
TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH NHÂN LOẠI TRONG VĂN HỌC








TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH NHÂN LOẠI TRONG VĂN HỌC


Bàn về tính nhân loại và tính dân tộc
Văn học không ra đời như một bản thể riêng lẻ mà được nâng lên từ những cái “tôi” rất riêng thành cái đa chung của toàn thể nhân loại. Một tác phẩm trước hết là cảm xúc cá nhân của tác giả nhưng sau đó nó đi vào đời dân tộc, vào con người như một thứ sức mạnh nội tâm khai sáng tâm hồn và nâng giấc con người.
Tính nhân loại
Trong văn học được thể hiện ở nhiều khía cạnh đời sống mà cốt lõi của nó là con người. Tập trung và đi sâu vào khai thác chất liệu “con người”, tác phẩm văn học mang đến những phạm trù thẩm mĩ như cái bi, cái hài, cái đẹp, cái xấu, cái cao cả,… Chung quy lại, tất cả đều hướng đến sứ mệnh cao quý của thơ văn là phục vụ cho sự sống vĩ đại trên Trái Đất.
Bàn về tính nhân loại, văn học khi bước ra đời đã gánh chở trên mình chữ “ nhân” , thế nên một tác phẩm văn học dù viết về đề tài hay được viết bằng chất liệu gì đi chăng nữa, nó vẫn không thể thoát ly khỏi con người. “ Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm của nó là con người” (Nguyễn Minh Châu). Nhà thơ của tình yêu và lòng nhân ái “Tagore” đã khạc nhổ ra những gì người nhất trong phần xác thịt của mình để viết tập thơ “Người làm vườn” mang tinh thần nhân đạo cao cả có tầm ảnh hưởng đến nhân loại. Một bài thơ viết về những chất ngọt thuần khiết và trong sáng của tình yêu lứa đôi, một tấm lòng ưu ái phụ nữ và yêu thương trẻ con thấm đậm cảm xúc của tác giả nhưng chưa dừng lại, Tagore đã đẩy cái “cảm” thành những triết lý sâu xa mang tính nhân loại. Có thể, tác phẩm của vị thánh “Tagore” mới lớn và có tầm ảnh hưởng đến như vậy.
Tính dân tộc
Trong tác phẩm văn học không chỉ là thừa hưởng những tinh hoa dân tộc trong chất liệu dệt nên câu chữ, những hình sắc đậm đà bản sắc dân tộc để viết nên vần thơ mà nó còn phải nói lên những vấn đề bức thiết liên quan đến vận mệnh dân tộc, khát vọng và niềm tin của dân tộc.
Tác phẩm sinh ra mà rời rạc với xã hội, với thời đại và đặc biệt là với dân tộc mà nó đang cộng hưởng, liệu tác phẩm ấy có đủ sức chống chọi với cơn bão thời gian? Văn học chính là cây non yếu ớt mà nhựa sống của nó là lòng người và vòng tay che chở của dân tộc. Nếu không, “Thuốc” của Lỗ Tấn không thể là kiệt tác mang tinh thần dân tộc và cứu sống dân tộc. Lỗ Tấn – người soi đường cho dân tộc Trung Hoa và cũng là linh hồn của dân tộc, đau đáu trước căn bệnh tinh thần của toàn thể nhân dân Trung Hoa, Lỗ Tấn đã dùng ngòi bút lương y của mình để cứu người và cứu hồn dân tộc, song ông cũng đề cập đến vấn đề bức thiết mà cách mạng Trung Hoa đang gặp phải đó chính là sự xa rời giữa cách mạng và nhân dân. Hình ảnh người lính Cách mạng Hạ Du hết lòng, hết sức của nước khỏi tay của bọn đế quốc nhưng lại bị chính người dân cùng một dòng máu miệt thị, thậm chí là dùng máu của người tù cộng sản để tẩm bánh bao làm thuốc. Lỗ Tấn không dừng lại ở việc thức tỉnh dân tộc mà còn thể hiện niềm tin vào tương lai, khi người mẹ của Thuyên đã vượt qua cái “ranh giới tự nhiên” của mộ những người chết chém, chết tù và mộ những người nghèo để đến và an ủi với người mẹ của Hạ Du đã cho thấy một niềm hy vọng vào sự gắn kết của Cách mạng và quần chúng nhân dân để cứu đất nước và dân tộc khỏi cơn lâm nguy.
Tính dân tộc và tính nhân loại
Là những đường giao thoa, cộng hưởng lẫn nhau để tạo nên kiệt tác văn học cho con người. Nó không phản kích lẫn nhau mà hòa vào nhau để tạo nên Nghệ Thuật. Phạm Quỳnh khẳng định: “ Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn” điều đó cho thấy Truyện Kiều là hồn cốt của dân tộc. Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc “ con rồng cháu tiên” để cất cánh cho thơ văn. Tuy mượn cốt truyện từ “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc nhưng Nguyễn Du đã sáng tạo để lồng ghép vấn đề của xã hội dân tộc trong từng câu từng chữ. Song, ta không chỉ thấy hồn cốt dân tộc trong câu thơ Kiều mà còn thấy những vân thoa của nhân loại. Truyện Kiều được dân tộc Việt yêu thích, đồng thời cũng được tán dương của toàn nhân loại bởi những gì Nguyễn Du đã gửi gắm mà nhất là tinh thần nhân đạo. Suy cho cùng, tính nhân loại khơi gợi cho tính dân tộc sinh sôi và tính dân tộc củng cố cho tính nhân loại.
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)