
VĂN HỌC NHẬT BẢN – KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP TỪ CON CHỮ








VĂN HỌC NHẬT BẢN – KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP TỪ CON CHỮ


🗣️ Dịch giả, tác giả Lam Anh, một con người hết sức cẩn trọng trong việc đi tìm cái đẹp, cái độc đáo ẩn chứa sau lớp vỏ ngôn từ của một nền văn học được xem là ” hào nhoáng” nhất đã đúc kết rằng : “ Từ rất xa xưa, từ khởi nguyên của văn chương với waka và thần thoại, người Nhật đã ký thác vào nghệ thuật ngôn từ với tư tưởng về cái đẹp và bản chất vô thường của thế giới. Cho nên văn chương Nhật bản khởi thủy đã nói lên vấn đề cốt lõi về thân phận con người, đã có tính hiện thực ở tầm vóc cao”. Chúng ta, ít nhiều đã ” quen mặt” với nền văn học của phương Tây, Pháp, hoặc Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ đặt chân đến mảnh đất tuyệt đẹp và đầy sáng tạo của văn chương Nhật Bản. Xuyên suốt tiến trình ” chuyển mình ” của văn học khắp thế giới với biết bao nhiêu sự kiện làm thay đổi, tác động đến nó, văn học Nhật Bản cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Từ những hình thức, áng văn cổ xưa cho đến hiện đại, tất cả đều thể hiện được thế giới quan tinh thần phong phú của người dân và sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật nước nhà.
Văn học Nhật Bản là một trong những nền văn học ra đời ngay từ thuở bình minh của các bộ tộc Nhật Bản, rất lâu trước khi quốc gia Nhật Bản được thành lập và những tác phẩm đầu tiên thì lại được chắp bút rất sớm, khoảng thế kỉ 7-8. Văn học Nhật Bản được chia làm 6 thời kỳ và đặc điểm văn học của mỗi thời cũng gắn liền với sự thay đổi về kinh tế – chính trị – xã hội lúc bấy giờ: Thượng đại, Trung cổ, Trung thế, Cận thế, Cận đại và Hiện đại.
Đầu tiên là sự xuất hiện của văn học Nhật thời thượng cổ (300-794).
Sự phát triển về cuộc sống từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt chăn nuôi đã khiến cho người dân nơi đây hình thành được ý thức dân tộc cao, thành lập ra các bộ tộc, bộ lạc nhỏ. Đến thế kỷ 4, 5 triều đình Yamato đã thống nhất những bộ lạc đó và thành lập nên một quốc gia thống nhất, với người đứng đầu và nắm quyền lực tối cao là Thiên hoàng. Vào thế kỉ 7,8 thái tử Shotoku sau khi đi “du học” từ Trung Quốc – nền văn hóa vốn đang phát triển vô cùng mạnh mẽ lúc bấy giờ, đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm từ các lĩnh vực khác nhau và truyền bá lại cho nhân dân, trong đó có văn hoá nghệ thuật. Đó cũng chính là thời khắc mà các ký tự Trung Quốc manh nha phát triển.Khởi nguồn của văn học Nhật Bản thuở sơ khai chưa có chữ viết chính là văn học dân gian được truyền miệng qua các câu chuyện kể: câu chuyện thần thoại, cổ tích hay truyền thuyết về mối quan hệ của những sự vật tự nhiên như mặt trời, mặt trăng,… Từ sau cải cách Taika cũng là lúc các tác phẩm, tập thơ, bộ sử ra đời,…văn học dần chuyển mình từ những sáng tác mang tính cộng đồng sang những cái tôi cá nhân. Nổi bật trong các sáng tác thời kì này phải kể đến “ Vạn diệp tập – (Manyoshu)”. “ Vạn diệp tập” nghĩa là “tập thơ lưu truyền cho vạn đời sau”, cũng có nghĩa là “tập thơ vạn lời”. Tập thơ gồm 20 cuốn, chép lại trên dưới 4500 bài thơ sáng tác trong khoảng 350 năm, chủ yếu có các thể thơ tanka, choka, sedoka. Dưới đây là một trích đoạn bài thơ trong “Vạn Diệp tập”, quyển 4, bài 738:
“Trần ai tràn đau khổ
tình sầu làm sao nguôi
Trái tim
tràn nức nở
chỉ mong chết cho rồi”
Dịch nghĩa : Ta biết, thế gian này nhiều nỗi đau đắng cay, bởi yêu đương mà cũng đớn đau muốn chết.
Tiếp nối tiến trình của văn học Nhật Bản, chúng ta sẽ đến với văn học thời Heian: (794 – 1192) còn được gọi là thời trung cổ.
Năm 794-1192 được xem là thời đại của các hoàng đế, thân vương quý tộc. Có thể nói thời kì này văn hóa Trung Hoa đang dần chiếm lĩnh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đến năm 894, Nhật Bản bắt đầu bãi bỏ việc cử sứ thần sang Trung Quốc, đồng thời, chữ Kana – loại chữ viết mà người Nhật sáng tạo dần trở nên phổ biến, từ đó hình thành nền văn hóa dân tộc mang đặc trưng Nhật Bản vô cùng độc đáo. Và cũng chính sự ra đời này đã dẫn đến sự nở rộ cho dòng thơ Waka và sự phát triển của văn học tự sự. Đại diện cho thời kỳ này chính là “Truyện kể Genji- (Genji monogatari) ”. Đây là một tác phẩm xuất sắc, một thành tựu lớn của văn học Nhật thời Heian. “ Truyện Genji không chỉ gây ra sự ngạc nhiên xen lẫn cảm giác thích thú ở độc giả thông thường hay thái độ trân trọng, cảm phục trong giới văn nhân, mà bên cạnh đó, sự ra đời và tồn tại của tác phẩm còn gây ra nhiều thắc mắc, đặt ra cho người tiếp nhận nhiều câu hỏi và nguồn gốc phát sinh và tư tưởng nghệ thuật của nó”.
Giai đoạn tiếp theo là văn học Nhật Bản thời Trung thế: (1192 – 1603).
Đây là thời kỳ văn học bị ảnh hưởng nhiều bởi sự bất ổn về chính trị vì cuộc chuyển giao giữa thời đại quý tộc sang thời đại võ sĩ và các cuộc nội chiến cũng kéo dài liên miên. Trong hoàn cảnh ấy thì Phật giáo là điểm tựa vững chắc cho thế giới quan tinh thần của họ. Và sự xuất hiện của các ẩn sĩ với những tác phẩm chính luận dựa trên ý niệm về sự “vô thường” đã đẩy văn học thời kì phát triển một cách toàn diện nhất. Trong thời kỳ này thì “Truyện kể Heike” đã mở cho chúng ta một cái nhìn chân thực nhất về một trong những giai đoạn đầy biến động nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ấy là cuộc đấu tranh giữa gia tộc Taira và Minamoto để giành quyền kiểm soát Nhật Bản vào cuối thế kỷ 12 trong Chiến tranh Genpei. “Heike Monogatari” đã tái hiện lại quá trình mở đầu, phát triển tới mức hưng thịnh rồi cuối cùng phải lụi tàn của một gia tộc Taira lừng lẫy.
Sau tiếp là văn học Nhật Bản thời Edo: (1603 – 1868).
Đây là văn học của tầng lớp thường dân phát triển mạnh mẽ, kế thừa và phát huy nét đẹp của dòng văn học dân gian thời Thượng cổ. Bấy giờ văn học mang ý thức giải phóng con người một cách mạnh mẽ và nho giáo là tư tưởng chủ đạo trong những tác phẩm văn học thời Mạc phủ Tokugawa. “Thơ Haiku” là một niềm tự hào của nhân dân Nhật Bản lúc bấy giờ. Đây là một loại thơ truyền thống với mỗi bài chỉ có 3 câu, khoảng 17 âm tiết, ngắt nhịp 5 – 7 – 5. Ban đầu, haiku mang sắc thái trào phúng nhưng theo thời gian dần chuyển sang mang âm hưởng lắng tịnh của Thiền tông. Thi sĩ lỗi lạc Matsuo Bashō – “ người đốt đuốc” mở ra con đường đến với Haiku:
“Lữ thứ,
thân nằm bệnh
hồn lang thang đồng khô.”
Cuộc cách tân Minh Trị năm 1868 đã khai sinh ra nền văn học cận đại của nước nhà (1868 – 1945).
Chính cuộc cách tân này đã giúp cho các tác giả nhận được sự phổ cập giáo dục cơ bản. Đồng thời các tác phẩm văn học thời cận đại cũng mang đậm tính cá nhân, chủ đề chính là đi tìm bản ngã của chính mình. Các truyện ngắn như “Maihime”, “Hashire merosu”, “Bocchan”,..đến nay vẫn còn “ bất tử” theo thời gian.
Cuối cùng là văn học Nhật Bản hiện đại từ 1945 – nay.
Đi cùng với thời đại, các tác phẩm văn học liên tục thay đổi, không chỉ là tiếng nói của cá nhân tác giả, một nhóm tác giả mà còn là sự phản ánh về các vấn đề xã hội đương thời. Những tác phẩm như “ Thất lạc cõi người”, “Một nỗi đau riêng”, “Kafka Bên Bờ Biển”, “Rừng Na Uy”,…đều là những cuốn sách đưa người đọc đến tận cùng của bản ngã. Như vậy, tiến trình phát triển với biết bao nhiêu đổi thay, biến động, bãi bỏ những cái cũ, tiếp nhận và sáng tạo cái mới mà văn học Nhật Bản luôn được xem là mang một vẻ đẹp “mong manh và bất tận”. “ Xuyên suốt chiều dài lịch sự, vẻ đẹp mong manh ấy vẫn là cái hồn của thế giới văn chương, là chiếc cầu nối từ văn cổ điển đến văn học hiện đại, vẫn là làn hương tinh tế đón chào lữ khách đã chấp nhận cuộc hành trình vất vả để tìm đung bông hoa”.
Lớp Đọc hiểu – NLXH và Phương pháp phân tích tác phẩm dành cho chương trình mới: https://forms.gle/yTbJw8z4ZUGyFrRf7
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)