“Trước những cái xấu – cái đối lập, con người sẽ…”. Bằng trải nghiệm của mình, em hãy viết tiếp sau mệnh đề trên.
“Trước những cái xấu – cái đối lập, con người sẽ…”. Bằng trải nghiệm của mình, em hãy viết tiếp sau mệnh đề trên.
Thấy một người gặp tai nạn không có ai giúp đỡ nhưng ta vẫn lướt qua và tự nhủ: “ta sắp trễ giờ làm”, đó là tốt hay xấu? Thấy bạo lực gia đình nhưng không can ngăn và tự nhủ: “lỡ người ta ghi thù gia đình mình”, đó là thiện hay ác? Thiết nghĩ, thiện-ác, tốt- xấu, cao cả – thấp hèn trong cuộc nhân sinh này, vốn là thứ không thể vội vàng đưa ra một xác quyết…
Đối lập – vốn là một phạm trù triết học chỉ những mặt trái ngược nhau về tính chất, đặc điểm tồn tại phổ biến trong cuộc đời. Sáng đối lập với tối, thiện đối lập với ác, đẹp đối lập với xấu, dối trá đối lập với sự thật, sống đối lập với chết…. Không chỉ tồn tại trong những đối tượng khách quan mà những mặt đối lập ấy con tồn tại trong chính bản thân con người, mỗi người đều luôn luôn bị giằng co, tranh đấu giữa những mâu thuẫn. Tại sao lại có những điều trái ngược như thế? Có lẽ là bởi đối lập tạo nên sự cân bằng, tạo nên sự phức tạp, và từ đó mà tạo nên cuộc sống. Cũng có lẽ là vì còn tồn tại những mâu thuẫn, nên con người phải lựa chọn, và đứng trước những sự lựa chọn, con người mới có cơ hội hiểu mình chăng?
Trước những cái xấu – cái đối lập, con người sẽ lên tiếng!
Trước cái xấu, cái ác, là con người, ai cũng ai cũng bất bình, và khi bất bình, chúng ta cất lên tiếng nói bày tỏ suy nghĩ. Ta lên tiếng để vạch trần những điều tiêu cực, bởi lẽ, làm sao cái xấu có thể hiện hình nếu ta không phát giác, và làm sao cái ác bị đưa ra ánh sáng nếu ta không lên tiếng? Song, vạch trần mới chỉ là bước đầu, lên tiếng, còn là để đấu tranh! Ta đấu tranh để bảo vệ cái tốt đang bị đe dọa, để bảo vệ điều thiện đang bị tổn thương, bảo vệ ánh sáng đang bị bóng tối xâm lấn, bảo vệ chân lý đang bị che giấu, và bảo vệ những kẻ yếu ớt đang bị dập vùi. Chỉ khi tiếng nói cất lên có thể tạo nên sức lan tỏa, có thể bảo vệ điều thiện, sự lên tiếng ấy mới thật sự có ý nghĩa, mới đi trọn con đường của nó. Trước những đau đớn mà bé Vân An, 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh phải gánh chịu khi bị dì ghẻ bạo hành, người ta bức xúc, người ta vạch trần, và người ta lên tiếng đòi công bằng cho sự sống của một đứa trẻ, để rồi dẫu muộn màng, kẻ gieo gió ắt phải gặt bão. Tiếng nói, trước cái ác, cái xấu, là thứ vũ khí đầu tiên mà con người có để có thể làm một điều gì đó cho cái thiện, cái đẹp. Sự lên tiếng ấy, trước nhất là để đấu tranh cho chân lý trong xã hội, nhưng chính tiếng nói mà ta cất lên cũng có ý nghĩa đối với bản thân mỗi con người. Không phải chỉ vì mỗi người là một cá thể tồn tại trong xã hội ấy, mà còn vì khi ta lên tiếng, ta sẽ không hổ thẹn với lương tâm của chính mình, sẽ không phải day dứt, hối tiếc trong lòng. Hơn nữa, thiện – ác vốn là cuộc chiến muôn thuở trong mỗi con người, một lần ta lên tiếng là một lần ta bỏ phiếu cho cái thiện, là một lần ta không thỏa hiệp với cái ác, là một lần ta giữ bản chất tốt đẹp cho chính bản thân mình. Và chính điều đó khiến ta giữ được phần người của mình, khiến lòng ta thanh thản vì đã không ngoảnh mặt làm ngơ. Gieo nhân nào gặt quả nấy, dù quen nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi, làm điều thiện, ta sẽ gặp được bình an, hạnh phúc trong cuộc đời. Tôi vẫn ám ảnh câu chuyện một người phụ nữ bị cưỡng hiếp trên xe buýt, dù trên xe rất đông người nhưng không một ai lên tiếng bảo vệ cô gái, chỉ có một cụ già dám đứng lên và giằng lấy cô gái khỏi tay những kẻ tội đồ. Điều bất ngờ là cô gái lại xô ông lão ra khỏi xe, để lại một điều khó hiểu với con người vừa làm điều tốt ấy. Những tưởng làm ơn mắc oán, nhưng chỉ vài phút sau, chiếc xe đã lao xuống vực, mang theo cả những kẻ đã im lặng thờ ơ, chỉ có người duy nhất bảo vệ cái thiện được sống sót. Đó là sự đền đáp xứng đáng của công lý!
Thế nhưng, lời nói vốn là con dao hai lưỡi, khi ta lên tiếng trước sự hoành hành của cái ác, cái xấu cũng là lúc ta tự đặt mình vào vòng nguy hiểm. Phải làm sao khi chỉ có một mình ta lên tiếng, khi đó, đối tượng mà cái ác nhắm vào sẽ chính là bản thân ta? Phải làm sao khi chỉ có một mình ta lên tiếng, để rồi rơi vào tĩnh lặng vô cùng, và điều xấu vẫn ngang nhiên hoành hành? Ta phê phán sự thờ ơ trong lối sống của con người hiện đại, ta bức xúc khi có những người không giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn vì sợ phiền là vô cảm, nhưng thật ra sự im lặng ấy, không phải không có cái lý của nó. Lời nói chỉ có sức mạnh khi có sự cộng hưởng, vì“ một cây làm chẳng nên non”. Và đáng sợ hơn, phải làm sao khi sự bức xúc nhất thời che mờ lý trí, ta buộc tội sai người, ta nhìn cái thiện mà tưởng cái ác, nhìn sự thật mà ngỡ là dối trá, và những người đang làm điều tốt vì lời nói của ta mà bị hàm oan? Đó là lúc ta không những vạch trần cái ác, mà còn tiếp tay cho nó nữa. Có người nói “ người nói càng nhiều càng tạo ra nhầm lẫn”, vốn dĩ thiện ác không dễ tường minh, không dễ tách biệt, phân định, vì vậy, phải thận trọng trước khi nói ra, đừng để lời nói của ta làm tổn thương những giá trị tốt đẹp!
Trước những cái xấu- những cái đối lập, con người sẽ im lặng!
Có người sẽ bức xúc ngay, tại sao trước cái ác, ta lại im lặng? Nhưng im lặng không đồng nhất với thỏa hiệp! Im lặng để nhìn cho thấu đáo, thành ngữ hiện đại có câu: “miệng nhanh hơn não”, không phải không có lý! Trước những bức xúc, trước hiệu ứng đám đông, ta thường bỏ mặc lý trí, để rồi hùa theo mọi người lên tiếng chỉ trích một người về một vấn đề nào đó. Song, như đã nói, những mặt đối lập không dễ phân định rạch ròi, huống hồ trước làn sóng dư luận, mấy ai đủ bình tĩnh để suy nghĩ cho thấu đáo. Buộc tội nhầm cái thiện còn ác hơn cả làm điều ác! Một lời nói ra có thể giết chết cả một con người! Vì vậy, trước cái ác, đôi khi điều đầu tiên không phải là vội vã kết luận, vội vã lên tiếng, mà là giữ cho mình cái đầu lạnh để im lặng suy nghĩ. Ta vẫn thường nghĩ, im lặng nghĩa là đồng tình, là thỏa hiệp, nhưng có những người không lên tiếng để im lặng hành động! Lên tiếng không phải điều xấu, nhưng lên tiếng rồi thôi thì vô nghĩa, ngược lại, không lên tiếng nhưng hành động, đó cũng là một cách đấu tranh, một cách bảo vệ, thiết thực hơn nhiều! Dĩ nhiên có nhiều người vừa lên tiếng, vừa hành động, nhưng thực tế đáng buồn hiện nay là, người lên tiếng thì nhiều, người hành động thì ít. Ta bức xúc trước việc giết mổ chó mèo, ta lên tiếng kêu gọi, tuyên truyền, thế nhưng rồi thực trạng ăn thịt chó, ăn thịt mèo vẫn đâu có dấu hiệu giảm đi. Có người hành động, nhưng hành động nửa vời, nhanh nản, rồi vấn đề bỏ lửng… Như thế, thà rằng ta im lặng mà hành động triệt để. Và thực tế cũng cho thấy rất nhiều người chỉ im lặng trước những vấn đề nóng nhưng chính họ là người góp sức để giải quyết vấn đề đó. Sự im lặng, không chỉ giúp chúng ta bình tĩnh, có độ lùi nhất định để không bị cuốn theo đám đông, mà còn giúp ta có thời gian tìm ra những biện pháp khả dĩ cho cuộc tranh đấu giữa thiện và ác.
Song, im lặng nhiều khi là ích kỷ
Song, im lặng nhiều khi là ích kỷ, là sợ bản thân bị vạ lây, sợ phiền phức. Im lặng đôi khi là thỏa hiệp, vì quan niệm “đục nước béo cò”, người ta mặc nhiên để cái ác hoành hành. Dĩ nhiên, cuộc đời có tốt có xấu mới gọi là cuộc đời, nhưng khát vọng hướng tới cái chân thiện mỹ là khát vọng muôn đời của muôn người, hơn nữa, ta có thể chấp nhận cái xấu luôn tồn tại, nhưng không được để nó lấn át, vùi dập, che lấp cái thiện. Khi đó, cuộc sống của con người sẽ lâm nguy!
Pythagon từng nói: “Im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn ngoan. Ai không biết im lặng là không biết nói”. Martin Luther King thì tin rằng: “Cuộc sống chúng ta bắt đầu chấm dứt ngay trong cái ngày mà chúng ta im lặng trước những vấn đề hệ trọng”, vốn dĩ im lặng hay lên tiếng cũng chính là hai mặt đối lập đấy thôi! Thực phức tạp! Nhưng phức tạp thế mới là đời! Cõi đời không phải là thiên đường hay là địa ngục, để rồi hoàn toàn thánh thiện, hay hoàn toàn xấu xa. Cuộc đời là lằn ranh giữa hai cõi giới đó. Và xấu hay tốt cũng không phải là hai chiếc sọt để chúng ta phân loại con người, người lên tiếng không hẳn đã là người tốt, kẻ im lặng chưa chắc đã hoàn toàn xấu xa, con người là tổng hòa của những mặt đối lập. Cuộc sống của chúng ta là một tập hợp khổng lồ của những điểm sống, mỗi điểm sống ấy là một ngày, số ngày chúng ta làm việc thiện, chúng ta bỏ phiếu cho sự thật càng nhiều, cuộc đời ta càng đẹp, càng thanh thản. Nhiều người sống nhiều ngày như thế, cái ác sẽ không có cơ hội phủ bóng đêm xuống cõi nhân gian. Vậy nên, ứng xử như thế nào, đó là lựa chọn của con người.
Lựa chọn lên tiếng hay im lặng, thật ra không phải là điều đơn giản
Thực ra, cuộc đời không phải lúc nào cũng có những cái “đối lập” về hai cực triệt tiêu nhau, cái chết không phải là “đối lập” với sự sống mà nằm trong sự sống, cái xấu và cái tốt đôi khi cũng xuyên thấm, chuyển hóa, chấp chới giữa lằn ranh như thế. Vậy nên, lựa chọn lên tiếng hay im lặng, thật ra không phải là điều đơn giản. Đó cũng là một cuộc tranh đấu trong thâm tâm mỗi người. Lên tiếng có nhiều rủi ro, im lặng cũng rủi ro không kém, khi ta lên tiếng để bảo vệ một người, nhiều khi ta đòi lại công lý cho người ấy, nhưng ta mất đi nhiều thứ quý giá của mình, vậy sự lên tiếng ấy có đáng? Khi ta im lặng vì có quá nhiều thứ để mất để rồi cứ day dứt mãi vì đã không lên tiếng, liệu sự im lặng ấy có thanh thản? Lên tiếng hay im lặng, đó còn phụ thuộc vào bản lĩnh của con người, vì dù lựa chọn gì trong hai điều đó, ta đều phải đánh đổi. Lên tiếng hay im lặng, đó còn phụ thuộc vào niềm tin của con người. Khi ta giúp đỡ một người nghèo khó, để rồi nhận ra họ chỉ lợi dụng lòng tốt của ta, ta có còn tin vào cái thiện? Nếu ta tin rằng việc làm tốt của mình không thực sự có ý nghĩa, không tạo nên một thay đổi khả dĩ nào với thực tại, liệu ta có muốn phí thời gian thực hiện nó. Và cũng có khi, ta chẳng cần phải đắn đo xem liệu ta nên lên tiếng hay im lặng, vì có nhiều chân lý sẽ luôn tồn tại, và có nhiều vấn đề không phải con người là kẻ quyết định, mà thời gian mới là thứ trả lời! Hành động như thế nào, đó là quyền lựa chọn của con người, và hành động sẽ định nghĩa một con người. Và đôi khi, quan trọng không phải là lựa chọn cái này thì sẽ vứt bỏ cái kia, mà là cố gắng dung hòa và cân bằng mọi thứ trong khả năng của mình. Chỉ khi hiểu mình, ta mới có thể đưa ra những hành động khiến ta không phải day dứt, vậy nên, hiểu mình, đó cũng là điều quan trọng!
Tốt hay xấu, thiện hay ác, đều nằm trong mỗi con người, ta muốn mình trở thành người thế nào, và làm gì để khẳng định điều ấy, đó là cả một hành trình. Im lặng hay lên tiếng, chỉ có bạn mới có thể quyết định…
HÀ HẠNH NHIÊN
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)