
VẬN DỤNG VĂN HỌC SỬ VÀO BÀI VIẾT NGHỊ LUẬN VĂN HỌC








VẬN DỤNG VĂN HỌC SỬ VÀO BÀI VIẾT NGHỊ LUẬN VĂN HỌC


|GIA VỊ VĂN CHƯƠNG| – |VẬN DỤNG VĂN HỌC SỬ VÀO BÀI VIẾT NGHỊ LUẬN VĂN HỌC|
Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX:
Văn học mang tính quy phạm sùng cổ, phi ngã và sự phá vỡ tính quy phạm ở số ít các nhà văn/nhà thơ nổi bật; khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị khi văn học ngày càng trở về gần với cuộc sống; tiếp thu và dân tộc hóa tinh thần tinh hoa văn học nước ngoài. Trong thời kì văn học này, có các giai đoạn đáng chú ý: Giai đoạn X đến hết XIV; Giai đoạn XV đến hết XVII; Giai đoạn XVIII đến nửa đầu XIX; Giai đoạn XVIII đến nửa đầu XIX
Dẫn chứng tiêu biểu:
+ Giai đoạn từ thế kỉ X-XV, dân tộc ta giành nhiều thắng lợi chống ngoại xâm, xây dựng được quyền độc lập tự chủ, chế độ phong kiến ở thời kỳ phát triển. Chính vì thế, văn học thời kì này mang âm hưởng hào hùng, đặc biệt là hào khí Đông A thời Trần ( Sông núi nước Nam, Tỏ lòng, Hịch tướng sĩ ). Ra đời ở thời Trần và Hồ, văn học Việt Nam phản ánh rõ nét “hào khí Đông A”. Đặt trong bối cảnh ấy, phải nhận rằng Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão là tác phẩm thật đáng quý, đã cho hậu thế nhìn thấy được phần nào hào khí của một triều đại (hào khí Đông A) và tư thế, tầm vóc kiêu hùng của một dân tộc dám khẳng định mình trước một đế quốc gần như không có đối thủ và lãnh thổ trải rộng như cánh chim đại bàng che rợp cả hai châu lục Á – Âu. Nhưng nói thế có phải quá lời, khi bài thơ chỉ gồm 4 câu 7 chữ, có một dung lượng quá bé nhỏ? Thực ra, không cứ phải dung lượng lớn với các câu chữ điệp trùng thì một tác phẩm văn học mới ôm chứa được những vấn đề lớn lao, hệ trọng của quốc gia, dân tộc và thời đại. Tính chất ước lệ của nghệ thuật có thể cho phép nhà văn, nhà thơ làm được những việc tưởng không thể làm, với điều kiện người nghệ sĩ làm chủ được chất liệu sáng tạo và biết phản ánh đời sống ở những khía cạnh bản chất nhất, tinh túy nhất. Qua những gì đã thể hiện ở bài thơ Thuật hoài, có thể thấy Phạm Ngũ Lão đã chứng tỏ được bản lĩnh của một nhà thơ đích thực trong việc dựng chân dung tinh thần của thời đại. Một thời đại mà đấng nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất, ghi danh tạc vào núi sông!
+ Nhà thơ Đặng Trần Côn đã sinh ra và sống vào thời đại phong kiến suy tàn, giai cấp thống trị chuyên chế những năm 70 của thế kỉ XVIII. Trải qua binh biến thời đại, có lẽ vì thế mà “Chinh phụ ngâm khúc” – tác phẩm tiêu biểu nhất của ông đã phản ánh một vấn đề nóng hổi của thời đại, là tiếng nói chống chiến tranh phi nghĩa và khát vọng hòa bình của nhân dân. Vì thế, cuộc chiến tranh được nói đến trong Chinh phụ ngâm khúc là cuộc chiến tranh phi nghĩa nhằm đàn áp phong trào khởi nghĩa nông dân của giai cấp thống trị. Đây là vấn đề nóng hổi của thời đại.
Chinh phụ ngâm khúc không phản ánh toàn diện cuộc chiến. Khúc ngâm chỉ đi sâu vào khía cạnh chiến tranh làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Chinh phu ra đi để lại người vợ héo hon sầu muộn, hoài phí tuổi xuân. Trong khi đó, bản thân chàng ở nơi chiến trường có một cuộc sống đen tối, sinh mệnh bị đe dọa. Hình ảnh chàng trai trẻ oai phong lẫm liệt chỉ xuất hiện thoáng qua ở đầu tác phẩm, còn trong nỗi nhớ thương của chinh phụ, chàng hiện lên thật tiều tụy, mệt mỏi, bạc nhược. Như vậy, qua nỗi sầu chinh phụ, tác phẩm đã kín đáo lên án giai cấp thống trị, bày tỏ khát vọng được sống hòa bình của nhân dân.
Đầu thế kỉ XX đến năm 1945:
Văn học chuyển sang giai đoạn hiện đại hóa là quá trình làm cho làm cho VH thoát ra khỏi hệ thống thi pháp VH trung đại và đổi mới theo hình thức VH phương Tây,có thể hội nhập với VH thế giới, và phân hóa thành nhiều bộ phận, nhiều trào lưu và khuynh hướng văn học. Trong thời kì văn học này, có các giai đoạn đáng chú ý: Giai đoạn 1: từ 1900 – 1920; Giai đoạn 2: từ 1920 – 1930; Giai đoạn thứ 3: từ 1930 – 1945. Tiêu biểu nhất vẫn là giai đoạn 1930-1945: Có sự cách tân sâu sắc ở nhiều thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, phóng sự, phê bình ra đời và đạt được nhiều thành tựu có tiếng vang.
Dẫn chứng tiêu biểu cho giai đoạn 3
+Hai đứa trẻ-Thạch Lam
Những con đường cát “mấp mô cũng chẳng khác gì cuộc đời họ, những con đường nhỏ bé, đầy rác rưởi sẽ đưa chị em Liên, chị Tí, bác Siêu… về đâu.” Chi tiết “con đường con” của Thạch Lam rất thực đã nêu lên cái tương lai ảm đạm nhưng cũng rất thực của bao người khốn khổ kia. Ẩn đằng sau cái lãng mạn, chan chứa tình người của câu văn nhẹ nhàng là một hiện thực lớn lao về cuộc sống tối tăm cơ cực của bao người. Con đường kia họ đã đi bao lần trong phố huyện nhỏ bé này, sáng đi kiếm sống, chiều tối lại về, cũng trên con đường đó. Tương lai mở ra trước mắt họ chỉ là con đường vòng nhỏ hẹp không lối thoát kia. Đó là hiện thực khủng khiếp đang đe dọa cuộc đời những con người lầm than. Qua truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, nhà văn Thạch Lam đã phần nào mở ra bức tranh cuộc sống triền miên trong đói nghèo, tăm tối, quẩn quanh trong phố huyện nói riêng của bao kiếp người và xã hội Việt Nam nói chung những năm trước cách mạng tháng 8.
+ Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
(Tràng Giang)
Nỗi buồn của thi nhân không chỉ được giăng ra trên các chiều của không gian như ba khổ trước đó, mà nỗi buồn ấy còn được trải dài dằng dặc trên chiều của thời gian. Và nhờ có khổ thơ này mà mối sầu của “Tràng giang” không chỉ là nỗi sầu vạn lý mà còn là mối sầu vạn kỉ. Cảm giác về một chiếc linh hồn nhỏ mang thiên cổ sầu (Huy Cận) được thể hiện rõ ở khổ thơ này hơn bất kì khổ thơ nào khác. Nỗi buồn đầy đủ và trọn vẹn được mở ra trên ba chiều không gian và cả chiều thời gian, khiến cho “Tràng giang” càng thêm đậm đà phong vị Đường thi, hương vị thơ cổ điển ở ngay khổ cuối. Tuy nhiên không vì thế mà có thể coi “Tràng giang” giống như những vần thơ cổ điển. Huy Cận vẫn cứ hiện diện trong bài thơ như một nhà thơ mới, có thể nhận ra được từ cảm giác bơ vơ, bé nhỏ, một tâm trạng rất phổ biến của một thời đại thi ca. Bởi thế cánh chim chiều của Huy Cận mới yếu ớt, đáng thương đến thế, bởi đôi cánh nhỏ nhoi kia không đỡ nổi cả bóng chiều nhẹ nhàng, bảng lảng đến phải chao nghiêng.
Từ Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến hết thế kỉ XX:
Ở đây ta xem xét giai đoạn mà văn học phát triển mạnh mẽ nhất, giai đoạn 1945-1975: Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ trường kì suốt 30 năm đã tác động sâu sắc, toàn diện tới đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc, trong đó có văn nghệ, tạo nên những đặc điểm riêng biệt của một nền văn học hình thành và phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, ác liệt. Xuất hiện lớp nhà văn mới nhà văn-chiến sĩ.
Dẫn chứng tiêu biểu
+ “Rừng xà nu” – Nguyễn Trung Thành
Nhân vật chính của sử thi là những anh hùng có phẩm chất cao cả hiện thân cho lợi ích cộng đồng. Tnú là người có đầy đủ những phẩm chất đẹp đẽ của dân làng và cách mạng. Đức tính nổi bật nhất của anh là lòng dũng cảm. Tham gia cách mạng từ nhỏ, bị bắt, vượt ngục, anh lại đến với cách mạng. Nhờ sự mưu trí và gan dạ mà anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngọn lửa bốc cháy trên mười đầu ngón tay Tnú là một bằng chứng thiết thực nhất về lòng trung kiên với cách mạng. Anh còn có tình yêu thương sâu sắc. Vì thương vợ con mà phải liều mình cứu vợ con, vì thương dân làng mà phải đi đánh giặc để dân làng được bình yên. Đi chiến đấu, “nỗi nhớ day dứt lòng anh” là “tiếng chày chuyên cần, rộn rã” của dân làng. Có thể nói, Tnú là người anh hùng thuộc về quần chúng. Nói như Biêlinxki: “Nhân vật của anh hùng ca phải là người đại diện xứng đáng của tinh thần dân tộc”.
Ngôn ngữ của Rừng xà nu cũng mang đậm tính sử thi.
Đó là giọng điệu ngợi ca, thành kính trước vẻ đẹp của những anh hùng (Tnú, cụ Mết…). Tác giả dùng những lời trang trọng nhất để nói về họ. Cũng giống như sử thi ôđixê, phần lớn câu chuyện được thể hiện thông qua lời kể của nghệ nhân sử thi (cụ Mết). Với mục đích kêu gọi chiến đấu, ngôn ngữ của người kể chuyện mang âm hưởng sôi nổi hào hùng: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất ca người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”.
+ Thơ 1945 – 1975 là một nền thơ phong phú và đa dạng, bởi giai đoạn này thơ đã đạt được những thành tựu về giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật, có vị trí lớn lao trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước. Các thế hệ “nhà thơ-chiến sĩ” đã đồng hành bên nhau, trải qua một cuộc hành trình sáng tạo bền bỉ và đã gặt hái được những thành tựu đáng tự hào.
Kháng chiến chống Pháp: Bài thơ “Đồng chí” – Chính Hữu đã ca ngợi tình đồng đội gian khổ, vào sinh ra tử có nhau của các anh bộ đội Cụ Hồ, những người nông dân yêu nước đi bộ đội đánh giặc trong những năm đầu gian khổ thời 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 -1954). Những lính ấy đều xuất thân từ những nơi tăm tối, khổ cực của Tổ quốc, họ ra đi với tình yêu và lòng tự hào dân tộc, bằng sự đồng cảm và đồng cảnh ngộ, họ biết nhau, và trở thành tri kỉ của nhau. Họ cùng “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”, cảnh tượng chiến trường là “rừng hoang sương muối”, một đêm đông vô cùng lạnh lẽo hoang vu giữa núi rừng chiến khu vào sinh ra tử có nhau. Đồng chí là bài thơ rất độc đáo viết về anh bộ đội Cụ Hồ – người nông dân mặc áo lính, những anh hùng áo vải trong thời đại Hồ Chí Minh. Bài thơ là một tượng đài chiến sĩ tráng lệ, mộc mạc và bình dị, cao cả và thiêng liêng.
Kháng chiến chống Mĩ: Cho đến giờ, không ai “phản bác” ý kiến cho rằng, Phạm Tiến Duật chính là “Người lĩnh xướng của dàn thơ chống Mỹ”, là “Con chim lửa Trường Sơn”, dù lớp nhà thơ chống Pháp vẫn đồng hành/đương thời và quanh Phạm Tiến Duật là đông đảo các nhà thơ có tài khác.
Cái vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo
(Nhớ)
Những câu thơ ấy có thể viết, dán trong ca-bin vận tải suốt “Đường mòn Hồ Chí Minh” của bất cứ ai!
Không gian con đường thể hiện sự cảm nhận hiện thực độc đáo của Phạm Tiến Duật. Con đường mặt trận, nhưng với anh cũng là con đường tình đặc biệt, con đường để anh đi tìm em giữa khói lửa chiến tranh, con đường dẫn anh và em hướng về tình yêu tổ quốc. Đường ra tiền tuyến hóa ra cũng là con đường nối những tình yêu: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn tây”. Người con trai còn dặn dò, nhắn nhủ người yêu, đã mưa nhiều thì muỗi lắm, cho nên phải thả dài tay áo để muỗi khỏi đốt:“Muổi bay rừng già cho dài tay áo/Hết rau rồi em có lấy măng không?”(Trường Sơn đông, Trường Sơn tây). Cả măng và rau đều chỉ có vào mùa mưa, hết rau thì cũng hết măng. Ở phía Tây Trường Sơn, nhiều nơi vào mùa khô bộ đội phải ăn cả củ móng ngựa, một loại củ còn chát hơn cả của nâu. Câu thơ ngổn ngang chất liệu đời sống mà hay, giản dị mà thật khó viết.
Qua những vần thơ như “bốc cháy lên ngọn lửa của sức sống và tình yêu” trong thơ ca kháng chiến thời kì 45-75 của dân tộc giữa mưa bom bão đạn chiến tranh, độc giả càng thêm nhận thức về sự hào hùng, anh dũng của những người lính ra đi theo tiếng gọi con tim và một lần nữa soi rọi lại sự tàn khốc, tàn bạo của những cuộc chiến vệ quốc đã qua.
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)