MÌNH VIẾT LÝ LUẬN VĂN HỌC NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ KHÔ KHAN?

MÌNH VIẾT LÝ LUẬN VĂN HỌC NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ KHÔ KHAN?

RUBIK VĂN CHƯƠNG
14/02/2024

Học lý luận văn học trước nay đều không phải việc dễ, viết lý luận lại càng khó bội phần. Hôm nay mình sẽ nói về một vài cách để viết ra những đoạn lý luận mang màu sắc thông hiểu và vận dụng nhé! 

1. “Vứt” giáo trình

Mình không xui dại mọi người vứt sách vứt vở gì đâu nhé ^^), nhưng mình thấy một lỗi khá lớn ở người mới học lý luận là phụ thuộc vào trong giáo trình nhiều quá, nhất là mấy cuốn như của Phương Lựu, Hà Minh Đức,… đến mức nhiễm luôn cả cách hành văn trong đó. Hồi xưa mới học lý luận mình cũng học đòi viết “đao to búa lớn” như trong mấy cuốn giáo trình nghe có vẻ uyên bác, nhưng thực ra đọc lên bị lý thuyết và khô không khốc luôn. Vậy nên, mình đọc giáo trình để nắm bắt kiến thức, hiểu khái niệm thôi, sau đó tự viết lại theo cách hiểu của mình, chứ đừng cố học thuộc những cái trong đó mà cố gán vào trong bài văn.

2. Trích lẩn nhận định

Thay vì viết:
Nhà văn A đã nói rằng: “…”. Thật vậy,…
 
Mình thường sẽ trích lẩn luôn ý của nhận định trong câu văn luôn, lấy một vế của nhận định đó làm chủ ngữ/ vị ngữ trong câu văn của mình. Điều này không chỉ làm cho câu văn tự nhiên hơn mà mình cũng không cần phải học thuộc toàn bộ câu nhận định, chỉ cần nhớ từ khóa nổi bật của ý kiến là sử dụng được.
 
Chẳng hạn như với câu nhận định của Nam Cao: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có…” Thay vì phải cố nhớ chính xác từng câu từng chữ để tránh trích sai, mình chỉ cần nhớ cụm “khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có”, và dùng lời văn của mình diễn đạt phần còn lại để tạo thành một câu hoàn chỉnh:
 
Văn chương nghệ thuật đâu phải sản phẩm của sản xuất hàng loạt và tự động hóa, khô khan và nhợt nhạt nhường nào! Văn chương chân chính là sản phẩm hoài thai của những người nghệ sĩ biết “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao)

3. Diễn đạt bằng hình ảnh

Để diễn đạt bằng hình ảnh thì mình cần luyện tư duy liên tưởng và tưởng tượng. Ban đầu khi chưa quen thì có thể tham khảo cách sử dụng hình ảnh từ những bài văn hay sẵn có. Khi đã quen rồi thì bất cứ lúc nào, khi bắt gặp một hình ảnh nào đó của tự nhiên, hoặc một kiến thức từ các lĩnh vực khác có sự tương đồng, thì mình sẽ liên tưởng nó đến vấn đề lý luận mà mình được học.
 
Chẳng như một đoạn văn mình sưu tầm được:
 
Hiện thực trong văn học không đồng nhất sống sượng với hiện thực ở thế giới vật chất bên ngoài. Nó là lượng đã chuyển hóa thành chất, là từ trường của kim loại chứ không phải kim loại, là chất của hạt gạo đã được ủ thành men, là vàng đã qua thử lửa, là ngọc trai đã qua quá trình hoài thai đớn đau nơi rốn bể, là hương phấn đã được chưng cất thành mật.
 
Hoặc từ hình ảnh của những liều thuốc giảm đau, có thể liên tưởng đến vấn đề chức năng của văn học, để đưa ra hình ảnh so sánh:
 
Văn nhân nghệ sĩ cũng có sứ mệnh cao cả như những người thầy thuốc, xoa dịu nỗi đau của loài người, mang lĩnh giùm nhân gian mọi thống khổ, nặng nề, thậm chí chữa những căn bệnh tinh thần đã âm ỉ hủy hoại con người ta…

4. Sử dụng dẫn chứng minh họa

Tất nhiên, lý lẽ thì bao giờ cũng đi kèm với dẫn chứng để mang sức thuyết phục. Mình không nói đến dẫn chứng mà đề bài yêu cầu mình sử dụng chứng minh đâu, dẫn chứng đó thì hiển nhiên phải sử dụng rồi! Nhưng mình đang nói đến dẫn chứng để minh họa cho lý lẽ cơ. Tức là kể cả khi đề bài không yêu cầu, mình vẫn sử dụng, để lý lẽ của mình thuyết phục hơn. Tức là ngay trong phần bàn luận và sử dụng lý luận, thì mình sẽ đan xen thực tế văn học trong đó.
 
Chẳng hạn như:
 
Hình tượng nghệ thuật đã làm cho con người, bằng tưởng tượng, nhập cảm tâm hồn vào những hình thức không hồn trong đời sống. Đây chính là một thao tác đưa cảm nhận của con người vào tự nhiên và tạo vật mà phương Tây gọi là thuyết “di chuyển tình cảm” và phương Đông gọi là kí thác. Khuất Nguyên kí thác tâm sự vào hoa thơm cỏ dại. Trang Chu mượn chuyện bướm hóa người để nói chuyện thực hư. Nguyễn Trãi miêu tả trăng, khí phách, phẩm chất của mình qua phẩm chất cây tùng.
 
Những chỗ như này, thì dẫn chứng mình sử dụng đan xen vào có thể không cần dài dòng, không cần dừng lại phân tích kĩ lưỡng. Nhưng sẽ mềm mại hơn nhiều so với việc mình chỉ thao thao bất tuyệt viết về lý luận suông.
 
Đó là một vài cách thông thường mà mình áp dụng để viết lý luận văn học không bị hàn lâm như một bài nghiên cứu. Hy vọng có thể phần nào giúp những ai đang học lý luận, nghe giảng thì rất hiểu nhưng lúc đặt bút viết thì cứ như đứng trước “pháp trường trắng” (Nguyễn Tuân) nheeee!

Nghiên,

KHOÁ HỌC LIÊN QUAN

Khoá Meeting: Lớp Lý luận văn học Dành cho THPT

Khóa học sẽ cung cấp trọn bộ các chuyên đề lý luận trọng tâm, kiến thức từ văn học sử, lý luận nâng cao đến kỹ năng làm bài như tư duy, diễn đạt, chiến lược trong phòng thi.
1.500.000 
Ngày bắt đầu: 18/01/2024
Giờ học: 120 phút/ 1 buổi
Số Video: 24 buổi
Xem chi tiết

Khoá Meeting: Lớp Phương pháp phân tích tác phẩm

Khóa học sẽ hướng dẫn các bạn cách phân tích, khai thác, cảm nhận tác phẩm bất kì từ cổ điển đến hiện đại, từ trong nước đến quốc tế, từ phương Đông đến phương Tây dựa trên các tiêu chí đánh giá nội dung, nghệ thuật, văn học sử, đặc trưng thể loại, phong cách tác giả, đối sánh với các tác phẩm khác.
1.300.000 
Ngày bắt đầu: 25/02/2024
Giờ học: 120 phút
Số Video: 24 buổi
Xem chi tiết

Khoá Văn học nước ngoài [TRỌN BỘ]

Kiến thức tác giả, tác phẩm phong phú, chuyên sâu từ 20 cây bút tiêu biểu đến từ 9 quốc gia trên thế giới cùng các tài liệu tặng kèm
499.000 
Xem chi tiết

Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách đánh giá (1 đánh giá)