
TRUYỆN KIỀU VÀ NHỮNG ĐIỂN TÍCH BẤT HOẠI








TRUYỆN KIỀU VÀ NHỮNG ĐIỂN TÍCH BẤT HOẠI


Bỉ sắc tư phong :
“Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
“Bỉ sắc tư phong” ở đây có nghĩa là được cái kia ít, thì cái này nhiều, không cân nhau bao giờ. Người tài đường đời truân chuyên, bạc mệnh. Nguyễn Du đã lấy ý trong câu “Phong vu bỉ sắc vu thử”, “phong vu tài sắc vu ngộ”. Ở đây tác giả dùng chữ “tư” thay vào chữ “thử” cho hợp bằng trắc. Lấy tích từ : “Thánh Thán bình: tạo hoá kỵ doanh, phong thử sắc bỉ, sở dĩ nhất sinh nhất phàn nhan sắc thụ thập phần chiết ma, phú nhất phần tài tình, tăng nhất phần nghiệt chướng”, có nghĩa là: “Thánh Thán bàn rằng: ông tạo hoá ghét người được trọn vẹn đủ điều, người được điều nọ mất điều kia, cho nên sinh cho người ta được một phần nhan sắc thì lại bắt người chịu mười phần chiết ma, được một phần tài tình thì bắt chịu thêm một phần nghiệp chướng”.
Lược thao:
“Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài”
” Lược thao” là bởi chữ “lục thao tam lược”, chữ trong sách binh thư thuở xưa. Tam lược và lục thao của Khương Tử Nha đời Chu nói về phép dùng binh. Tam lược có 3 thiên: Thượng, Trung, Hạ. Lục thao có 6 thiên: Long, Hổ, Văn, Vũ, Báo. Khuyển. Ở đây “lược thao” là phương pháp dụng binh có mưu cơ.
Sen vàng:
“Sương in mặt, tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng, như gần như xa”
“Sen vàng”: đời Nam Bắc triều bên Trung Hoa, Đông hôn hầu đời Nam Tề lên làm vua yêu Phan phi, làm hoa sen bằng vàng lát xuống đất cho nàng đi, rồi cười mà nói rằng: ” Quý phi đi mỗi bước, chân nở ra 1 bông sen”. Từ đó lấy sen vàng để chỉ bước chân phụ nữ. (Điển tích và Cổ học tinh hoa)
Sân lai – gốc tử:
“Sân lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
“Gốc tử” ở đây chỉ cây tử, còn gọi cây thị, là thứ cây cha mẹ thường trồng ở sân nhà làm bóng mát. Cây tử càng to, càng cao, là minh chứng cha mẹ càng già càng yếu. “Sân Lai” trong câu thơ là “sân nhà của Lão Lai Tử”. Theo Hiếu tử truyện, thời Xuân Thu có một người tên là Lão Lai Tử. Ông là một người con rất có hiếu với cha mẹ. Lão Lai 70 tuổi rồi mà cha mẹ vẫn còn sống. Có lần, ông mặc áo ngũ sắc, múa may biểu diễn, lại còn giả vờ ngã cho cha mẹ vui cười. Câu “Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm” hàm ý là Kiều đã xa nhà khá lâu, cây tử trồng trong sân giờ đã lớn lắm rồi (tới mức vừa người ôm). “Sân Lai” sau này thành một từ chỉ sân nhà cha mẹ của ai đó. Còn có từ “Phần Tử” dùng chỉ quê hương. Phần là “Phần Du”, vốn là quê hương của Hán Cao Tổ. Tử là cây tử, rất hay được trồng ở trước nhà các gia đình xưa. Con cháu hãy nhìn cây tử mà thể hiện sự kính trọng và yêu thương ông bà, cha mẹ mình.
Tài liệu tham khảo:
– Bài viết của PGS.TS Phạm Văn Tình – Hội Ngôn ngữ học VN về điển tích trong “Truyện Kiều”.
– Fanpage Điển tích và Cổ học tinh hoa.
Link lớp ôn thi HSG THCS: https://forms.gle/MMC8JdtQU3dBwDGeA
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)