
TÍNH HIỆN THỰC VÀ KÌ ẢO TRONG CÔ BÉ BÁN DIÊM








TÍNH HIỆN THỰC VÀ KÌ ẢO TRONG CÔ BÉ BÁN DIÊM


Có lẽ trong ký ức tuổi thơ của mỗi người vẫn còn đọng lại chút vương vấn về câu chuyện muôn đời truyền tai nhau – “Cô bé bán diêm”. Mỗi khi đọc lại, trong lòng ta lại gợn sóng bởi tính chân thực nhưng xen lẫn yếu tố kì ảo, bởi “Cô bé bán diêm” là một câu chuyện cổ tích nhưng lại mang đậm tính nhân văn và bài học nhân sinh sâu sắc.
Tính kì ảo:
Trong truyện “Cô bé bán diêm” của Hans Christian Andersen, có nhiều chi tiết kì ảo như cô bé bán diêm thấy những hình ảnh mộng tưởng của những ngôi nhà lấp lánh ánh sáng và ấm áp, những bàn tay âm thầm giúp đỡ và những bữa tiệc ấm cúng. Cô bé cũng thấy những hình ảnh của người thân đã mất, những người thân yêu đã rời xa cô và những ước mơ không thể thành hiện thực. Ý nghĩa của những chi tiết kì ảo trong truyện là để thể hiện sự tưởng tượng và ước mơ của cô bé, cũng như để tạo ra một không gian tâm lý đầy màu sắc và phong phú. Những hình ảnh kì ảo này giúp người đọc cảm nhận được cảm xúc và tâm trạng của cô bé, đồng thời khơi dậy sự đồng cảm và suy tư về cuộc sống và ý nghĩa của nó.
Khi con người ta mất đi, về với cát bụi, cũng sẽ đều khiến người khác đau buồn, sẽ không còn là một hình hài nguyên vẹn mà là những cơ thể lạnh ngắt khiến người ta phải quặn lòng. Nhưng khi cô bé ấy mất, má vẫn ửng hồng, đôi môi vẫn mỉm cười, ai cũng thấy cô bé ấy thật xinh, cũng thật lạc quan và hạnh phúc. Nhưng chi tiết ấy, tác giả như muốn để lại một cái gì đó cho cô bé, một chút niềm vui khi ở thế giới khác, để lại những lời trách móc, lên án những con người thờ ơ vô cảm và để lại cả lời an ủi cho cô bé khi được về bên cạnh bà, cạnh người mẹ đáng quý.
Tính hiện thực
Khi cuộc sống có hai mặt đối lập, con người sẽ ra sao? Cô bé bán diêm lủi thủi, mò mẫm một mình trong mùa đông giá rét, phải cố quẹt những que diêm để sưởi ấm, thì cách đó không xa lại là những ngôi nhà với bàn ăn thịnh soạn, là những cây thông lấp lánh: “Em phải đi chân đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm vì rét”. Còn một bên là cuộc sống của người không có nổi một miếng cơm manh áo, một bên lại là những bữa tiệc sang trọng chuẩn bị đón giao thừa: “Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà ! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng thần chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân leo quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắc nhiếc, chửi rủa.”
Trong cái đêm buốt giá ấy, ngồi co ro một góc, từng mộng tưởng hiện lên ngay trước mắt cô bé. Nhưng đó lại là những ảo ảnh hiện lên vô cùng hợp lý. Tại sao ư? Quẹt diêm lần đầu tiên, cô bé tưởng tượng ra lò sưởi bởi trong cái giá rét cắt da cắt thịt ấy, cô chỉ có cái áo rách, chỗ vá chỗ khâu và cô khao khát được hưởng sự ấm cúng ấy từ những hình ảnh không có thật. Lần quẹt diêm thứ hai, cô bé tưởng tượng ra một bàn ăn thịnh soạn với con ngỗng quay bởi cả ngày cô đã không được ăn gì, bởi không bán được bao diêm nào mà cô bé không dám về nhà, bởi chiếc bụng đói meo ấy như đang mong chờ được thưởng thức những món ăn ngon vào đêm giao thừa. Khi cây diêm ấy vụt tắt, mộng tưởng về một cây thông noel lấp lánh hiện ra, đã bao lâu cô bé ấy chưa cảm nhận được hơi ấm của một đêm giáng sinh trọn vẹn, phải chăng cái mộng tưởng ấy là để nói lên nỗi lòng của một cô bé nhỏ mong muốn được hưởng chút gì không khí từ một ngày lễ. Trong sự cô đơn ấ in y, cây thông hiện ra tượng trưng cho những khát khao về sự ấm áp của một ngày giáng sinh thật sự. Và cuối cùng, mộng tưởng về người bà hiện ra, những nỗi uất ức cô phải chịu dường như đã bộc lộ ra hết, cô tưởng tượng ra bà bởi đã lâu cô chẳng nhận được tình yêu thương, sự chở che và bao dung. Bà đến mang theo tình yêu và sự ấm áp, khao khát được cảm nhận hơi ấm ấy, cô bé đã quẹt hết số diêm còn lại với mong muốn bà ở lại lâu hơn một chút. Để rồi cô bé cùng bà, cùng nắm tay bà bay lên trời rồi vụt tắt trong khoảng không lặng im…
Sáng hôm sau, ai cũng thấy cô bé người đã cứng đờ, xung quanh còn rải rác rất nhiều diêm. Đúng, cô bé đã cùng bà tận hưởng những ngày tháng tươi đẹp ở một thế giới khác, một thế giới không có khổ đau. Nhưng xã hội phải chăng đã quá tàn độc? Con người phải chăng đã quá thờ ơ trước những bất hạnh của người khác? Mọi người đi qua, đều nhìn cô bé ấy, nhưng không ai lại gần giúp đỡ…
Tham khảo lớp Bản đồ dẫn chứng: https://forms.gle/RkppJcYDf56jgvWbA
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)