
NHỮNG CHI TIẾT ĐẮT GIÁ TRONG “LÃO HẠC” – NAM CAO








NHỮNG CHI TIẾT ĐẮT GIÁ TRONG “LÃO HẠC” – NAM CAO


Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri.
Ông sinh ngày 29 tháng 10 năm 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là một chiến sĩ, liệt sỹ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nghệ thuật “vị nhân sinh”, trong cuộc đời cầm bút, trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn suy nghĩ về vấn đề Sống và Viết, rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình. Nam Cao còn được mệnh danh là nhà văn của những người nông dân.
Trong xã hội ác nghiệt, đẩy con người vào bước đường cùng ấy, ta bắt gặp những số phận bất hạnh đang cố gắng chống chọi từng giây từng phút để giành giật lấy một tia hy vọng để tiếp tục sống.
Nhưng trong vòng xoay khắc khổ đó, ta lại thấy ánh sáng lương thiện của những con người trí thức: “Một người đau chân có bao giờ quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến cái gì khác đâu? Khi người ta khổ thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa, cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp mất.” Người đời sỉ nhục, gièm pha hay coi thường Lão Hạc nhưng ai đâu biết rằng chính họ cũng là những người đang phải chịu sự đày đọa và chén ép đó? Con người khi đau chân thì đâu thể nghĩ đến cái chân còn lại? Tầng lớp thấp hèn trong xã hội đó chỉ có thể nương tựa vào nhau mà sống, Lão Hạc khổ nhưng không bao giờ động đến vườn của con, vợ ông giáo không xấu nhưng đã vất vả quá rồi. Trong thời kì ấy, ai cũng có nỗi niềm riêng, họ chỉ nhìn nhau qua sự dư giả bên ngoài mà không biết bên trong họ nghĩ gì và vì sao họ phải làm vậy. Phải chăng, vì cuộc đời là một chuỗi những đau khổ ấy mà ông giáo phải thốt lên rằng: “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Cái “đáng buồn” ở đây chính là tình người, là sự trong sạch trong nhân cách của một con người. Suy nghĩ ấy xuất phát từ việc ông giáo hiểu lầm Lão Hạc vì miếng ăn mà lấy bả để bẫy chó, ông nghĩ rằng Lão Hạc đã bị tha hóa theo thời gian, bị xã hội làm “biến dạng” đi nhân cách vốn trong sạch và sáng ngời của Lão. Mỗi ngày trôi qua, con người ta lại càng đói hơn, càng nghèo hơn, càng khổ cực hơn, có lẽ vì vậy mà ông giáo phải thốt lên “mỗi ngày một thêm đáng buồn”? Nhưng cuộc đời phải chăng tàn nhẫn nhưng vẫn giữ lại một chút gì lắng đọng của sự lương thiện và tốt bụng? Chí Phèo dù sống một cuộc đời dơ bẩn, đầy rẫy những vết chai trên mặt nhưng đến cuối cùng hắn vẫn khao khát được lương thiện, được gột rửa tất cả những tội ác mà mình gây ra: “Tao muốn làm người lương thiện… Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa”. Bởi vậy mà ông giáo khi chứng kiến cái chết thê thảm của Lão Hạc đã phải thốt lên rằng: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Số phận của con người chỉ như ngọn gió trước một trận sóng thần của cuộc đời. Khi xã hội chèn ép họ đến bước đường cùng, con người dễ dàng tha hóa, nhưng ở đây ta lại bắt gặp một tâm hồn trong trắng, một nhân cách khiến người ta phải nhìn cuộc đời theo một cách hoàn toàn khác. Phải, cuộc đời không phải chỉ toàn những kẻ xấu xa, bần tiện mà còn có những con người với phẩm giá cao cả. Nhưng “cuộc đời lại đáng buồn theo một nghĩa khác”, cái “đáng buồn” ấy chính là sự áp đặt của xã hội khiến con người ta phải chết để bảo toàn nhân cách trong sạch của mình, chèn ép con người đến bước đường cùng không cho họ một con đường sống. Binh Tư vốn là người lương thiện, hiền lành nhưng phải chăng vì xã hội tàn bạo đến vậy mà hắn tha hóa thành một kẻ trộm chó? “Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn” vì ngoài kia vẫn còn biết bao những con người có nhân phẩm trong sạch, đẹp đẽ nhưng “lại đáng buồn theo một nghĩa khác” vì xã hội ấy đã chà đạp họ, khiến họ ngày càng bần cùng, túng quẫn.
“Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu…”.
Cái chết của Lão Hạc đến thật bất ngờ nhưng lại là ẩn dụ vô cùng hợp lý. Lão bán đi Cậu Vàng- bán đi niềm vui tuổi già của lão, bán đi di vật cuối cùng mà cậu con trai để lại. Lão lừa nó, để người ta bắt nó, đến cuối cùng nó vẫn nhìn lão bằng một ánh mắt trách móc và khó hiểu. Lão chọn ăn bả chó để ra đi như một sự trừng phạt bản thân mình nhưng bên cạnh đó còn là tình yêu thương con vô bờ, là lên án một xã hội tàn bạo với con người. Ngòi bút của Nam Cao như một hồi chuông cảnh báo: Hãy cứu lấy con người. Lão thà chết chứ không chịu bán đi mảnh vườn của con lão dù chỉ một sào, lão không muốn động đến dù chỉ một chút mảnh vườn mà vợ để lại cho con. Xưa nay, không ít người cha người mẹ hi sinh cơm ăn, áo mặc vì con, hy sinh một phần thân thể vì con nhưng hy sinh cả mạng sống của mình như lão Hạc lại là một trường hợp hiếm thấy. đáng trân trọng: lòng tự trọng của một lão nông nghèo nhưng trong sạch. Cái chết của lão đã nói lên tình cảnh và số phận của người nông dân trước cách mạng tháng Tám: đói khổ, bế tắc, cùng đường,… Đồng thời, cũng có ý nghĩa tố cáo hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy người nông dân nghèo vào cuộc sống tăm tối, hẩm hiu.
Qua truyện ngắn “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã đưa ra những bài học nhân sinh và cái nhìn sắc bén của mình thông qua nhân vật ông giáo.
Cuộc đời vốn xô bồ và đầy khốc liệt, nhưng ở đó ta vẫn cảm thấy nhẹ nhõm trước những con người với nhân cách cao cả, đẹp đẽ- Lão Hạc. Lão dù sống trong hoàn cảnh bần hèn vẫn yêu thương con, làm mọi thứ vì con, tình phụ tử ấy cứ dâng trào mãi trong lòng lão, lão thà chết, thà hi sinh để giữ lại của cải cho con mình. Lão vẫn bừng sáng ngời ngời bởi đức tính yêu thương mọi người xung quanh cùng một lòng tự trọng thiêng liêng. Người ta thường nói: “Miếng ăn là miếng nhục”, con người khi đói khổ họ sẵn sàng làm mọi thứ để mình có thể ăn no, ngủ yên. Nhưng lão lại không như vậy, lão giữ cho mình sự trong sạch, làm được đồng nào lão ăn đồng đấy, lão vẫn yêu thương tất cả mọi người, không để đồng tiền hay miếng ăn che mờ mắt. “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”. Từ đây, Nam Cao đã đưa ra một bài học nhân sinh vô cùng sâu sắc: Với những người ở xung quanh, dường như ta tưởng ta đã hiểu họ nhưng chỉ đến khi xảy ra một kết cục nào đó, ta mới nhận ra rằng, hiểu một người là vô cùng khó, để hiểu được mọi suy tư, trăn trở của họ, ta cần phải nhìn họ bằng một con mắt của sự chia sẻ và cảm thông. Chỉ có như vậy, ta mới thật sự có thể thấu hiểu một người, không nên đánh giá họ qua vẻ bề ngoài, qua những gì họ thể hiện hay hành động, phải tìm hiểu rõ lý do tại sao họ làm như vậy thay vì đánh giá một người chỉ qua một sự việc rất nhỏ…
Link đăng ký lớp luyện đề thực chiến vào 10: https://forms.gle/Si9hFcRwxHN3JiBw9
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)