(NGHỊ LUẬN XÃ HỘI) Đề bài: Mầm xanh tách hạt vươn lên, chú chim đấu tranh để thoát khỏi quả trứng. Hạt cây là thế giới, quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra trước hết phải phá huỷ một thế giới.
Bài viết tham khảo
Sẽ chẳng ai hay biết vẻ đẹp trên mặt trăng ra sao nếu không có người Mỹ đầu tiên đặt chân đến, sẽ chẳng ai biết được rừng núi Amazon hoang dã thế nào nếu không có nhà thám hiểm. Vốn rằng, thế giới con người ta thật nhỏ bé nếu đôi chân chỉ trụ vững mà ngập ngừng không bước đến. Phải chăng đó là lý do một “mầm xanh tách hạt vươn lên, chú chim đấu tranh để thoát khỏi quả trứng. Hạt cây là thế giới, quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra trước hết phải phá hủy một thế giới”?
Tôi luôn băn khoăn “tồn tại” và “sống” nếu áp dụng vào con người có đồng nghĩa với nhau hay không? “Tồn tại” đơn thuần là những nhu cầu cơ bản của con người trong tháp tâm lý học Maslow nhưng liệu chỉ vậy thôi thì hà tất gì 100 năm là con số cực hạn của con người ta ? Có một câu nói như thế này: “Sống đến 100 năm sẽ vô nghĩa nếu cuộc đời của một con người không ý nghĩa, họ có thể nhắm mắt một cách vui vẻ nếu trước đó họ đã có một cuộc sống tuyệt vời”, đấy là “sống”. Mỗi cá thể đều có cho mình một thế giới riêng, ấy có thể là thế giới đời sống xã hội xung quanh, cũng có thể là một tòa tháp nhỏ bé mà bản thân họ là người cai trị. Nhưng dù là thế giới nào đi chăng nữa, thì chúng ta đều phải lớn thôi! Những mầm xanh, chú chim muốn thoát khỏi “vỏ kén” của mình để vươn đến ánh dương, để phiêu bạt tứ phương cũng phải phá hủy lớp kén. Song con người nếu muốn văn minh, phát triển thì tự khắc mỗi bản thân họ cũng phải làm mới và tự vần xoay thế giới của chính mình!
Như “quốc gia của nữ thần tự do” – Mỹ, với bề dày lịch sử hơn 400 năm thì sự phồn thịnh bấy giờ chính là một nhân chứng sống của quá trình di cư người da màu, dần dà phát triển và có được nay. Phá hủy để khẳng định và phát triển chính mình!
Phải chăng “phá hủy” ấy là phủ định những định kiến, xóa bỏ miền cổ hủ? Bản chất và cũng như nhu cầu cơ bản con người ta là an toàn, vì mong cầu được an toàn nên mới đứng tại chỗ hay vì đã đứng tại chỗ nên mới muốn được an toàn? Trái ngược thay, cuộc sống thì luôn luôn vận động, con Tạo vần xoay, và sự thoải mái đó sẽ dần dà bào mòn xã hội thay vì làm nó văn minh tốt đẹp hơn. Có ai nhớ rằng, nghìn năm trước ở Cố cung trầm luân vẫn tồn tại “tam thê tứ thiếp”, có ai hay biết “chế độ A pác thai” khiến miếng ăn trở thành xa xỉ và liệu có ai khóc than cho số phận dân nô lệ ở Ai Cập cổ đại? Liệu rằng “chúng” có nên tồn tại hay không?
Cái mới được sinh ra và cái cũ dần chết đi, đó là quy luật của tự nhiên vì thế trong một xã hội phồn thịnh như hôm nay đã xóa bỏ đi những “còng xích” của con người, xóa đi thứ ngăn nội tại họ phát triển.
Cuộc sống bao giờ cũng là vận động và phát triển, một giây thôi cũng khiến thời đại tiến lên một bước, bỏ lỡ cũng như việc mình biến thành người tối cổ và dần dà mất thăng bằng trong cuộc sống.
Sự phá hủy được nói đến ở đây, không là những tiếng đập phá in ỏi, càng không là sự mù quáng khi gắng thay đổi bản thân. “Phá hủy thế giới” của mình cần và đi song song với nó là sự kiến tạo.
Nhưng liệu thế giới nào cũng cần phá hủy hay không? Liệu một quốc gia đang bình định về an toàn và luật pháp thì có cần đổi mình nữa hay không? Sự chọn lọc tinh tế và tầm hiểu biết sẽ nói cho chúng ta nghe. Dù có là trong thời đại hội nhập quốc tế đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn còn có những tà áo dài thướt tha, vẫn có vô số phong tục tập quán mà các thế hệ luôn gìn giữ. Có lẽ, thế giới mà bao người tự hào nhất vẫn là thế giới chứa đựng tình yêu văn hóa của họ. Phá hủy một thế giới là phủ định những mặt tiêu cực và yêu thương những thứ tích cực bên mình. Đấy là một thế giới dù kim dài có mãi chạy theo kim ngắn thì ta vẫn luôn trân trọng những phút giây tận hưởng quá trình hiện tại!
Mầm xanh tách hạt vươn lên, chú chim đấu tranh để thoát khỏi quả trứng. Hạt cây là thế giới, quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra trước hết phải phá huỷ một thế giới!
(Học sinh khóa Nghị luận xã hội)