, nhưng con chữ mà ông đang lần tìm kia thì vẫn cứ chơi trò ú tim.Chợt nhà thơ “à” lên một tiếng, như bừng tỉnh. Đây rồi: mạ đã ngồi. Con chữ sống động mà một lần ông được nghe từ miệng người nông dân đã “bật mầm” trong trí ông lúc này. Nguyễn Bính đặt bút viết:“Mộng một đêm qua mạ đã ngồi”. Nguyễn Bính tỏ ra rất tâm đắc với con chữ vừa tìm ra ấy.
Ngôn ngữ hàm súc, đa nghĩa
“Chữ đẻ ra chữ và ra nghĩa” (Bùi Hữu Sủng). Tính hàm súc có thể hiểu là khả năng văn học tái hiện đối tượng miêu tả một cách cô đọng mà đầy đủ, ít lời nhiều ý, ý tại ngôn ngoại. Điều này đòi hỏi nhà văn phải tinh lọc, thậm chí là sáng tạo ngôn ngữ, sao cho “đắt” nhất.
Có thể thấy, chỉ bằng một chữ “tót” (“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”), một chữ “lẻn” (“Rẽ tường đã thấy Sở Khanh lẻn vào”), một chữ “ngây” (“Lạ thay mặt sắt cũng ngây vì tình”) Nguyễn Du đã lột tả được bản chất vô học của tên giám sinh họ Mã, sự gian manh, lừa lọc của Sở Khanh, sự tầm thường và ti tiện của Hồ Tôn Hiến. Lời ngợi ca Nguyễn Du là “bậc thầy ngôn ngữ” của nền văn học Việt Nam quả không sai.
Ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm
Tính biểu cảm (gợi cảm) của ngôn ngữ văn học gắn liền với chức năng biểu hiện, thể hiện cảm xúc của văn học, biểu hiện rõ nhất khi tác giả muốn nhấn mạnh cảm xúc nội tâm. Văn học tác động tới cuộc sống bằng con đường tình cảm, qua sự tự thức tỉnh, vậy nên, là phương tiện cơ bản đưa dẫn văn chương trong hành trình tiếp nhận, ngôn ngữ không thể không mang trên mình khả năng gợi cảm sâu sắc.
Bổ sung thêm khả năng gợi hình: gợi liên tưởng tưởng tượng, là không gian cho người đọc tự nghĩ tự hình dung
Là một hình thái nghệ thuật đặc thù, văn học tạo ra giá trị của riêng mình một phần nhờ chất liệu nghệ thuật độc đáo. Nhờ có ngôn ngữ, văn học mới phát huy được hiệu quả thẩm mỹ của nó. Những cây bút tài năng sẽ biết vận dụng và sáng tạo vốn ngôn ngữ mình có được để tạo nên những tác phẩm bất biến với thời gian, ấn tượng về cả mặt nội dung và hình thức.
Lớp Đọc hiểu – NLXH và Phương pháp phân tích tác phẩm dành cho chương trình mới: https://forms.gle/yTbJw8z4ZUGyFrRf7
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)