VÌ SAO VĂN HỌC VIỆT NAM CHƯA LÀ VĂN HỌC CỦA CẢ LOÀI NGƯỜI?
VÌ SAO VĂN HỌC VIỆT NAM CHƯA LÀ VĂN HỌC CỦA CẢ LOÀI NGƯỜI?
Đề thi môn ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2021 cụ thể như sau:
Câu 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm)
Trên con đường sáng tạo, Nam Cao đã nghĩ tới “một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người”. Đó cũng là khát vọng của Nguyễn Minh Châu khi ông trăn trở vì sao văn học Việt Nam “không là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người”. Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về những niềm khát khao, trăn trở ấy”.
Câu hỏi trăn trở đặt ra cho văn học Việt Nam…
Mấy ngày trước, có em đã đặt ra câu hỏi cho mình như thế này: Ngày nay đã có sản phẩm toàn cầu, con người toàn cầu, vậy liệu đã có văn học toàn cầu hay chưa? So với câu hỏi này, thì mình thấy câu hỏi “Vì sao văn học Việt Nam không là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người?” cũng trăn trở vô cùng.
Từng có một thời gian, khi Ngô Bảo Châu giành giải Fields, người ta đã hy vọng vào một giải Nobel Văn học gắn với tên tuổi Việt Nam. Rồi cũng một thời gian, người ta quan hoài, vì sao Việt Nam chưa có Nobel, vì sao Việt Nam chưa có tác phẩm lớn,… Lúc đó, chúng ta còn “ngụy biện” được rằng, giải thưởng âu cũng chỉ là giải thưởng và là lớp áo hào nhoáng, không phải thước đo để đánh giá một nền văn học. Nhưng bây giờ, quay lại với vấn đề ấy, đối diện với câu hỏi: “Vì sao văn học Việt Nam không là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người?”, chúng ta lại phải tỉnh táo và thẳng thắn nhìn nhận…
Tiêu chuẩn nào cho văn học của cả thiên hạ, của cả loài người?
Người ta thường nói đến giá trị của các tác phẩm văn học mang tính nhân loại, cuối cùng vẫn có thể quy về giá trị nội dung và nghệ thuật. Một tác phẩm lớn bao giờ cũng thu hút người đọc bởi vẻ đẹp ngôn từ, làm cho họ bất ngờ trước những kiến giải mới về cuộc sống, khơi vẫy họ vào những cuộc đối thoại. Văn học Việt Nam chẳng lẽ lại không có tác phẩm nào như thế? Tôi tự hỏi một “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với cuộc chu du khắp năm châu bốn bể, trải qua mười bốn thập kỉ dịch và tiếp nhận, được dịch ra 20 ngôn ngữ, với 75 bản dịch, chưa đủ ư? Năm 2018, nhà văn Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, thế chưa phải văn học của cả thiên hạ ư? Tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn, chưa phải là minh chứng cho văn học của cả loài người ư? Vừa qua, tập tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương được Nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản với bản dịch của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Poisson, chưa phải là dấu hiệu của văn học Việt Nam đang vươn ra thế giới ư? Tôi lại tự hỏi, thế nào là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người? Tiêu chuẩn nào cho những tác phẩm như thế?
Liệu có phải do rào cản ngôn ngữ hay tư tưởng chưa đủ “lớn”?
Song, các tác phẩm văn học Việt Nam chỉ mới ra khỏi biên giới theo kiểu nhỏ giọt. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh thì là “Nền văn học của chúng ta hiện nay đang trong tình trạng nhập siêu quá nhiều. Số lượng tác phẩm văn học Việt được dịch ra nước ngoài so với số tác phẩm nước ngoài dịch và phát hành tại VN chỉ như muối bỏ biển”. Chúng ta có thể lập luận rằng, một tác phẩm thực có giá trị lay động đến trái tim toàn cầu thì ngôn ngữ sẽ không phải một loại rào cản. Nhưng chối bỏ sao được điều ấy, khi ngôn ngữ là tiếng nói của văn chương, là phương tiện để kết nối? Vậy thì trước hết về mặt khoảng cách không gian, với số lượng tác phẩm được dịch ra các loại thứ tiếng, văn học Việt Nam có phần yếu thế, chứ đừng nói đến chuyện trở thành văn học của cả thiên hạ, của cả loài người!
Huống hồ, có ai dám khẳng định chắc chắn rằng, văn học Việt Nam có một phát kiến hoàn toàn mới mẻ, hay chúng ta chỉ mới so với chúng ta ngày trước? Chúng ta hay nói rằng, Nam Cao mang đến hình ảnh người nông dân rất khác so với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, so với hình ảnh người nông dân ngàn đời, chứ đã bao giờ nói rằng, Nam Cao phát hiện ra sự tha hóa ở con người, là một điểm khác lạ với thế giới hay chưa?
Phải mạnh dạn mà nhìn nhận và chấp nhận rằng, lịch sử của chúng ta quá khốc liệt với các cuộc chiến tranh triền miên, các cuộc xâm lăng kéo dài hàng thế kỉ, nên chúng ta đi sau, chúng ta nghĩ sau, và chúng ta viết sau.
Có người nói rằng, văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn, vì các nhà văn chưa tư duy lớn, chưa có tư tưởng lớn, toàn là “ăn theo” tư tưởng từ các nước. Tôi cũng chưa đủ tầm để nghĩ xem tư duy lớn, tư tưởng lớn cụ thể là như nào, nên chưa dám nói đến vấn đề ấy. Hãy nhìn vào giai đoạn văn học kháng chiến những năm 1945 – 1975 của ta mà xem, cái giai đoạn mà các nhà văn nói rất to, giọng rất lớn, cốt vẫn là quanh quẩn trong cái tư tưởng quyết chiến quyết thắng quân thù. Tiếng nói sử thi của thời đại ấy đã khoác cho văn học trong suốt mấy mươi năm một bộ đồng phục. Nó “bổ đôi thế giới, chia thế giới thành hai nửa địch và ta đối đầu với nhau như nước với lửa, sống với chết. Trong thế giới ấy, lịch sử chọn ta làm điểm tựa.” Con người của thời đại ấy phải “Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu/ Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau”(Tố Hữu). Nhà văn, nhà thơ cất tiếng nói của thời đại, của tổ tiên, của dân tộc, chứ thời đấy mấy ai thèm nghe tiếng nói nhỏ bé của mình anh, chứ thời đấy ai cho phép tiếng nói nhỏ bé của mình anh được cất tiếng? Xin trích một đoạn lập luận của Lã Nguyên như này: “Trong văn học Âu – Mỹ thời hiện đại và hậu hiện đại, nhìn chung, các nhân vật rất ít nói. Khi cần nói, chúng thường nói nhỏ, hoặc chỉ nói thầm. Người ta gọi tiếng nói thầm của chúng là độc thoại nội tâm. Chúng cũng rất ít hành động. Thường thì chúng im lặng để nghĩ và rất bận bịu với những ý nghĩ của mình. Ý nghĩ của chúng nhiều khi hiện lên trên những trang văn giống như một dòng chảy đầu Ngô mình Sở. Nhưng nếu quan sát, ta vẫn có thể nhận ra, trong mạch nghĩ, có lắm nhân vật thường bận bịu với các ý nghĩ lạ, lời nói khác. Cho nên, độc thoại và đối thoại tư tưởng trở thành mô típ chủ đề rất phổ biến trong văn học Âu, Mỹ. Tôi không nhớ những Thứ, Điền, Hộ trong sáng tác của Nam Cao đã làm gì, nói gì, nhưng tôi rất nhớ họ đã nghĩ gì. Suy nghĩ là hoạt động quan trọng nhất tạo nên nhân cách của các nhân vật ấy. Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh cũng miên man trong suy ngẫm, nghĩ ngợi. Nhân vật không làm gì, không nói gì. Lời nói và việc làm của nhân vật thường là những việc đã làm, những lời đã nói, nay bỗng hiện về trong mạch suy ngẫm, từ dòng hồi ức, hoài niệm. Lạ nhất là lão Khúng trong “Phiên chợ Giát” của Nguyễn Minh Châu. Trong văn học Việt Nam, tôi không thấy có mấy trí thức nghĩ ngợi nhiều như lão nông dân này. Có lúc lão cũng nói. Nhưng lão nói mà giống như là đang tiếp tục mạch suy nghĩ và ý nghĩ của lão tự bật lên thành tiếng. Giữa cái bể người mênh mông trong văn học Việt Nam, nhân vật của Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, của Bảo Ninh giống như là những ngoại lệ. Bởi vì trong sáng tác của các nhà văn khác, nhân vật không nghĩ nhiều như thế. Người ta chỉ nghĩ khi nhận ra mình là một cá nhân, một chủ thể tự do. Nhân vật trong văn học Việt Nam về cơ bản vẫn là con người của đám đông, được nhà văn miêu tả như những khách thể. Chúng không có gì để nghĩ. Ý nghĩ của chúng chỉ là phản ứng tâm lý thoáng qua, cũng giống như chúng “nói”, chúng “nhìn” hoặc chúng “nghe”. Vậy là những tác phẩm có thể coi như đạt đến tầm của cả thiên hạ, của cả loài người trong văn học Việt Nam, cũng chỉ là những “ngoại lệ”, những số-ít mà thôi.
Bước vào thời kì đổi mới, văn học Việt Nam được “cởi trói” về nguyên tắc. Nhưng nhà văn đã tự cởi trói cho mình chưa? Chúng ta phải mất một thời gian dài lúc đầu để ra sức tuyên truyền, chuyển đổi. Trên văn đàn là những lời “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (Nguyễn Minh Châu), hay “Ta nói mãi nói hoài cái hồn nhiên, cái truyền thống, cái nghìn năm/ Đến nỗi bó tay chả làm gì được nữa” (Chế Lan Viên). Quyết liệt là thế, gay gắt là vậy, nhưng thực tế sáng tác đâu dễ dàng như khi nói? Cả một nền văn học bị kìm kẹp bấy lâu, đâu phải nói bay là bay ngay được? Lại nói đến các vấn đề cơ bản của loài người như tình dục, tôn giáo, chính trị… có được mấy nhà văn mạnh dạn cất lời bằng một tiếng nói nghệ thuật? Hay người ta cũng sợ động chạm, sợ mất lòng mà chưa dám nói? Độc giả Việt Nam phần đông có đón nhận các tác phẩm như “Muối của rừng”, “Vàng lửa”, “Tướng về hưu”,… của Nguyễn Huy Thiệp hay là cho rằng nó tục tĩu, thô bỉ mà từ chối, thậm chí bĩu môi ghét bỏ, lánh xa? Hay chúng ta ngày nay chỉ chuộng các loại tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc sướt mướt, vứt qua một bên những tác phẩm văn học nước nhà, làm các nhà văn của ta “dỗi” chẳng buồn viết nữa?
Câu hỏi nhức nhối vẫn còn đó…
Nhưng một nhà văn chiều theo thị hiếu cũng khó mà viết ra được một cái gì thực có giá trị, nhà văn là người tự tạo ra lớp độc giả cho chính mình. “Thời thế tạo anh hùng”, nếu như khi xưa thực tại xã hội khốc liệt, khốn cùng “vả” vào mặt các nghệ sĩ trăm ngàn lớp sóng lớp gió để những người như Ức Trai, như Tố Như, như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,… viết nên những tác phẩm lớn, thì ngày nay, với điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, chẳng lẽ lại không còn là điều kiện thuận lợi cho sáng tác, chẳng lẽ lại chẳng còn cái ung nhọt nào cho nhà văn nhổ, chẳng lẽ lại chẳng còn vấn đề nào cho nhà thơ quan hoài?
Thiết nghĩ, thay vì đặt ra câu hỏi: “Vì sao văn học Việt Nam không là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người?”, tại sao không đặt câu hỏi: “Làm thế nào để văn học Việt Nam trở thành văn học của cả thiên hạ, của cả loài người?”
🌸 Link đăng ký lớp HSGQG: https://forms.gle/6f3eJuwGoaWF3diB9
P/s: Từng là học sinh thi HSG Quốc gia, rời khỏi cuộc thi mới 1 năm, nhưng nhìn thấy đề thi năm nay vẫn muốn nói một cái gì đó. Bài viết này chỉ mang tính đưa ra suy nghĩ cá nhân, có thể nhiều chỗ khiến mọi người hoài nghi hay tranh cãi, nhưng rất mong nơi này giống như bức “Trường học Athens” của Raffaello, là nơi để tranh biện, luận bàn kiếm tìm chân lý, chứ không phải so sánh hơn thua đúng sai trái phải!
Nghiên,
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)