CÁI VÔ TẬN VÀ NGHĨA KHỞI THỦY CỦA KIỆT TÁC VĂN CHƯƠNG – ĐỀ THI HSGQG 2024
CÁI VÔ TẬN VÀ NGHĨA KHỞI THỦY CỦA KIỆT TÁC VĂN CHƯƠNG – ĐỀ THI HSGQG 2024
Đề thi HSGQG năm học 2023 – 2034 cụ thể như sau:
Câu 2 [NGHỊ LUẬN VĂN HỌC]: “Các kiệt tác lớn là vô tận: mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình: như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng nó không có nghĩa khởi thủy, hay chủ ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện” Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Như tâm hồn con người bí ẩn khôn cùng, như bể sâu mênh mông sâu thẳm, những kiệt tác văn chương cũng vô tận, sâu xa, mời gọi bạn đọc muôn đời tìm đến khai phá, thưởng thức, để khiến cho giá trị tác phẩm “nảy nở dần như một quả chín”. Có lẽ bởi vậy mà những tác phẩm văn học chân chính chối mọi “định luật của sự băng hoại” để sống mãi với thời gian chăng? “Các kiệt tác lớn là vô tận: mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình: như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng nó không có nghĩa khởi thủy, hay chủ ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện” cũng chính vì lẽ đó.
CÁI VÔ TẬN – NGHĨA KHỞI THUỶ LÀ GÌ?
Hai chữ “kiệt tác” đặt ra như một cách xác lập tầm vóc không dễ để đạt đến của những trang viết. Nói như Nguyễn Văn Siêu: “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” Điều kiện để trở thành kiệt tác, đó là ý nghĩa của tác phẩm ấy cần đạt đến hai chữ “vô tận” – không bao giờ cạn vơi! Một tác phẩm là một kiệt tác sẽ luôn dồi dào chất sống chứ không phải là những xác chữ ép khô trên trang giấy với sự nghèo nàn trong ý nghĩa, bởi vì là sự sống nên nó luôn luôn có những điều bí ẩn gọi mời khám phá. Để rồi từ đó, “độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ”, để một câu thơ có thể “sống khỏi một đêm, có ích quá một ngày/ Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ cho đỡ khổ/ Đúng cái ngày người chiến sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngả vào tay” (Chế Lan Viên). Tác phẩm là vô tận, suy nghiệm của con người về giá trị tác phẩm là tự do, song, tự do nào cũng cần có những giới hạn của nó. Ranh giới ấy chính là cái “nghĩa khởi thủy” mà nhà văn ký thác trong mỗi con chữ, là xúc cảm đầu tiên tự cõi lòng người nghệ sĩ gửi gắm trong từng trang văn mong được tri âm, và còn là “tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện” – thời đại mà tác phẩm ấy thuộc về. Có thể thấy, bạn đọc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho tác phẩm thực sự trở thành một sinh thể sống, song bên cạnh đó vẫn chú trọng đến tính khách quan mà bạn đọc cần tôn trọng trong quá trình giải mã những kiệt tác văn chương.
CÁI VÔ TẬN TRONG CẤU TRÚC MỞ CỦA VĂN BẢN
“Nền đất ẩm, chiếu manh, trang giấy trắng,
Anh khai sinh bao nhân vật cho đời
Nên anh chết như chuyến đi dài hạn
Bởi họ sống tiếp cho anh đang có mặt giữa muôn người”
(Đào Cảng)
Khi tác phẩm hoàn thành, nhà văn “chết” đi như một cách khai sinh sự “sống” mới cho đứa con của mình – gửi gắm nó đến với bạn đọc, để họ đi thật sâu khám phá những điều vô cùng tận anh để lại. Cái vô tận của những trang văn, những vần thơ, trước hết, là bản thân cấu trúc mở của văn bản văn học. Bản thảo văn thơ khi nhà văn đặt dấu chấm hết chỉ là một văn bản ngôn từ. Mà đã là ngôn từ nghệ thuật, thì chính là những chữ biết “nảy mầm” (Becton Brech), là những chữ “lấp lánh, kêu giòn, tỏa hương” (Paustovsky). Với cấu trúc ngôn từ giàu sức gợi như vậy, văn bản văn học trở thành một “kiến trúc đầy âm vang”, là “ văn bản mở”, là “tháp Bayon” (Chế Lan Viên) nhiều mặt, căng mở hết cỡ những giới hạn cho tiếp nhận văn học, để bạn đọc thỏa sức vùng vẫy trong biển lớn mênh mông những cách hiểu, tự do khám phá, tự do sáng tạo “ số phận riêng” (L.Tonstol) cho tác phẩm. Chẳng thế mà ngày nay, người ta chuộng những câu chuyện đã vẽ ra 2, 3 cái kết để lựa chọn kết thúc vừa lòng mình hơn, và “cấu trúc mời gọi” như thể trở thành tôn chỉ sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, khi Thanh Thảo làm thơ theo cấu trúc của khối vuông rubik, khi truyện của Nguyễn Huy Thiệp không còn xa lạ với những “Open Ending” (kết thúc mở), khi Hemingway đặt ra Nguyên lý tảng băng trôi cho văn học đương đại….
CÁI VÔ TẬN TRONG CÕI LÒNG NGHỆ SĨ
Các kiệt tác văn chương làm sao có thể không mở ra “vô tận”, khi trong trang viết đã chứa cái vô tận của cõi lòng nghệ sĩ?
“Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim/ Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó?” Tagore đã phải thốt lên như thế đó! Mỗi người nghệ sĩ muốn sáng tạo nên những trang văn, vần thơ đều phải dấn thân vào cuộc đời, để sống, để cảm nhận, để thưởng thức, và để trái tim rung lên từng hồi tế vi nhất. Để rồi trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ đi sâu vào cõi tâm hồn, để nhìn lại, để khám phá, và để ghi lại tất cả những thanh âm trong sâu thẳm trái tim, “Anh ta lấy tất cả những lo âu, suy tư, hạnh phúc, khổ đau một đời làm củi” (Chế Lan Viên). Cũng chính vì cõi lòng con người vốn là vũ trụ ba chiều, chính người cầm bút còn không thể đi hết, hiểu hết chính mình, nên những dòng tâm tư viết ra luôn chừa một khoảng trống để những tâm hồn đồng điệu tìm đến lấp đầy:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(“Độc Tiểu Thanh kí”- Nguyễn Du)
Nguyễn Du đã xưng danh để hỏi, hỏi điều sâu thẳm nhất trong lòng mình: ai sẽ là người tri âm tri kỷ với ta, như cách ta tri âm với người thơ? Đồng điệu với người thơ tài hoa bạc mệnh, thi sĩ không đứng ở trên nhìn xuống thương hại, cũng không “ghé mắt trông ngang” mà khóc, ông nhỏ lệ cho số phận Tiểu Thanh với tư cách là kẻ cùng hội cùng thuyền. Vậy đến ba trăm năm nữa, liệu có ai “khấp Tố Như” chăng, khóc vì thấu hiểu nỗi cô độc đến tận cùng của một tài năng lạc loài, sinh nhầm thời đại? Lòng nhà thơ đã rung, tay nhà thơ đã viết, những câu từ trải đến vô tận, vì nó không kết thúc, mà nó mở ra cho hậu thế mai sau… Nếu không nhờ ngôn từ ghi lại, không nhờ văn chương gửi đi, thì câu hỏi ấy có vọng vào vô tận hay sẽ chìm nghỉm với sự hữu hạn của kiếp người? Những chiều kích vô tận ấy, nếu không nhờ văn chương – loại hình nghệ thuật đặc trưng bởi nghệ thuật ngôn từ – thì lấy gì chuyên chở được cho người?
CÁI VÔ TẬN TRONG CHIỀU SÂU TƯ TƯỞNG
Cái vô tận trong những kiệt tác còn là những thăm thẳm của chiều sâu tư tưởng, triết lý mà nhà văn gửi gắm. Bởi lẽ một tác phẩm viết ra chẳng đơn thuần chỉ để giãi bày vài nét tâm trạng, thở than vài mối sầu thương, văn chương còn là nơi nhà văn thể hiện góc nhìn, quan niệm của chính mình về cuộc đời và về con người, phát hiện ra những cái đẹp khuất lấp không ai ngờ tới, hay vạch trần những ung nhọt xã hội một cách khéo léo bằng những hình tượng nghệ thuật độc đáo. Có lẽ sâu trong tâm thức mỗi con người yêu văn chương, những trang Kiều vẫn còn giữ nguyên chất xanh tươi của sự sống cho đến tận hôm nay, để đồng hành cùng con người qua mỗi giai đoạn “cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh):
“Suốt mười năm tôi biếng đọc Nguyễn Du
Quân thù ném bom xuống những làng quê ta đẹp nhất
Kiều bó tròn trong những gói tản cư
Bà ru cháu bằng ca dao sản xuất
[…]
Mười năm qua, nay trở lại hòa bình
Trăng ly biệt lại đoàn viên trước cửa
Cảo thơm đặt trước đèn, tôi dở
Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh”
(“Đọc Kiều I” – Chế Lan Viên)
Qua mỗi đoạn đời người, những tác phẩm văn chương lại giúp bạn đọc soi rọi một phương diện trải nghiệm nào đó trong cõi sống. Không phải tự nhiên mà Lưu Hiệp viết: “Tác phẩm văn chương sở dĩ phức tạp vì nội dung và hình thức của nó đều đa dạng, mà người hiểu biết văn chương thường có cái thích riêng của mình, cho nên khó có ai thích được toàn diện. Những người khẳng khái thấy âm thanh hùng tráng thì liền vỗ tay. Người hàm súc thấy những lời chặt chẽ tinh tế thì khoái trá. Người trí tuệ nông cạn thấy câu văn đẹp đã sướng mê. Người thích cái mới lạ, thì sốt sắng với những việc quái dị.”. Kiều đối với những đứa trẻ thơ có khi còn xa lạ nên “biếng đọc”, có khi là người bạn đồng hành trong những ngày khói lửa tản cư. Kiều trong tâm trí một người lính ngoài chiến trường là đồng đội soi sáng những đêm trường hành quân gian khổ. Trở về những tháng ngày hòa bình, Kiều lại xoa dịu tâm hồn người chiến sĩ với “những bóng trăng thanh”, để anh bình tâm sau những ngày khốc liệt, để anh đi sâu vào tâm hồn mình, cùng sống, cũng khóc, cùng đau cho số phận của nàng Kiều qua mỗi vần thơ. Có thể thấy ý nghĩa của những kiệt tác không bao giờ cạn đáy, không bao giờ trơ trọi, nó trải ra vô tận để mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời người đọc đều được nảy sinh một ý nghĩa mới.
Bởi lẽ, “Văn học không quan tâm đến câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra và những câu hỏi này luôn rộng hơn bất kì câu trả lời cặn kẽ nào (Claudio Magris) nên chiều sâu tư tưởng, triết lý được cài đặt ở chế độ ẩn trong từng con chữ. Để rồi mỗi bạn đọc, bằng trải nghiệm, kinh nghiệm, vốn văn hóa riêng của mình sẽ có những kiến giải độc đáo về câu hỏi do nhà văn đặt ra. Chính vì vậy mà nói một kiệt tác lớn là vô tận, vô tận bởi chứa đựng những khoảng không, bởi không phải là một cấu trúc đầy chặt! Tuyết trong giai phẩm “Xứ tuyết” của Kawabata là biểu tượng cho sự thanh sạch, tinh khiết của tự nhiên, sự tĩnh tâm, đạt ngộ sâu thẳm trong cõi lòng, là tượng trưng cho những người con gái trong sáng cả về tâm hồn lẫn thể xác, là hiện thân của sự thanh lọc, hay là một cuộc trở về với những giá trị truyền thống chưa bị vấy bẩn của người lữ khách? Thật khó để phân định! Song, dù mang ý nghĩa gì đi chăng nữa thì chiều sâu giá trị trong biểu tượng tuyết trắng đã khiến nó không chỉ đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên mà đã trở thành một ký hiệu bao hàm nghĩa. Ý nghĩa của sự vô tận trong mỗi kiệt tác chính là ở chỗ đó.
Và làm sao có thể khép lại sự “vô tận” ấy, khi những kiệt tác văn chương chân chính đã gắm gửi những đối thoại tư tưởng? Không chỉ đối thoại giữa thi nhân và hậu thế như đại thi hào Nguyễn Du. Không chỉ đối thoại giữa người viết và người đương thời như cách Nam Cao dõng dạc “Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối…”. Không chỉ đối thoại giữa nhà văn và bạn đọc như cách mà bao tác phẩm vẫn đặt ra những câu hỏi khắc khoải “Tồn tại hay không tồn tại” (Hamlet – Shakespeare). Mà sự vô tận còn nằm ngay trong những đối thoại tư tưởng của cá nhân độc giả. Để khi đứng trước một câu hỏi mà tác phẩm đặt ra, độc giả sẽ tự đi tìm câu trả lời của mình nằm ngoài tác phẩm đó. Bởi xét đến cùng, giá trị của văn chương là ở chỗ, con người ta đã lớn lên thế nào về nhận thức và hành động, tức là văn chương tác động thế nào để thay đổi cách chúng ta sống và ứng xử. Chẳng hạn, thời ấu thơ chúng ta đắm mình trong truyện cổ tích, nhưng những trải nghiệm tuổi thơ chỉ đủ làm chúng ta thích thú với những phép màu nhiệm của ông bụt bà tiên. Nhưng khi lớn hơn một chút và biết phân biệt tốt xấu, chúng ta học được bài học “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo” của dân gian. Thậm chí đến khi có những trải nghiệm đời sống sâu sắc hơn, chúng ta lại có thể tự đặt ra cho mình những câu hỏi: Tại sao là chị em nhưng Cám thay vì chúc phúc cho chị, lại đi hãm hại Tấm hết lần này đến lần khác? Có phải vì bởi sự ganh tỵ của con người quá đáng sợ, làm người ta lóa mắt mù lòa, làm điều bất thiện? Vậy có phải bài học cho mình là hãy chia sẻ niềm vui cho đúng người, chứ đừng để niềm vui hồn nhiên ấy làm nảy sinh sự ghen ghét ở người khác, cuối cùng là hại người hại mình? Có thể những câu hỏi này đã đi ra ngoài giới hạn của văn bản, thậm chí đi ra ngoài giới hạn của đặc trưng văn học dân gian và dễ bị xếp vào hàng “phản tiếp nhận”, nhưng sự “vô tận” ấy vẫn đúng, vì nó là trải nghiệm của mỗi người và là giá trị mà mỗi người tự vun vén cho mình…
NGHĨA KHỞI THUỶ TRONG CHỈNH THỂ NỘI DUNG NGHỆ THUẬT
Song, “cái vô tận” có thể sẽ đi đến hỗn loạn nếu chúng ta chìm đắm mãi trong những tranh cãi “tôi đúng anh sai”, nếu không có “nghĩa khởi thủy” như một giới hạn của tiếp nhận văn học. Tác phẩm văn chương, dẫu sao, vẫn là một chỉnh thể hòa quyện giữa nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật được người “phu chữ” nhọc lòng cấu trúc, kiến tạo nên, bởi vậy, khi chiếm lĩnh tác phẩm, người đọc không thể phá vỡ khối hoàn chỉnh mà nhà văn đã xây dựng. Lời mong cầu “Giở cho khéo cả lòng tôi động vỡ/ Hồn người tình mỏng lắm, xếp cho êm” của Xuân Diệu chính là mong bạn đọc trong quá trình đào sâu ý nghĩa vô tận trong tác phẩm đừng xô lệch đi những ý nghĩa khởi phát, chỉnh thể vốn có của tác phẩm. Và bởi nhà văn viết ra tác phẩm không phải là một khối rỗng không để bạn đọc muốn thêm thắt, ngộ nhận thế nào cũng được mà mỗi tác phẩm đều ẩn chứa tâm tư, cõi lòng, ý nghĩa mà người viết muốn truyền tải, vậy nên, trân trọng những điều bắt đầu đó là cách bạn đọc trân trọng, nâng niu tâm hồn mong manh, nhạy cảm của kẻ cầm bút. Hơn thế nữa, bất kì một tác phẩm nào cũng là con đẻ của thời đại mà nó ra đời, chịu ảnh hưởng và sự chi phối của những tác động thời đại, vậy nên việc soi xét một tác phẩm bằng con mắt của thời đại khác đôi khi sẽ làm tổn thương giá trị tác phẩm.
NGHĨA KHỞI THUỶ TRONG QUY ƯỚC THỜI ĐẠI
Nhìn từ thuở văn chương trung đại – thời của những ước lệ tượng trưng trị vì, những thành tựu kiên cố của những điển tích, thì sự đọc đã có một giới hạn trong những quy tắc và quy chuẩn xã hội, trong lớp nghĩa mà dường như cả nhà văn lẫn người đọc đều đã ngầm thống nhất trước đó. Không phải ngẫu nhiên mà văn học chính thống thời phong kiến lại mang tên gọi là văn chương bác học. Gọi như thế, nghĩa là người sáng tạo phải bác học và người tiếp nhận cũng rất bác học. Và “nghĩa khởi thuỷ” tồn tại chính là những quy phạm kể cả từ sáng tác đến thưởng thức. “Nghĩa khởi thuỷ” của thơ xưa là ở chỗ đọc thấy lan thì thấy bậc vương giả (vương giả chi hoa), đọc thấy sen thì thấy bậc quân tử (liên hoa chi quân tử giả dã), đọc thấy mẫu đơn thì thấy bậc quốc sắc thiên hương (quốc sắc thiên hương chi phú quý). “Nghĩa khởi thuỷ” văn chương là ở chỗ đọc đôi câu thơ:
“Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
(“Bảo kính cảnh giới 43”- Nguyễn Trãi)
thì không cách nào hiểu khác được rằng mô hình nhân sinh “vua Nghiêu Thuấn – dân Nghiêu Thuấn” vừa là giả định, vừa là khát khao cháy bỏng suốt đời của Nguyễn Trãi. Theo thần thoại Trung Quốc, vua Thuấn làm chiếc đàn năm dây gảy khúc “Nam phong”. “Gió Nam hòa ẩm có thể giải được sự oán hận của dân, gió Nam hợp thời có thể làm cho dân ta thêm nhiều của cải”. Nguyễn Trãi ước có chiếc đàn của vua Thuấn để biến tâm nguyện lớn nhất của đời mình thành sự thật. Thi nhân ôm hoài bão giúp dân gây dựng cuộc sống thái bình, no ấm, hạnh phúc. Đó là chủ trương nhập thế, chủ trương nhân trị chứ không phải là thái độ ẩn dật “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ”. Giới hạn của tiếp nhận là ở chỗ, dù muốn hay không muốn thì hình tượng “Ngu cầm” trong đôi câu thơ của Nguyễn Trãi không thể hiểu ra khỏi giai thoại gắn liền với nguồn gốc điển tích ấy được.
“Nghĩa khởi thuỷ” của thơ xưa là ở chỗ, có những dấu hiệu đăc trưng vô cùng của thời gian và không gian, như buổi chiều “khuất bóng hoàng hôn”, nhìn ra cảnh vât là gợi ra nỗi nhớ nhà da diết của tiếng lòng đang xa xứ:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng buồn lòng ai).
(“Hoàng Hạc Lâu”- Thôi Hiệu)
hay mùa hè chỉ đến khi có tiếng ve sầu vang ngân, có “hồng liên trì” nở rộ dưới đầm lầy, mùa xuân rộn ràng khi có hoa mai, hoa lê đang nở phơi phới… Tất cả những yếu tố ấy, dù là tác phẩm hay ngoài lề tác phẩm, thì cũng vô hình chung tạo ra một đèn báo tín hiệu để người đọc biết mà dừng lại bên vạch kẻ đường, không vượt quá giới hạn đến đường biên của sự suy diễn hay suy đoán chủ quan. Cũng chính giới hạn ấy không làm hạn chế khả năng của bạn đọc mà trái lại, giống như một chiếc la bàn định hướng, chỉ đường dẫn lối cho sự đọc có hiệu quả, cho việc tiếp nhận của độc giả đáp được đến dụng ý ban đầu của thi sĩ. Đặc biệt là trong dòng chảy hiện đại hóa của văn học, khi mà tính dân chủ trong tiếp nhận của bạn đọc được đề cao, vai trò của sự đọc được quan tâm thì giới hạn đặc trưng của văn hóa, thời đại và thể loại lại càng như sợi dây nối cánh diều tưởng tượng của bạn đọc gắn chặt với mặt đất.
Thôn Vĩ của Hàn Mặc Tử cũng từng trải qua nhiều đau thương, khi những ý nghĩa khởi nguyên thi sĩ gửi gắm, khi cuộc đời riêng của thi nhân không thật sự được người đến với bài thơ để tâm, để rồi đưa ra những nhận định có phần vội vàng. “Người si mê thấy đó chỉ là tỏ tình (với Hoàng Cúc). Người vội vàng bảo rằng tả cảnh (cảnh Huế và người Huế). Người khôn ngoan thì làm một gạch nối: tình yêu – tình quê. Kẻ bảo hướng ngoại. Người khăng khăng hướng nội. Lắm người dựa hẳn vào mối tình Hoàng Cúc như một bảo bối để tham chiến. Người khác lại dẹp béng mảng tiểu sử với cái xuất xứ không ít quan trọng ấy sang bên để chỉ đột phá vào văn bản không thôi. Người khác nữa lại hoàn toàn “dùng ngoài hiểu trong, dùng chung hiểu riêng”, ví như dùng lí sự chung chung về cái tôi lãng mạn và tâm trạng lãng mạn để áp đặt vào một trường hợp rất riêng này, v.v…”, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã nhận ra những truân chuyên mà thi phẩm đã trải qua như thế. Bởi vậy mới nói “nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng nó không có nghĩa khởi thủy, hay chủ ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện”, thi sĩ viết về thôn Vĩ đâu phải để tỏ tình riêng tư với một giai nhân nào, cũng không thể trở về vườn xưa thực sự để nhận định rằng là tình quê, thiếu cái nhìn liên văn bản hay những đồng cảm về thân phận, tư tưởng và thi pháp của Hàn Mặc Tử sẽ khó để có thể soi sáng được lớp “sương khói mờ nhân ảnh” bao trùm thi phẩm. Ta hiểu rằng cuộc trở về thôn Vĩ là cuộc trở về trong tâm tưởng, trong niềm nhớ của thi nhân, trong khi nhốt mình trong một thế giới cô độc đầy bóng tối thì hướng nỗi nhớ trở về thế giới ngoài kia tràn ngập ánh sáng, ta hiểu rằng những câu hỏi rơi vào hư không xuyên suốt bài thơ là câu hỏi của một người thơ chứa đầy mặc cảm, đầy nỗi đau – nỗi đau bị bỏ quên bên rìa cuộc đời, nỗi đau của sự cô độc không ai thấu, nỗi đau của thể xác quằn quại, và nỗi đau khi cảm nhận lưỡi hái tử thần là huơ lên lạnh buốt sau lưng, mới hiểu rằng bài thơ là những dòng tâm tư bất định, là tiếng thở dài, là lời cầu mong của một kẻ thiết tha gắn bó đến cháy lòng. Chú ý đến từng lớp biểu tượng ở tầng trầm tích đến phong cách ngôn ngữ Hàn Mặc Tử, từ dòng cảm xúc trữ tình đến cái điên cuồng của “thơ điên” mới có thể nắm được sự chỉ dẫn cần thiết bước vào sự vô tận trong những dòng thơ Hàn thi sĩ. Và khi đó, mọi sự tranh cãi, mọi kết luận vội vàng sẽ nhường chỗ cho sự cảm nhận sâu sắc, bình tâm và cảm động giữa những linh hồn đồng điệu.
NGHĨA KHỞI THUỶ MỞ RA CÁI VÔ TẬN
Không những vậy, giới hạn của “nghĩa khởi thuỷ” trên mạch thời gian hay không gian đều dễ hiểu đối với tiếp nhận. Nhưng đối với việc đón đọc các tác phẩm nước ngoài, giới hạn không chỉ nằm ở việc “nhìn ngắm mấy vạn núi non tươi đẹp”, “lịch duyệt mấy trăm vạn nhân vật cổ kim” (Trần Bích San) mà còn trên vùng ngôn ngữ không giống nhau. Tại Nam Phi, “sawubona” trong tiếng Zulu có nghĩa là “xin chào”. Đây là một từ ngữ rất đẹp vì nếu dịch chính xác thì “sawubona” có nghĩa là “tôi nhìn thấy bạn, bằng cách nhìn thấy bạn, tôi đưa bạn đến với sự hiện hữu”. Nhưng thường thì ngôn ngữ dịch trong các tác phẩm văn học, dù người dịch cố gắng hết sức thì không tài nào truyền tải hết ý vị của từ ngữ khi đặt vào văn cảnh, đặc biệt là với thơ ca vốn “là một tiếng nói ly khai chống lại sự lãng phí của từ ngữ và sự thừa thãi điên rồ của chữ in” (L.Folinghetti). Đọc “Tôi yêu em” của Puskin, ba chữ “tôi yêu em” dịch sang tiếng việt đều không còn khiến người ta quan tâm nhiều. Nguyên gốc ba từ của bài thơ là “Я вaс люблю”, động từ “Bac” (yêu) được sử dụng ở thì quá khứ. Thế nghĩa là câu chuyện của quá khứ, câu chuyện đã xảy ra, tưởng mờ chìm, tưởng bị vùi lấp tận đáy sâu nhưng nó vẫn hiện hữu. Rõ ràng, ngôn ngữ dịch đã thành hạn chế cho tiếp nhận, khiến ta bỏ qua sức sống của cuộc tình trong trái tim của nhà thơ luôn thường trực, hiện diện, không chỉ là hôm nay và ngày mai. Đó là sự thiếu thì của từ, huống chi là sự truyền đạt không đủ ý nghĩa. Đối với những chữ tượng hình, một chữ đã là một bức tranh rộng lớn, mà bạn đọc hôm nay có mấy người đọc hiểu tác phẩm từ nguyên gốc? Giới hạn “khởi thuỷ” này, vừa khách quan lại vừa chủ quan, vừa do chữ dịch không sát, vừa do khả năng của độc giả còn nhiều hạn chế. Nói đến khả năng đọc hiểu và cảm thụ tác phẩm văn học của bạn đọc, âu cũng là một loại giới hạn. Người ta tìm đến với văn chương nghệ thuật, là để khỏa lấp những lỗ trống còn thiếu sót trong mình, mà đã là thiếu sót thì ắt còn nhiều khó khăn khi tiếp nhận. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà tiếp nhận văn học sẽ còn “vô tận”, sẽ còn đồng hành với bạn đọc trong quá trình hoàn thiện chính mình, mà quá trình hoàn thiện ấy thì có bao giờ có hồi kết?
Tác phẩm văn học sẽ chết nếu cạn khô chất sống, nếu không thể “làm bạn với loài người cho đến ngày tận thế”, nhưng tác phẩm cũng sẽ chết ngay khi người đọc kết luận sơ sài, thậm chí sai lệch ý nghĩa khởi nguyên nhà văn gắm gửi. Điều người đọc có thể làm đó là, không ngừng để sự tự do trong tâm tưởng đào sâu đến tận cùng giá trị tác phẩm, cho mỗi trang văn có cơ hội đồng hành cùng con người, và tỉnh táo trước những mê lộ mà con chữ tạo ra, để không khiến tác phẩm “biến dạng”, để tác phẩm được như nó vốn là, và sẽ là trong tâm hồn bạn đọc.
🌸 Link đăng ký lớp HSGQG: https://forms.gle/6f3eJuwGoaWF3diB9
P/s: Từng là học sinh thi HSG Quốc gia, rời khỏi cuộc thi mới 1 năm, nhưng nhìn thấy đề thi năm nay vẫn muốn nói một cái gì đó. Bài viết này chỉ mang tính đưa ra suy nghĩ cá nhân, có thể nhiều chỗ khiến mọi người hoài nghi hay tranh cãi, nhưng rất mong nơi này giống như bức “Trường học Athens” của Raffaello, là nơi để tranh biện, luận bàn kiếm tìm chân lý, chứ không phải so sánh hơn thua đúng sai trái phải!
Hà Hạnh Nhiên & Nghiên,
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (1 đánh giá)