
TỐ HỮU – THƠ CỦA NGƯỜI LÍNH CÁCH MẠNG








TỐ HỮU – THƠ CỦA NGƯỜI LÍNH CÁCH MẠNG


Tố Hữu – Thi sĩ, chiến sĩ Cách mạng
Tháng 7 có lẽ là tháng hào hùng và tự hào nhất trong cả năm. Bởi, đây là tháng của rất nhiều những ngày lễ kỉ niệm của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến gian khó. Nhưng ngay cả trong những năm tháng đau thương đó, nền văn học Việt Nam vẫn nâng niu và đón nhận những đóa hoa kiên cường. Tố Hữu là một trong những đóa hoa rực rỡ của thời kỳ đó.
Tố Hữu (1920-2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành. Ông là nhà thơ Cách mạng tiêu biểu của Việt Nam của thế kỷ trước. Các tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc. Tâm tư ông gửi gắm cũng là tiếng lòng chung của biết bao đồng chí, đồng đội đang chiến đấu ở tiền tuyến.
Bài thơ “Từ ấy”
Những áng thơ của Tố Hữu đi dọc theo hành trình làm Cách mạng của ông. Trước hết, đó là những rung động, khát khao cống hiến của người thanh niên trẻ khi được tham gia vào hàng ngũ người lính trong bài thơ “Từ ấy”. Nhà thơ khó giấu niềm hân hoan, hạnh phúc khi được giác ngộ lý tưởng Cách mạng “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim”. Tựa như ánh mặt trời dẫn lối vạn vật, Đảng dẫn lối dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ lầm than. Người lính gắn sinh mệnh đời mình với lý tưởng của Cách mạng, với sinh mệnh của dân tộc “ Tôi buộc lòng tôi với mọi người”. Những lí tưởng cao đẹp của thanh niên thời bấy giờ kết tinh đầy tự nhiên trong thơ Tố Hữu. Ông đã thay mặt cho những người thanh niên trẻ cất lên tiếng nói trước Cách mạng, trước dân tộc: lời hứa, lời thề gắn bó, “buộc” chặt bản thân với đất nước.
Bài thơ “Khi con tu hú”
Làm Cách mạng chưa được bao lâu thì người lính cộng sản bị bắt giam vào ngục tù. “Khi con tu hú “ là tiếng thơ bộc lộ sự kiên trung, khát khao tự do của người lính cách mạng. Bài thơ hiện lên với những cảnh sắc thiên nhiên ngày hè tươi đẹp trong ký ức người tù. Song, người lính nào chịu giam mình trong chiếc “cũi sắt” ấy, Tố Hữu “muốn đạp tan phòng”, muốn thoát khỏi “hè ôi”, cái ngột ngạt, cái inh ỏi của đất trời. Mâu thuẫn nảy lên bởi người lính khao khát được tự do, khát khao được cống hiến, được chiến đấu, sát cánh cùng đồng đội. Người lính nào chịu khuất phục.
Bài thơ “Mẹ Suốt”
Người lính cách mạng – Tố Hữu – đâu chỉ kể câu chuyện của trai tráng thế hệ mình. Ông cũng rung cảm, đồng điệu với trái tim những người ở lại nơi hậu phương như “Mẹ Suốt”. Nửa đời mẹ là bao giông tố của đời người, vậy nhưng từ thuở đi đưa đò cho những người lính, mẹ thấy “may”, thấy lòng “xuân”. Lời nói của mẹ như hoà với tâm niệm của Tố Hữu “Cứu nước, mình chờ chi ai?”. Chính sự đồng lòng, nhất chí ấy đã làm nên một thời đại “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.
Link đăng ký lớp ĐGNL: https://forms.gle/ghW8knKdGG3Hwmz89
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)