Thơ cần có chân tâm thực ý. Quả thật là như vậy, ngôn từ mà không được kết gắn bởi “chân tâm thực ý” của người cầm bút thì cùng lắm cũng chỉ có thể cho là những con chữ “nằm thẳng đơ trên trang giấy”, là văn bản chứ không thể ép nó thành thơ được.
Thực chất, sẽ không có một bài thơ nào được làm nên bởi sự thờ ơ nơi người cầm bút, bởi cái “nông”, cái “nhẹ” của ngôn từ, hay những ý tưởng nhiều khi “nhạt phèo” của những con người tự cho mình là nghệ sĩ. Sẽ không có một bài thơ nào ra đời nếu như thiếu đi những giây phút rung động khiến nhà văn “băn khoăn, không viết ra không chịu nổi” (Tố Hữu), khiến người cầm bút “gửi vào thơ tất cả những gì làm cho ông đau khổ, rạo rực, say mê” (Nêkraxôp). Bởi lẽ, những sản phẩm của thế giới tinh thần có thể ra đời khi và chỉ khi những xúc cảm mãnh liệt bùng nổ trong trái tim nhà văn trước một hiện thực đặc biệt nào đó, thôi thúc anh đặt bút xuống trang để gửi gắm những tâm tư, tình cảm nơi mình. Và chỉ có thế, thơ mới là thơ, mới trở thành “cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim” (Hoài Thanh), mới có thể thâm nhập vào trái tim bạn đọc. Bởi xét đến cùng, bạn đọc đến với thơ ca, nghệ thuật trước hết đâu phải bằng con đường của lí trí. Trước khi độc giả kịp lắng mình vào chiều sâu của tư tưởng, của những bài học thông điệp mà người nghệ sĩ gửi gắm thì trái tim kia đã bị xâm chiếm tự bao giờ bởi những những cung bậc rung động nhà văn đặt trên trang, những dòng tâm tư chảy xiết sẽ cuốn lấy tâm hồn người đọc thoạt tiên để bao trùm lên nó rồi sau đó níu chân họ ở lại với những tư tưởng sắc sảo, tinh vi. Vậy, phải chăng một tác phẩm có giá trị hay không trước hết cần bàn đến là tình cảm của người viết có chân thực hay không?
Nhìn vào thực tế văn học, tôi chợt nhận ra vì sao có những tác phẩm lại có sức sống bền bỉ đến thế, dù thời gian có chảy trôi, không gian có biến đổi thì những “đứa con tinh thần” của nhà văn vẫn cứ mãi ở đó để thực hiện sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của mình như một giá trị bất khả chiến bại. Như tác phẩm “Quả phụ ngâm” với tiếng than khóc đau đớn, bi thiết từ “nỗi đắng niềm cay” của người góa phụ. Số kiếp trêu đùa đẩy người vợ đang hạnh phúc xuống hố sâu tuyệt vọng khiến nàng đau đớn khôn cùng như “thân đã xẻ làm đôi”. Với nàng, dường như người chồng là sự sống, là những ồn ào náo nhiệt nơi tâm hồn và là thứ khiến lòng nàng thấy đủ đầy, an vui, ấm áp. Vậy mà giờ đây, nàng đã mất đi người chồng ngày ngày “đầu ấp tay gối” khiến cho nàng cảm thấy chính mình như bị bòn rút sự sống; vạn vật trước mắt có cũng như không, cảnh vật trở nên lạnh vắng, hiu quạnh đến tột cùng:
“Cõi trần vắng có một người,
Trông ra nước nước đất trời vắng teo.
Kiếp bạc mệnh sống theo nước mắt.
Hồ lệ đầy sống ắt còn lâu,
Bao giờ khóc ráo lệ sầu,
Bao giờ tóc trắng điểm đầu mới thôi,
Buồn nghĩ đến nỗi đời mà ngán.
Cảnh riêng mình lẻ bạn đau lòng.”
Nào đâu có mấy ai trên đời lại không dưng mà thấu được cái nỗi đau đứt ruột của người vợ mất chồng. Ấy vậy mà người nghệ sĩ ở đây lại làm cho cái nỗi đau ấy hiển hiện lên sinh động và chân thật đến lạ thường. Nhà văn xoáy sâu vào từng cung bậc tình cảm trong tâm hồn người góa phụ. Từ những cảm nhận vô hình như “trông ra nước nước đất trời vắng teo” cho đến những giọt nước mắt hữu hình nặng trĩu tâm tư như tắc nghẹn lại trong lòng người vợ mất chồng, để rồi trào lên thành “hồ lệ”. Thành những khổ đau cả một đời không dứt “bao giờ tóc trắng điểm đầu mới thôi” khiến mới nghĩ đến phận mình cũng đã đủ để nàng cảm thấy chán ngán. Thật xót xa cho tình cảnh ấy xiết bao, bởi lẽ không chỉ người phụ nữ mà mỗi con người sinh ra đều chỉ có một cuộc đời để sống, cho nên theo quy luật thông thường của cảm xúc người ta sẽ thấy quý trọng nó, biết nâng niu và yêu thương cuộc đời mình. Vậy mà cuộc đời người góa phụ trong tác phẩm lại chỉ khiến nàng thấy ngán ngẩm. Có lẽ âu cũng bởi đời nàng lắm gian truân, phận đàn bà long đong, bất hạnh. Vốn được sinh ra trong một thời đại trọng nam khinh nữ, những tưởng khi đã “nghi gia nghi thất” cuộc đời sẽ khá khẩm hơn, được an vui, yên ổn. Vậy mà cuộc đời trớ trêu, cướp đi ở nàng người bạn đời mà nàng yêu thương nhất, tước đi ở nàng quyền được làm vợ hiền. Khiến nàng rơi vào đáy sâu tuyệt vọng. Và cũng chỉ chừng ấy cảm xúc thôi cũng đủ để ta thấy được ở tác giả khúc ngâm một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, một trái tim giàu lòng nhân ái, một ngòi bút giàu “chân tâm thực ý”.
Nào có được mấy ai hiểu hết cái tình cảnh, tâm tư rất đỗi kín đáo ấy của người phụ nữ phong kiến đức hạnh như góa phụ trong tác phẩm. Thường thì người ta cũng chỉ thấy được nỗi cô đơn của một thân phận vò võ một mình – bề nổi mà ai cũng thấy được – mà cái cảm xúc ấy thì rất “nông”, rất “nhẹ”, “vô vị” và nhạt phèo. Nếu để viết thành thơ hay khúc ngâm thì nó sẽ chẳng thể nào có được sự đón nhận từ tâm hồn độc giả. Vậy mà ở đây, nhà văn đã thoát ra khỏi những quy luật tâm lí rất đỗi thường tình ấy để cảm thông và chia sẻ cho nỗi buồn của người góa phụ – một cung bậc rung động không chỉ đôi phần phức tạp mà nếu không toàn tâm toàn ý, đặt lòng mình vào để cảm nhận, để thấu hiểu thì e rằng thứ “sản phẩm tinh thần” mà người cầm bút sáng tạo nên sẽ chỉ có thể đón nhận một hình thái rất đỗi khô khan và gượng ép. Hơn nữa, tác giả của khúc ngâm này lại chỉ là một con người vô danh, làm thơ để bộc lộ nỗi lòng mình trước cảnh đời bất hạnh chứ không phải một nhà Nho, hay một con người trí thức. Cho nên chưa xét đến mặt nghệ thuật cũng dễ dàng nhận thấy một nội dung được dựng lên bởi “chân tâm thực ý” là đã có khả năng khiến cho bạn đọc “bùi ngùi, cảm động”, biết rung lên theo những rung cảm nơi tâm hồn người nghệ sĩ, biết yêu ghét cùng những ghét yêu của nhà văn. Cho nên, ta có thể khẳng định rằng “Thơ cần có chân tâm thật ý”.
Tuy nhiên, tôi cho rằng ý kiến trên vẫn có phần chưa thỏa đáng bởi lẽ “chân tâm thật ý” mà lời thơ mà quá ngay thẳng thật thà thì phải chăng sẽ đánh mất đi cái giá trị nguyên bản của văn chương ấy là tính “thẩm mĩ”. Liệu rằng ngôn ngữ quá thật dẫn đến nhiều khi thiếu đi sự chắt lọc có hay không truyền tải thành công những cảm xúc thẩm mĩ đến tâm hồn người đọc, và có hay không đủ sức hấp dẫn để níu kéo độc giả ở lại với trang thơ? Thêm nữa, thơ quả thật cần phải có “chân tâm thật ý”. Nhưng thơ có “chân tâm thật ý” thì chưa chắc đã đổi lại được tấm chân tình từ độc giả, chưa chắc đã khiến “người khác đọc thơ mình không ai không thấy bùi ngùi, cảm động”. Nói như ý kiến trên, tôi cho rằng có phần cực đoan bởi lẽ, tác phẩm có hay không nhận lại được sự đồng sáng tạo từ tâm hồn người đọc còn phải tùy thuộc vào khâu tiếp nhận nơi độc giả. Một độc giả nếu chỉ đọc để biết, để giải trí hay tiếp nhận những giá trị tinh thần mà nhà văn gửi gắm một cách thờ ơ, vô cảm,… thì dẫu cho tác phẩm ấy có hay đến mấy, có giá trị đến mấy cũng không thể đả động đến trái tim bạn đọc.
Dẫu vậy, vẫn phải khẳng định rằng thơ ca cần có “chân tâm thực ý”. Phải có “chân tâm thực ý” trước tiên thì mới mong nhận được sự đồng sáng tạo nơi bạn đọc. Nếu không, tác phẩm sẽ chỉ là những văn bản vô nghĩa với những con chữ “nằm thẳng đơ trên trang giấy”, sớm hay muộn cũng bị dòng chảy văn học loại bỏ – mà thứ văn như thế thì thật là yếu kém và đáng xấu hổ chứ còn mong gì đến “người khác đọc thơ mình không ai không thấy bùi ngùi, cảm động”.(!)