TÍNH QUY PHẠM VÀ PHÁ VỠ QUY PHẠM
TÍNH QUY PHẠM VÀ PHÁ VỠ QUY PHẠM
Sáng tạo văn học đòi hỏi phải tuân theo những quy phạm. Nhưng những hiện tượng văn học đặc sắc thường đi liền với việc phá vỡ quy phạm một cách thành công
‘’Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ’’
(Phương xa – Vũ Hoàng Chương)
Qua bao lẽ hưng phế của kiếp người, bao cuộc biến cải nương dâu, ý thức về nỗi chơ vơ ấy đã manh nha khởi phát trong lòng những kẻ đeo mộng văn chương. Ấy là nỗi khắc khoải hoài vọng về một thời vàng son dĩ vãng của Bà Huyện Thanh Quan, là tiếng thở dài bi thiếp cho thế cục nhân sinh của Nguyễn Trãi. Âu chăng, con người trong văn học trung đại cũng có sự thay đổi theo chiều kích khác nhau: lúc nghiêm trang nép mình vào khuôn phép mực thước, khi lại bứt phá để thăng hoa cùng những xúc cảm nội tại. Nếu lấy những quy tắc, điển phạm trong mỹ học phong kiến làm tâm thì chính dòng văn học ‘’ly tâm’’ là địa hạt bùng nổ những tiếng nói nghệ thuật đích thực, những hiện tượng văn học đặc sắc. Bởi người nghệ sỹ đã phá bỏ mọi khuôn khổ được hoạch định sẵn để sống thật với cõi lòng mình. Đó cũng chính là quy luật ngàn đời của văn chương tự cổ chí kim: ‘’Sáng tạo văn học đòi hỏi phải tuân theo những quy phạm, nhưng những hiện tượng văn học đặc sắc thường đi liền với việc phá vỡ quy phạm một cách thành công’’. Hồ Xuân Hương chính là người đã phá vỡ quy phạm, để xây nên lầu thơ độc đáo trong lịch sử văn học.
Căn nguyên của sự phá vỡ quy phạm
Căn nguyên của sự phá vỡ quy phạm ấy là gì? Có chăng, ấy là sự bồng bột nhất thời của những kẻ sinh lầm thế kỷ? Không, châm ngòi cho cuộc bùng nổ ấy là sự tác động của bối cảnh xã hội. Bức tường thành cố hữu của xã hội phong kiến đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt, báo hiệu cho sự khủng hoảng trầm trọng, thêm vào đó là sự phân hóa tầng lớp và mâu thuẫn giai cấp gay gắt. Những biến cố thăng trầm của lịch sử đã hoài thai nên văn học với sự thăng hoa đến độ viên mãn nhất. Bởi lẽ, khi đặt con người trong nghịch lý trái khoáy, số mệnh bị dồn đến bờ vực thẳm, trong họ lại thổi bùng lên ngọn lửa khao khát quyền sống, quyền hạnh phúc. Cùng với sự nở rộ của trào lưu nhân đạo, văn học khẳng định những giá trị đẹp đẽ và quyền sống chính đáng của con người. Một vấn đề nhức nhối được đặt ra là: quan tâm đến hạnh phúc cá nhân mà lại chối bỏ việc khai thác thế giới nội tâm của con người, thì có chăng văn chương nghệ thuật đã rơi vào chủ nghĩa hư vô, phi thực tế? Chính sự manh nha của ý thức cá nhân cùng khát vọng thoát khỏi gông cùm, xiềng xích phong kiến đã tạo tiền đề cho sự phá vỡ tính quy phạm. Âu chăng, vạn vật trên đời đều tuân theo định luật thoái trào, không gì là nhất nguyên, bất biến, kể cả ý thức hệ phong kiến cũng không thoát khỏi số mệnh đó.
Sinh ra trong thời đại chứa đựng đầy biến động ấy, Hồ Xuân Hương luôn khát khao hạnh phúc. Chính cái bi kịch lỡ làng đã hoài thai nên tiếng thét bi phẫn khi tình duyên chỉ là trò đùa của con tạo. Một tiếng nói nữ quyền hiếm hoi thuở ấy đã làm lung lay rường cột phong kiến đang trên đà mục rữa. Bởi lẽ, khi quan niệm về cái chết, người ta xem sự ra đi của con người như một sự chấp nhận quy luật sinh lão bệnh tử, luân hồi tất yếu của tạo hóa. Vì lẽ ấy, số phận người phụ nữ luôn bị rẻ rúng, và cái chết của họ chỉ để minh chứng cho sự trinh tiết và tấm lòng trong sạch. Ai sẽ là người khóc cho họ như cách Thúy Kiều đã nhỏ giọt nước mắt bên mộ Đạm Tiên? Ngay cả chút danh phận cũng phải núp bóng dưới những danh xưng ‘’tiện thiếp’’, cái tên chỉ để phân biệt chứ không dùng để gọi với tất cả yêu thương. Với HXH, nền móng của hạnh phúc được xây đắp bằng việc thể hiện bản ngã của mình, thông qua cách xưng tên dõng dạc:
‘’Này của Xuân Hương mới quệt rồi.’’
Phá vỡ tính quy phạm
Sự phá vỡ quy phạm đáng được công nhận ở nữ sĩ họ Hồ, trước hết,là sự đổi mới tiến bộ về nội dung tư tưởng: sự manh nha của ý thức cá nhân.Một sự hiện diện nhỡn tiền của nữ sĩ trước đời. Cách nêu đích danh tên họ vừa ngang tàng, ngạo nghễ, vừa như một sự thách thức với tính phi ngã – thứ tiên chỉ của văn học trung đại đã bóp nghẹt cái tôi cá nhân. Thật ra, cái tôi vẫn hiện diện với tư cách là cái tôi công dân, cái tôi trách nhiệm, …. Nhưng đó không phải là bản chất nội tại chân chính như nó vốn có.
Những đối cực nội tại đã tạo nên sự giằng xé đến cháy máu của tâm hồn người phụ nữ luôn khao khát hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc với người phụ nữ chỉ như chiếc chăn bông quá hẹp, người này ấm thì người kia lạnh. Dưới gầm trời phong kiến, bao kẻ đã phải nén lại những đớn đau cháy lòng ấy, nuốt ngược nước mắt vào trong, bởi xã hội ấy chủ trương kìm nén cảm xúc. Lúc này đây, con người bản năng trong HXH trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là khi nữ sĩ đối diện trực tiếp với những xúc cảm nảy nở trong cõi lòng mình mà không hề chối bỏ:
‘’Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.’’
Cái vòng luẩn quẩn say tỉnh ấy gợi lên sự cảm nhận duyên tình chỉ là trò đùa của con tạo. Sự đồng nhất giữa trăng và người đã ngầm chứa đựng bi kịch: trăng sắp tàn mà vẫn chưa được một lần vẹn tròn viên mãn. Thấp thoáng trong câu thơ là giọt nước mắt chạnh lòng của nhân vật trữ tình. Cuộc đời nữ sĩ cứ dở dang, lỡ làng, khi chưa một lần hạnh phúc trọn vẹn. Ngậm cười chua chát để tự ý thức về bi kịch đời mình, há chẳng phải đó là cảnh giới cao nhất của ý thức cá nhân hay sao?
Phận hẩm duyên ôi – éo le thay, ấy lại là tấn bi kịch của một tâm hồn luôn mong cầu hạnh phúc. Đó chính là sự lý giải cho con người bản năng trong thơ HXH – luôn khát khao giải phóng nhãn quan tính dục phong kiến cổ hũ. Công khai nói đến cuộc sống bản năng, cốt gợi liên tưởng đến những chuyện chôn giấu trong khuê phòng buồng kín, đó là một phương diện mới mẻ trong sự phá vỡ quy phạm của HXH. Nó đối lập triệt để với tư tưởng cấm dục khắc nghiệt của Tống Nho. Theo Phân tâm học có một vô thức cá nhân sâu xa bao gồm tất cả những thúc đẩy của bản năng, ‘’mà những cưỡng chế xã hội và văn hóa đã chôn vùi nhưng không hủy diệt được.
‘’Hiền nhân quân tử nào ai chẳng
Mỏi gối chùng chân vẫn muốn trèo’’
( Đèo Ba Dọi )
rồi lại:
‘’Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay’’
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Cái dâm, cái tục trong thơ HXH như một cú tát đau đớn vào bộ mặt dối trá của bọn vua quan thống trị, khi đạo đức tha hóa và nhân cách băng hoại trầm trọng. Nó tương phản gay gắt với hệ thống hình ảnh ước lệ, trang nhã của thiết chế phong kiến. Nhưng đó chỉ là góc nhìn từ ý thức chính thống của xã hội. Theo góc nhìn dân gian, cái dâm tục ấy xuất phát từ tín ngưỡng phồn thực, từ một mong cầu thiêng liêng là sự sinh sôi nảy nở cho mùa màng và con người. Khẳng định khát vọng tự nhiên, HXH đã ngợi ca hạnh phúc trần tục, đòi quyền tự do cho bản năng con người, thoát khỏi mọi trói buộc khổ hạnh của cường quyền và thần quyền.
Cái vòng cương tỏa của những giáo điều phong kiến không đủ sức dung chứa cho những tư tưởng táo bạo đến thế, nó đòi hỏi một diện mạo phá vỡ quy phạm, bứt phá mọi khuôn khổ đã hằn sâu vào nếp nghĩ. Có thể nói, cái làm nên hồn phách, thần thái, độc tôn vị thế bà chúa Thơ Nôm chính là hệ thống từ ngữ độc đáo. Sự biến tấu phức điệu âm thanh để tạo ra độ lệch chuẩn cho ngôn ngữ, tạo nên một kiến trúc ngôn từ với sự chuyển hóa tài tình giữa các tầng lớp ngữ nghĩa. Thứ nghĩa lấp lửng, đầy ám gợi khiến những từ tôn giáo như cõi phật, bầu tiên cũng khoác lên mình lớp áo trần tục như cõi sung sướng, nơi lạc thú. Những ‘’rì’’, ‘’hún’’, ‘’lún phún’’ xuất hiện với tần suất dày đặc trong thơ HXH đã tạo nên sự bất đối xứng, phá vỡ thế cân bằng hài hòa, đưa trí tưởng tượng của người đọc trệch khỏi quỹ đạo thông thường. Những ký hiệu ngôn ngữ di chuyển từ cái hiển hiện đến lớp nghĩa ẩn dụ thâm thúy, tạo nên ‘’cái ngạc nhiên, cái đột ngột, cái bật cười thấm thía bởi sự xô lệch không ăn khớp’’ trong thơ HXH. Nó phá vỡ sự cân xứng hài hòa, vẻ đẹp đăng đối đạt đến chuẩn mực của Đường thi cổ điển.
Ngôn ngữ thơ HXH không bẹp dí như xác ve ép khô nằm chết lặng trên trang giấy, mà luôn cựa quậy, quẫy đạp liên hồi. Tất cả đều được đẩy lên ‘’độ căng thẩm mỹ’’. Nữ sĩ căng mở giác quan để cảm thụ sự sống, bởi tất cả đều được nén ở mức tối đa, cực đỉnh: ‘’Đỏ loét’’, ‘’tối om’’, ‘’chín mõm mòm’’. Nó ca ngợi sự sống của phút giây hiện tại, chứ không hoài vọng về dĩ vãng vàng son trong quá khứ đã trở thành quan điểm thẩm mỹ của xã hội cũ. ‘’Nó toát lên từ tâm thế của một kẻ du ca, luôn có ý thức phá vỡ cái nghiêm trang, giả tạo chốn cung đình, khuê các, mà hồn nhiên ăn nằm, cười khóc với nhân gian lấm láp, nhọc nhằn’’. Ấy là chất men xúc tác mãnh liệt trong lòng người đọc. Ta ngây ngất, hoan hỉ, khoái trá bởi cái thứ ngôn ngữ ‘’nhà quê’’, ‘’mánh khóe’’ đối lập với sự chau chuốt, gọt giũa, khuôn sáo vốn được hoạch định sẵn.
Ly khai với ngôn ngữ Hán Học làm nên tính bác học cho thơ Đường, Hồ Xuân Hương đã dứt khoát khước từ sự kìm cặp của lễ nghi phong kiến. Tiếng nói mẹ đẻ được vận dụng nhuần nhuyễn, xen kẻ những thành ngữ và cảm hứng ca dao đã phản bác những kẻ cho rằng tiếng Việt nghèo nàn và lạc hậu. Nó là sự khẳng định bất diệt của tính dân tộc – một thuộc tính từng bị xóa nhòa trong những lằn ranh ngữ nghĩa.
Cách tân thơ Đường một cách táo bạo, Hồ Xuân Hương vẫn giữ nguyên phần cứng của thể loại với sự đối ứng rất chỉnh, nhưng khéo léo phả vào đó cái hơi thở không lẫn vào đâu được. Nó rũ bỏ sự trang trọng, đài các, nhưng vẫn không hề giảm sút ấn tượng thẩm mỹ. Bởi, dù có phá vỡ quy phạm, nhưng từ trong chiều sâu nhân bản, đó là mưu cầu hạnh phúc chính đáng, là niềm khát khao kiếm tìm bản ngã, sống thật với cõi lòng mình. Đó là tiếng nói nhân đạo đại diện cho người phụ nữ – đối tượng bị chà đạp, vùi dập không thương tiếc của xã hội phong kiến. Vì suy cho cùng, ‘’tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài quy luật chân thiện mỹ, quy luật nhân bản. Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mênh mông.’’
🌸 Link đăng ký lớp HSGQG: https://forms.gle/6f3eJuwGoaWF3diB9
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)