
Ý NGHĨA CỦA HÌNH TƯỢNG NƯỚC TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM








Ý NGHĨA CỦA HÌNH TƯỢNG NƯỚC TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM


Mỗi chúng ta đều biết, nước là một loại tài nguyên thiên nhiên quan trọng trong đời sống nhân loại, là tác nhân vĩ đại tạo nên một nền văn minh rực rỡ: Văn minh lúa nước. Nhắc đến lúa nước, là nhắc tới hình ảnh điển hình của nông nghiệp châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Do chịu sự ảnh hưởng lớn của nền văn minh lúa nước mà trong tâm thức người Việt, nước được xem là một thực thể khởi nguyên làm nên nhiên giới và nhân giới, nuôi sống con người, cỏ cây, muông thú. Nó chảy tràn vào văn hóa Việt Nam, đi vào trong những tác phẩm văn học, và trở thành biểu tượng muôn đời.
Khái niệm nước:
Nước là hợp chất hóa học ở dạng lỏng, có các tính chất lý hóa đặc biệt và là một chất rất quan trọng trong nhiều ngành khoa học và đời sống.
Theo từ điển Văn hóa thế giới: “Nước là khối vật chất chưa phân hóa, là hình tượng của số lượng vô cùng lớn những khả năng diễn biến, chứa đựng toàn bộ cái tiềm tàng, cái phi hình, cái mầm mống của mọi mầm mống, tất cả mọi hứa hẹn về sự phát triển, nhưng cũng chứa đựng mọi mối đe dọa bị tiêu tan. Đầm mình trong nước để rồi lại đi ra mà không tự hòa tan hết vào trong đó, trừ khi do một cái chết tượng trưng, đó là trở về cội nguồn, tự tiếp nguồn cho mình trong một kho dự trữ tiềm năng rộng mênh mông và lấy ở đó một sức mạnh mới: là một bước thoái lui và tan rã nhất thời, tạo tiền đề cho một bước tiến lên để tái thống hợp và tái sinh”
Ý nghĩa hình tượng nước trong văn hóa Việt Nam:
Nước mang ý nghĩa gột rửa, thanh lọc, xoa dịu nỗi đau của con người: Người Việt coi nước vừa là nguồn sống, vừa là phương tiện thanh tẩy. Về với nước là trở về với cội nguồn của những điều khởi nguyên làm nên sự sống, là được rũ bỏ, được tẩy uế. Đây hẳn là lý do mà khi xưa, trong “Truyền kì mạn lục” ( Nguyễn Dữ), nhân vật Vũ Nương lựa chọn trẫm mình xuống sông để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Ta thấy rõ điều này trong lời thề nguyền của Vũ Nương trước khi nàng đầm mình xuống sông: “ Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, Thần Sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ…”Chắc hẳn người con gái ấy muốn dùng dòng sông kia để xoa dịu nỗi đau của chính mình, đồng thời muốn gột rửa lớp bụi trần gian cùng những oan ức mà bản thân phải hứng chịu.
Nước là trung tâm của sự tái sinh, là nguồn sống dồi dào của con người: Trẫm mình xuống sông, Vũ Nương không mất đi hoàn toàn sự sống. Nàng tái sinh từ trong nước, trở về với cội nguồn sâu thẳm của đời sống tâm linh con người, sống một cuộc đời mới không vướng bận, không âu lo. Dường như lúc này, nước còn mang một tầng nghĩa khác đó là trả lại sự thanh thản cho hồn người, đưa con người ta trở về với nguyên bản, với những điều mà họ xứng đáng nhận được. Khi Trương Sinh lập đàn ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang thì thâý “ Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện.” Đó phải chăng là sự bù đắp của cuộc đời cho người con gái đức hạnh?
*Vậy thì, tại sao Vũ Nương trẫm mình xuống sông mà không nhảy vào lửa như nàng Sita (Sử thi Ramayana) để chứng minh sự trong sạch?
-Nếu văn hóa Việt Nam coi nước như một vị thần, là khởi sinh của vạn vật thì trong văn hóa Ấn Độ – một đất nước tôn thờ những những tín ngưỡng tôn giáo, thần Lửa được coi trọng và tôn kính nhất. Với người dân xứ Ấn, lửa là một phương tiện vận chuyển, là sứ giả từ thế giới người sống sang thế giới người đã khuất, là hiện thân của thần Lửa Agni – người theo dõi đạo đức và tiêu diệt tội ác của con người.
-Cũng giống như nước trong văn hóa Việt, người dân Ấn Độ coi lửa là biểu tượng thần thánh chủ yếu với ý nghĩa tẩy uế hoặc tái sinh. Trong ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, “trong sạch” và “lửa” là cùng một từ. Bởi vậy, người ta cũng tin rằng lửa là phương thức chứng minh sự trong sạch của con người.Nàng Sita trong Sử thi Ramayana của Ấn Độ lựa chọn bước lên giàn hỏa thiêu để minh chứng cho sự thủy chung, trong trắng, trinh tiết của mình khi bị chồng nghi ngờ rằng đã thất thân âu cũng bởi chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa lâu đời của đất nước này. Còn Vũ Nương, lựa chọn trẫm mình xuống sông là bởi văn hóa Việt Nam coi nước là nguồn thanh tẩy và tái sinh con người, là nơi chữa lành, là chốn về của linh hồn. Chính sự khác biệt về văn hóa dẫn đến ý thức hệ tư tưởng của con người khác nhau, nên cách lựa chọn chứng minh sự trong sạch của Vũ Nương và nàng Sita mới có điểm khác biệt. Một người lựa chọn dòng sông để giải nỗi oan khuất, một kẻ lựa chọn ngọn lửa thiêng để chứng minh sự trong sạch.
*Có thể thấy, biểu tượng nước trong văn hóa Việt Nam mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau về sự tái sinh, gột rửa, thanh lọc và xoa dịu nỗi đau con người.
Link đăng kí lớp Sirius ôn vào ĐTQG: https://forms.gle/ikTkzMoRAYfKVMcJ8
Hãy cho biết trải nghiệm của bạn với nội dung trên
Danh sách đánh giá (0 đánh giá)