
NHỮNG TRÍCH DẪN HAY ÁP DỤNG CHO BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI








NHỮNG TRÍCH DẪN HAY ÁP DỤNG CHO BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI


Nghị luận xã hội là một trong những dạng đề yêu cầu tính minh bạch, xác thực cao song cũng cần có những “gam màu” đặc sắc để tô vẽ nên cái nền khô khan của nó. Những trích dẫn từ những người có tầm ảnh hưởng hay trong các tập sách chính là một trong những “gam màu” độc đáo mà chúng ta có thể sử dụng để vừa tăng tính thuyết phục vừa tạo nên sự mềm mại cho bài viết của mình. Cùng Rubik tham khảo một số nhận định và cách ứng dụng sau để bỏ túi những “típ” ăn điểm này nhé!
“Hãy ví mình như con lạc đà qua sa mạc, dẫu thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nó vẫn nhởn nhơ, từ tốn và hết sức bình tĩnh. Những hạt cát xung quanh nó luôn lấp lánh dưới ánh mặt trời”. (Nhà báo Trần Mai Anh)
Ứng dụng: Nếu ví cuộc sống mỗi người là một chiếc hộp thiếc bí ẩn thì thái độ chính là chiếc chìa khóa để cạy mở chiếc hộp ấy. Nhưng thái độ như thế nào? Nhà báo Trần Mai Anh đã có những chia sẻ của mình về thái độ của con người trước những thử thách: “Hãy ví mình như con lạc đà qua sa mạc, dẫu thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nó vẫn nhởn nhơ, từ tốn và hết sức bình tĩnh. Những hạt cát xung quanh nó luôn lấp lánh dưới ánh mặt trời”. Phải chăng bình tĩnh sống chính là chìa khóa để khám phá bí ẩn của chiếc hộp thiếc ấy? Và có chăng đó cũng chính là thái độ sống mà mỗi người cần tu luyện giữa thế giới xô bồ ngày nay?
“Người sống là một âm thanh nên khi sống, người ta sẽ gây nên tiếng vang bằng chính cuộc sống của mình”. (Nguyễn Ngọc Thuần – Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)
Ứng dụng: Muôn vàn những câu hỏi dạng như “sống để làm gì” luôn là một trong những kiểu câu hỏi khiến con người ta phải đôn đáo chạy đi tìm câu trả lời. Nhưng người thì tìm được, người lại mãi quẩn quanh. Chúng ta thường chạy đua theo nhịp sống xô bô, chạy đua theo những “thói quen” sống mà quên đi mất giá trị của bản thân, trách nhiệm của bản thân mình rốt cuộc là gì? Trong “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Quang Thiều có cho hay “Người sống là một âm thanh nên khi sống, người ta sẽ gây nên tiếng vang bằng chính cuộc sống của mình”. Nếu mỗi cá thể chỉ biết chạy đua theo thanh âm của người khách mà không để lại tiếng vang riêng của mình cho đời thì liệu họ đã hoàn thiện trách nhiệm của con người trên đời sống này hay chưa?
“Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của ước mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn, trong một thế giới mà bạn có thể hóa thân một cách hồn nhiên nhất vào đấng toàn năng”. (Nguyễn Nhật Ánh – Tôi là Bêtô)
Ứng dụng: Ước mơ vẫn là một trong những chủ đề muôn thuở khiến người người phải băn khoăn đặc biệt là những bạn trẻ. Thế nhưng giá trị của ước mơ là gì, ý nghĩa thực sự của chúng là gì thì không phải ai cũng có thể dõng dạc để hiểu thấu được chúng. Bởi lẽ mỗi người đều có những điểm xuất phát riêng biệt, có những hành trình và đích đến riêng song ý nghĩa thực sự của ước mơ của mỗi cá nhân cũng mang tính cá biệt hóa. Với Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn với kinh nghiệm dày dặn, ông đã chia sẻ quan điểm của mình về ước mơ như thế này: “Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của ước mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn, trong một thế giới mà bạn có thể hóa thân một cách hồn nhiên nhất vào đấng toàn năng”. Song dù có như thế nào thì ước mơ cũng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trên hành trình sống và tồn tại của mỗi người.
“Cái quý giá nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn”. (Ôxtơrôpxki)
Ứng dụng: Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng sống để làm gì? Đáp án cho câu trả lời ấy có lẽ sẽ rất nhiều. Sống để hạnh phúc, sống để làm việc, sống để yêu, để thương, để trọn vẹn mọi cung bậc cảm xúc. Đó cũng chính là ý nghĩa cuộc sống, một chân lí sống thật giản đơn như Ôxtơrôpxki từng nói “Cái quý giá nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn”.
“Mỗi người trong các bạn đều giỏi giang về chuyện gì đó. Mỗi người trong các bạn đều có thứ gì đó để dâng cho đời. Và bạn có trách nhiệm với bản thân để tìm ra đó là gì“. (Barack Obama)
Ứng dụng: Lí tưởng sống của bạn là gì? Là trở thành một doanh nhân thành đạt? Trở thành một người với tâm lòng nhân hậu, vị tha? Song dù là mong muốn trở thành gì thì chúng ta vẫn phải đi hết mình để đạt được lí tưởng sống ấy. Barack Obama đã từng phát biểu “Mỗi người trong các bạn đều giỏi giang về chuyện gì đó. Mỗi người trong các bạn đều có thứ gì đó để dâng cho đời. Và bạn có trách nhiệm với bản thân để tìm ra đó là gì“. Trách nhiệm của chúng ta trên đời sống là thế, phải tìm ra cái tài, cái ưu của bản thân và sau khi tìm được hạt ngọc được ẩn dấu ấy thì nhiệm vụ tiếp theo cho đời chính là cống hiến. Một hành trình cuộc đời người đến cuối cùng cũng giống như một chú bướm với một chu kì rõ rệt: xác định – tìm kiếm – cống hiến.
Link đăng ký lớp luyện đề thực chiến vào 10: https://forms.gle/Si9hFcRwxHN3JiBw9
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)