TỔNG HỢP CÁC ĐOẠN LÝ LUẬN VĂN HỌC GIÀU HÌNH ẢNH
TỔNG HỢP CÁC ĐOẠN LÝ LUẬN VĂN HỌC GIÀU HÌNH ẢNH
Tổng hợp các đoạn viết lý luận văn học giàu hình ảnh
- Nhà văn chân chính làm con ong miệt mài đi hút nhụy hoa, sương đêm lắng đọng để làm nên mật ngọt cho đời, và ngôn ngữ là phương tiện thiết yếu giúp nhà văn sản sinh ra hương mật văn chương. Bông hoa kia dù ngọt ngào hương sắc đến đâu, giọt sương đêm dù tinh sạch hơn khí trời vẫn chỉ là vô dụng nếu chú ong không thể tạo mật thơm lành.
- Hiện thực trong văn học không đồng nhất sống sượng với hiện thực ở thế giới vật chất bên ngoài. Nó là lượng đã chuyển hóa thành chất, là từ trường của kim loại chứ không phải kim loại, là chất của hạt gạo đã được ủ thành men, là vàng đã qua thử lửa, là ngọc trai đã qua quá trình hoài thai đớn đau nơi rốn bể, là hương phấn đã được chưng cất thành mật.
- Nhà thơ? Tôi nghĩ đến những người truyền lửa và những người trồng hoa. Lửa để duy trì cuộc sống. Hoa để làm cho cuộc sống dịu dàng và có ý nghĩa. Nhà thơ truyền lửa là người đứng giữa đại lộ, dẫn đầu đám đông, dựng lên những con đường lửa cao ngất trời. Nhà thơ trồng hoa khiêm tốn hơn, họ thường ngồi bên vệ đường, cặm cụi và lặng lẽ làm việc. Đường phố có xôn xao, có tấp nập, có dập dìu tài tử giai nhân, có ngựa xe như nước áo quần như nêm thì cũng mặc! Họ cứ âm thầm vun vén từng gốc cây, tỉa tót từng chiếc lá, thúc giục cái vô tri nở nụ nhiệm màu, thúc giục cái vô ngôn cất lên lời ca thiên thâu, để làm dịu bớt cái oi ả của mặt trời, để làm thắm lại cái khô cằn của mặt đất, và để lại cho những người vốn gù lưng bẩm sinh đang lầm lũi bước đi với cái bóng chênh chếch của mình giữa lòng đường kia có thể thấy được rất vừa tầm sự kết tinh của hương và sắc.
- Chữ của đời, những dòng chữ mượt mà êm tay hay những lớp sóng ngôn từ xô đẩy, những dòng chữ gợi lên nỗi xót xa hay làm bật tiếng khóc nức nở, nụ cười mỉa mai, nỗi đau quặn thắt,… đều là những chất liệu cuộc sống muôn hình, muôn vẻ mà nhà thơ, nhà văn đang tồn tại trong lòng của nó.
- Trong cuộc sống có biết bao điều ta nâng niu trân trọng. Bạn yêu bức phù điêu tạc chân dung một vị thần công lý, người khác lại rung động bởi nét nhạc dịu nhẹ, thiết tha của Sopanh, người thứ ba lại yêu bức họa cánh rừng xào xạc như hiện ra trước mắt trong “Mùa thu vàng” của Levitan… Nhưng với riêng tôi, cái mà tôi yêu nhất đó là những vần thơ tươi xanh, những vần thơ lửa cháy,…
- Hình tượng nghệ thuật đã làm cho con người, bằng tưởng tượng, nhập cảm tâm hồn vào những hình thức không hồn trong đời sống. Đây chính là một thao tác đưa cảm nhận của con người vào tự nhiên và tạo vật mà phương Tây gọi là thuyết “di chuyển tình cảm” và phương Đông gọi là kí thác. Khuất Nguyên kí thác tâm sự vào hoa thơm cỏ dại. Trang Chu mượn chuyện bướm hóa người để nói chuyện thực hư. Nguyễn Trãi miêu tả trăng, khí phách, phẩm chất của mình qua phẩm chất cây tùng.
- Đâu phải tự nhiên mà người ta có thể thấy được trong tà áo phơ phất của người mình yêu có hai phần gió thổi, một phần mây, trong ánh mắt của người mình yêu có cái gì vừa thanh cao, vừa sắc sảo của một lá liễu. Trước khi có nhà thơ, nhìn khói sóng trên sông chiều hiu quạnh, chưa chắc loài người đã tự dưng nhớ đến cố hương, nghĩ đến cái du du của trời đất. Nhân loại chỉ thực sự có tâm hồn từ khi nhân loại có thơ ca.
- Chính vì ngôn ngữ hay ngôn từ chỉ là kí hiệu, cho nên nó mới trở thành “cái vỏ vật chất của tư duy” (K.Marx), tuy không đem đến những trực quan sinh động nhưng lại mang tính tư duy trực tiếp. Cũng vì vậy mà ngôn từ “tuy không là mật nhưng dính với tất cả”, nghĩa là nó có thể “chỉ danh”, “chỉ tính”, “chỉ thái” bất kỳ sự vật, hiện tượng nào trên cõi đời này, từ vĩ mô đến vi mô, từ hữu hình đến vô hình, từ triền miên đến chớp nhoáng.
- Trong “Ý nghĩa văn chương”, Hoài Thanh từng trăn trở: “Con chim bị thương rơi xuống bên chân nhà thơ Ấn Độ là nhà thơ bật khóc. Tiếng khóc ấy, nhịp đau thương ấy, chính là nguồn gốc của thi ca.” Nguồn gốc của văn chương là nhu cầu biểu đạt tình cảm, cảm xúc của con người, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân loại. Nhà thơ A với áng thơ B của mình đã làm rung động biết bao tâm hồn độc giả bởi tinh thần nhân văn ẩn chứa trong từng câu chữ.
- Khi đọc một quyển sách, tâm hồn tôi đã có dịp giao hòa vào trang giấy mà rung lên những cung bậc xúc cảm, để sống giữa muôn vàn giá trị của văn chương. Sự tiếp nhận, tôi nghĩ mỗi chúng ta sẽ có những quan điểm khác nhau về nó. Song sau cùng, tiếp nhận hướng con người đến việc thưởng thức nghệ thuật, cảm nghệ thuật một cách riêng biệt. Khi các nhà văn hô hào rằng mỗi tác phẩm là một “cấu trúc mở”, tôi băn khoăn cái mở ấy có bị khuôn hẹp trong một sự đóng kín nào khác, nơi những đường biên mà sự tiếp nhận không thể đi xa hơn?
- Tôi đã đến với văn chương khi nhận ra những vẻ đẹp mà nó đem lại cho mình: sự đồng cảm, sự sẻ chia, sự thấu hiểu với những số phận khác nhau trong cuộc đời này. Cái đẹp của tâm hồn là thứ vẫn luôn tồn tại trong lòng con người, chỉ là đôi khi bị những bụi bặm của cuộc đời che phủ mất. Văn chương đã khơi dậy vẻ đẹp tiềm tàng ấy, giúp tôi thêm bình ổn và vững tin trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, tôi cũng ý thức rằng chỉ đẹp thôi chưa đủ, mà đôi khi cũng phải dũng cảm chịu đau để giúp người và giúp đời.
- Tôi đã đến với văn chương khi nhận ra những vẻ đẹp đem lại cho mình: sự đồng cảm, sự sẻ chia, sự thấu hiểu với những số phận khác nhau trong cuộc đời này. Cái đẹp của tâm hồn là thứ vẫn luôn tồn tại trong lòng con người, chỉ là đôi khi bị những bụi bặm của cuộc đời che phủ mất. Văn chương đã khơi dậy vẻ đẹp tiềm tàng ấy, giúp tôi thêm bình ổn và vững tin trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, tôi cũng ý thức rằng chỉ đẹp thôi chưa đủ, mà đôi khi cũng phải dũng cảm chịu đau để giúp người và giúp đời.
- Chỉ có bóng điện mới có thể tỏa sáng dù không có oxy. Còn văn chương không phải là phát minh khoa học. Đó là phát kiến tâm hồn. Văn chương không nảy sinh, không tồn tại trong môi trường chân không. Những dòng chữ không thể tỏa sáng nếu thiếu dưỡng khí cuộc đời, gắn bó như linh hồn và máu thịt với đời sống lịch sử mà nó sinh tồn. Người xưa có câu: “Người có sâu cạn, cho nên thơ có mờ tỏ, rộng hẹp khác nhau. Thời có lên xuống, cho nên thơ có sơ, có thịnh” (Nguyễn Cư Trinh). Quả đúng là mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời. Cái trăm năm, ngàn năm của một đời thảo mộc văn chương chỉ có thể tốt tươi, đơm hoa kết trái, làm hạt giống cho những mùa vô tận khi và chỉ khi nó được sống trong bầu sinh quyển mang tên thời đại. Và nghệ sĩ, người gieo hạt, trồng cây không thể là kẻ không hiểu quy luật đó, càng không thể là kẻ thờ ơ đứng ngoài quy luật đó.
- Tác giả Nguyễn Hiến Lê đã từng nói: “Nhà văn có thể không cần tiền, cũng không cần vàng, nhưng nhất định là phải cần độc giả. Tất nhiên có tác phẩm kén độc giả, có tác phẩm không, có người viết cho đương thời, có kẻ viết cho hậu thế, nhưng đã viết thì ai cũng mong có người đọc mình, nếu không thì viết làm gì?”. Nếu nhà văn là người mở ra sự sống cho một tác phẩm văn học thì bạn đọc chính là khâu cuối quyết định sự thăng hoa hay tàn bại của sự sống đó. Và đó là quá trình tiếp nhận văn học. Tiếp nhận văn học là hoạt động người đọc hòa mình vào tác phẩm, là sự rung cảm, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được cấu tạo lên bằng các yếu tố văn học, là sự lắng nghe tiếng gọi âm ỉ của tác giả trong mỗi câu chữ, là sự thưởng thức cái đẹp, cái tài của một văn bản bằng trí tưởng tượng, cảm xúc, vốn sống và kinh nghiệm của bản thân người đọc. Cũng như quá trình sáng tạo của các nhà văn, quá trình tiếp nhận văn học cũng có những tính chất và giai đoạn cảm thụ riêng biệt.
- “Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em
Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới bể”
(Vũ Quần Phương)
Cũng như dòng sông, văn chương chẳng bao giờ chảy một đường thẳng vô tình mà thành. Đó phải là hành trình uốn lượn qua bao núi đồi, chảy qua bao miền đất, gom góp từng hạt phù sa đời, ôm trong lòng cả những niềm hần hoan, lẫn những đau khổ bất hạnh, để rồi từ đó đổ ra bể lớn mà thành những tác phẩm nghệ thuật vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian.
- Văn chương là “nhịp cầu của sự đối thoại” ( Huỳnh Như Phương), nhưng không phải là chiếc câu sắt khô cứng, lạnh lẽo, mà mỗi tác phẩm ra đời là một chiếc cầu dải yếm đong đầy ý tình bắt từ thế giới nội tâm của nhà văn đến cõi tinh thần của người đọc, để những điệu hồn kiếm tìm hồn điệu tri kỷ tri âm. Đến với văn học, dòng sông ngăn cách giữa những nền văn hóa, những tộc người, bỗng chốc bé lại chỉ rộng một gang, mà nghệ thuật là chiếc cầu nối liền hai bến bờ cho muôn người tìm nhau, gặp nhau và gần nhau.
- Có những ngày loài ong phải kiên trì chờ cánh nụ hồng tỏa hương, cũng có những tán cây cổ thụ phải vươn mình kiếm tìm những hạt mưa đầu mùa. Có chăng thế gian luôn tồn tại những nỗi chờ đợi, và văn chương cũng thế? Không ngoại lệ, thế nhưng sự chờ đợi trong văn chương nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự tự phát mà bắt nguồn từ nhiều phía khác nhau. Đó là sự chờ đợi, ngóng trông của bạn đọc với tác phẩm hay của tác phẩm dành cho bạn đọc, đó là sự đợi chờ để thấu hiểu, để cảm thông, để bày tỏ và tâm sự như chính họ đang đi tìm người bạn tri âm tri kỷ của mình.
- Lớn lên trên mảnh đất nhân gian, văn chương nghệ thuật được ví như những đóa hoa tán lá trong thế giới thiên nhiên muôn hình vạn trạng. Để có một một bông hoa tỏa hương, để có được những chiếc lá xanh ngát thì phải trải qua một quá trình chăm sóc đặc biệt. Với văn chương cũng thế, nếu nhà văn là người gieo mầm hạt giống thì bạn đọc chính là những người thợ tần tảo tạo nên số phận của nó, là loài hoa rực rỡ trong nắng hay lụi tàn trong tro bụi. Và chỉ khi người thợ ấy đủ tâm huyết để yêu thương, đủ bao dung để thấu hiểu thì hương hoa mới nở, cây lá mới xanh, một tác phẩm chân chính mới có thể sống lâu với đời.
- Rồi những cơn mưa đi qua, rồi những mùa lá rụng lại tới liệu rằng có giới hạn nào đặt ra dành cho sự tồn tại của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng? Văn chương đến với thế gian từ thuở hồng hoang đến đương đại, từ những câu từ đơn sơ đến ngôn ngữ căng tràn cảm xúc, để lại cho đời, cho lòng người bao bài học đắt giá và những rung cảm sâu sắc nhất. Vì thế mà dẫu vết bụi của thời gian có lấp nhòa, dẫu những cơn mưa có trôi qua, dẫu những mùa lá rụng có vùi lấp thì có lẽ văn học, những tác phẩm văn học sẽ mãi là tồn tại hữu hình bên trong tâm hồn cá nhân mỗi người, là một món vật tinh thần đầy đặc biệt không thể xóa bỏ.
- Những áng văn cũng giống như bức tranh nghệ thuật được thể hiện qua phương diện ngôn ngữ. Bởi lẽ người nghệ sĩ đã tạo tác bằng vô vàn màu sắc, đường nét, hình ảnh, đóng gói trong “ngôn từ” một cách thật uyển chuyển, nhẹ nhàng. Qua đó, mỗi tác phẩm gợi lên trong tâm trí người đọc là những bức họa, những bản vẽ hoàn chỉnh nhất, tươi đẹp nhất và phong phú nhất. Như vậy, văn chương không chỉ cho ta thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ qua thị giác mà còn rung động đến nao lòng qua giác quan thính giác. Có chăng, đấy là đặc trưng riêng biệt mà văn chương mang lại?
🌸Bí kíp học văn đạt kết quả cao: https://linkbio.co/rubikvanchuong
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)