
TÌM HIỂU VỀ CUỐN SÁCH “HÃY CHĂM SÓC MẸ”








TÌM HIỂU VỀ CUỐN SÁCH “HÃY CHĂM SÓC MẸ”


Liệu đã có khi nào bạn tưởng tượng đến một ngày mẹ không còn bên mình?
Đã có khi nào bạn gom góp lại hết những kí ức và kỉ niệm về mẹ, đem chúng ra hồi tưởng để rồi nhận ra mình đã quá vô tâm? Hoặc chúng mình xin hỏi bạn một câu đơn giản hơn: Cho đến hiện tại, lần cuối cùng bạn “chăm sóc” mẹ là khi nào?
Với những người con của bà Park So-nyo trong cuốn “Hãy chăm sóc mẹ”, họ chỉ thật sự đặt ra những câu hỏi đó khi mẹ mình đi lạc, khi hình bóng người phụ nữ giản dị, tần tảo, bao dung và giàu đức hi sinh ấy không còn bên cạnh họ nữa. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Hàn Quốc Shin Kyung-sook ra đời vào năm 2009, trở thành một trong những tác phẩm văn học ý nghĩa và cảm động nhất về hình tượng người mẹ.
Sau đây, chúng mình xin trích dẫn một vài dòng viết đã gây xúc động mạnh mẽ, gợi cho chúng mình biết bao suy ngẫm về trách nhiệm của một người con.
🌷 “Có những khoảnh khắc người ta thường suy ngẫm lại sau khi có việc gì xảy ra, nhất là sau khi có chuyện không may xảy ra. Khoảnh khắc mà người đó nghĩ: Lẽ ra mình không nên làm vậy.”
🌷 “Mọi điều đều có một thời điểm thích hợp để nói ra. Suốt cả cuộc đời mình, có khi bố đã không nói với mẹ con, có khi để tuột mất thời cơ, có khi lại đinh ninh là mẹ con đã hiểu rồi. Giờ đây bố cảm thấy có thể nói ra mọi điều, nhưng lại chẳng có ai nghe cả.”
🌷 “Chị… Em đã muốn vục mặt vào cái hố em đào để trồng cây hồng. Em không thể sống giống như mẹ, vậy thì có lẽ nào mẹ lại muốn sống như thế? Sao em chưa một lần nghĩ được như vậy khi mẹ còn ở bên chúng ta? Là con gái của mẹ mà em còn chẳng hay biết gì như thế thì chắc mẹ phải cảm thấy cô đơn biết chừng nào khi ở trước những người khác. Thật bất công khi mẹ đã phải hy sinh tất cả cho chúng ta nhưng chẳng có một ai hiểu được mẹ cả.”
🌷 “Mẹ không nghĩ tới chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi đi học. Làm sao mà ta có thể chỉ làm những việc mình thích được chứ? Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?”
🌷 “Chị có nghĩ chúng ta sẽ lại được ở bên mẹ dù chỉ một ngày thôi không? Chị có nghĩ em sẽ lại có thời gian để hiểu mẹ nữa không, để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, để an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi ở đâu đó trong dòng thời gian? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được, em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm, em yêu người mẹ đã hoàn thành được tất cả những công việc đó, em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa. Rằng em tôn thờ mẹ…”
🌷 “Trong suốt năm mươi năm qua kể từ lần đầu gặp nhau khi ông mới hai mươi tuổi, câu nói “Ông đi chậm một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình. Sao ông không đi chậm lại khi mà suốt đời vợ ông luôn bảo ông đi chậm lại một chút cơ chứ? Ông có thể dừng lại đợi vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh chuyện trò với bà như bà muốn, chưa bao giờ, dù chỉ một lần.”
🌷 “Mẹ còn nhớ lần đầu khi đi đôi dép vào chân con, mẹ đã rất phấn khích. Khi con chập chững bước về phía mẹ, mẹ đã cười sung sướng mãi không thôi, dù có ai chất đầy ngọc ngà châu báu trước mặt thì mẹ cũng không thể cười giòn được như lúc ấy.”
❤️ Sau khi đọc xong tác phẩm, hẳn có rất nhiều giọt nước mắt đã rơi nơi cuối trang sách, rất nhiều người con đã day dứt, ám ảnh khôn nguôi về hình ảnh người mẹ Park So-nyo, cũng như liên tưởng sâu sắc đến người mẹ vĩ đại của mình. Trên đời không có một nghề nào khổ cực, khó khăn mà cao cả, thiêng liêng như “nghề” làm mẹ. Hôm nay, nếu còn cơ hội, hãy thể hiện tình thương với mẹ qua cả thái độ, lời nói và hành động. Bởi chúng ta đều không thể biết đâu là lần cuối chúng ta được chăm sóc mẹ.
Thông tin lớp Chuyên LLVH – NLXH: https://forms.gle/ui1UJQ3FgspTc6cX8
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)